Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 7h ngày 25/8, vị trí tâm bão ở khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Bắc Biển Đông, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 450km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (89- 117km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 170km tính từ tâm bão.
Do ảnh hưởng của bão, ở khu vực phía Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) từ khoảng trưa ngày 25/8 gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 2,5-3,5m.
Từ chiều 25/8 đến sáng 26/8, khu vực ven biển tỉnh Quảng Ninh khả năng có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; khu vực Hải Phòng, Lạng Sơn khả năng có gió giật cấp 6-7. Đến thời điểm này, hai địa phương Quảng Ninh và TP. Hải Phòng đang chuẩn bị nhiều phương án để ứng phó.
Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của bão số 3 Ma-on
Tại tỉnh Quảng Ninh: Ban Chỉ huy Phòng PCTT-TKCN& PTDS tỉnh đề nghị Sở Giao thông vận tải, Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh, Cảng vụ đường thủy nội địa, UBND các địa phương ven biển tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi (có thẻ xem xét, cho phép các tàu được chạy từ các tuyến đảo về đất liền tránh trú và kết thúc công việc này) trước 15h chiều nay 25/8/2022.
Tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện du lịch biển, lưu trú qua đêm tại các điểm du lịch trên biển từ 12h hôm nay.
Cùng với đó, UBND tỉnh Quảng Ninh liên tục phát đi các Công điện về việc chủ động ứng phó bão số 3. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành chức năng, địa phương tập trung các biện pháp cao nhất cho công tác phòng chống bão. Ngay khi có tin khẩn cấp về cơn bão, các ngành, địa phương trên địa bàn đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp để phòng chống nhằm giảm thiểu thiệt hại do cơn bão gây ra.
Đối với TP. Hải Phòng: UBND thành phố vừa có văn bản yêu cầu, các Sở, ban, ngành thành phố và UBND các quận, huyện tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, gió mạnh, mưa lớn; thông báo kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân, cộng đồng để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tàu thuyền về neo đậu tránh trú bão tại khu vực cảng Cái Rồng huyện Vân Đồn (Quảng Ninh)
Quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tiếp tục rà soát, thông báo, kêu gọi, hướng dẫn cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tầu thuyền tại bến.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; kịp thời đề xuất UBND thành phố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố các nội dung cần chỉ đạo để phòng, chống bão.
Chỉ đạo các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi sẵn sàng tiêu nước đệm; phối hợp với các địa phương thực hiện các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nhất là diện tích lúa để giảm thiểu thiệt hại.
Sở Giao thông Vận tải chủ trì, cùng các địa phương rà soát, sẵn sàng phương án và tổ chức thực hiện đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường, đặc biệt tại các khu vực sạt lở do mưa lớn gây ra. Riêng Sở xây dựng phối hợp cùng các quận, huyện rà soát, thực hiện các phương án gia cố nhà ở, công trình công cộng; sơ tán nhân dân ở khu nhà cũ, yếu; rà soát, chỉ đạo các chủ đầu tư các công trình cao tầng đang thi công thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và phương tiện thi công.
Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho hành khách, công trình, an toàn hàng không tại Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi…