Trong thời gian từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 9/2022, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã liên tiếp xảy ra các vụ việc học sinh đánh nhau. Trong số này các vụ việc chủ yếu xảy ra ở học sinh nữ, cấp THCS.
Trước thực trạng này, ngành giáo dục Thừa Thiên Huế đã họp khẩn nhằm đưa ra 'động thái mạnh' để chấn chỉnh. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực học đường lại tiếp tục xảy ra và có phần nghiêm trọng hơn. Khi mới đây, chỉ vì mâu thuẫn, một nam sinh THPT đã dùng dao rượt, khiến bạn bị thương phải đi điều trị tại bệnh viện.
TS Nguyễn Thanh Hùng trong một buổi chia sẻ về tâm lý học đường với các em học sinh.
Xoay quanh vấn đề bạo lực học đường gia tăng đầu năm học, trao đổi với PV, TS. Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐHSP, Đại học Huế (TS Hùng) cho rằng, bạo lực học đường xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Ở lứa tuổi học sinh THCS, đây là độ tuổi dậy thì chưa ổn định, dễ nổi nóng, dễ bị tác động, lôi kéo. Chỉ cần một lý do đơn giản nào đó thì sẽ dễ kích động dễ tấn công, bốc đồng và phản kháng.
"Ngoài vấn đề phát triển tâm sinh lý không ổn định, các em còn thiếu quá nhiều kỹ năng về phòng chống bạo lực học đường. Các em học sinh chưa biết cách kiểm soát cảm xúc của mình, kỹ năng về giải quyết mâu thuẫn, kỹ năng giao tiếp văn hóa", TS Hùng nói.
TS Hùng nêu ví dụ: "Khi bị tấn công, các em không biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác mà các em lại phản kháng vì vậy tình trạng bạo lực học đường xảy ra".
Theo TS Hùng, để giải quyết được vấn đề này không phải ngày một, ngày hai cũng không phải chỉ bên phía nhà trường mà cần có sự quan tâm của gia đình. Khi bố mẹ quan tâm, các em cảm thấy hạnh phúc thì tất nhiên cảm xúc của các em cũng sẽ giảm căng thẳng và giảm bớt tình trạng bạo lực học đường.
Thừa Thiên Huế: Làm rõ vụ nam sinh lớp 10 bị bạn dùng dao rượt bị thương trong giờ ra chơiĐỌC NGAY
"Nhà trường cần nhận thấy rõ vai trò để giúp các em quản lý được hành vi chuẩn mực đạo đức của mình. Đồng thời, nhà trường cần chỉ rõ cho các em thấy hậu quả đối với người gây ra bạo lực học đường. Tăng cường tuyên truyền trong các buổi chào cờ, sinh hoạt ở nhà trường để chỉ rõ cho các em thấy được hậu quả của bạo lực học đường gây ra", TS Hùng nói.
Ngoài ra, TS Hùng cũng cho rằng, về phía cơ quan chức năng, họ cần quan sát các nhóm đối tượng có hành vi lôi kéo các em học sinh tham gia bạo lực, theo dõi các học sinh có ý định thực hiện hành vi bạo lực để kịp thời can thiệp, giúp giảm bớt tình trạng bạo lực học đường xảy ra.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dạy trẻ sống có mục tiêu sẽ khiến con dễ thành công hơn trong tương lai