Như đã đặt dấu hỏi liệu rằng phim Việt chúng ta có đang thiếu một bức tường văn hóa đủ kiên cố trong khi có rất nhiều chất liệu có thể khai thác. Trong đó có các tác phẩm văn học cổ điển. Cùng điểm qua một số tác phẩm nổi tiếng hoàn toàn có thể dùng nó như một chất liệu để chuyển hóa thành kịch bản điện ảnh.
1. Truyện Kiều của Nguyễn Du
Không có gì phải bàn cãi khi mà tác phẩm truyện thơ của nhà thơ Nguyễn Du lại đứng đầu danh sách này. Có lẽ vì là một tác phẩm đồ sộ nên vẫn chưa có một nhà làm phim nào "dám" hoặc chưa đủ thực lực chuyển thể. Cho đến nay, khi nhắc đến Truyện Kiều, ngoài nguyên tác ra, chỉ có các tác phẩm chèo, cải lương đã chọn cuộc đời truân chuyên của nàng Thúy Kiều để thề hiện.
Cảnh trong vở cải lương Kim Vân Kiều do nghệ sĩ Thanh Sang và nghệ sĩ Bạch Tuyết đóng chính
Xét về nội dung, Truyện Kiều chứa những yếu tố hấp dẫn ngay cả với các khán giả trẻ: mối tình thơ mộng giữa Thúy Kiều – Kim Trọng, hình tượng chàng Từ Hải "Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai"…
Với một cốt truyện trải dài suốt 15 năm lưu lạc của Thúy Kiều sẽ đảm bảo độ dài của một bộ phim truyền hình kinh điển. Nếu các nhà làm phim lo ngại vấn đề kinh phí, thì thiết nghĩ họ có thể làm theo mô hình: làm một phần, thăm dò thị hiếu khán giả rồi mới làm tiếp phần sau. Mô hình làm phim theo nhiều phần (hay còn gọi là season) cũng là cách mà các nhà đài Mĩ kiểm soát vấn đề kinh phí và doanh thu.
2. Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ
Tác phẩm vào thế kỉ 16 này có nét tương đồng với Liêu trai chí dị: tập hợp những câu chuyện ma quái, nhằm thể hiện bức tranh xã hội phong kiến với đủ các khía cạnh. Câu chuyện được biết đến nhiều nhất trong tác phẩm này có lẽ là Người thiếu phụ Nam Xương kể về người thiếu phụ có chồng đi lính, hằng đêm nàng chỉ vào chiếc bóng và bảo với con rằng đấy là cha đứa bé. Khi người chồng về, vì nghe con bảo "Đêm nào cha tôi cũng đến" mà anh sinh ra ghen tuông khiến vợ phải tự tử.
Một cảnh phim cổ tích Người thiếu phụ Nam Xương
Đan Trường cũng từng chọn câu chuyện Người thiếu phụ Nam Xương lên MV Mẹ Tôi
Câu chuyện trên đã được dựng thành chèo, cải lương, phim thiếu nhi… Nhưng một bộ phim tập trung đầy đủ các câu chuyện trong Truyền kì mạn lục để lột tả được xã hội Việt Nam thời xa xưa vẫn chưa xuất hiện. Và biết đâu, một phiên bản truyền hình thành công của Truyền kì mạn lục sẽ là tiền đề cho những bộ phim điện ảnh cũng dựa trên tác phẩm này.
Một ví dụ điển hình là Liêu Trai chí dị cũng có các phiên bản truyền hình lẫn điện ảnh rất thành công. Các bản phim truyền hình thì khai thác nhiều câu chuyện và được làm dàn trải thành nhiều phần. Trong khi các bản điện ảnh thường chọn những câu chuyện có yếu tố li kì, rùng rợn cao để phát huy thế mạnh về kĩ xảo và âm thanh.
Phim Liêu Trai do TVB sản xuất năm 1998
Họa Bì điện ảnh do Châu Tấn, Triệu Vy, Trần Khôn, Chân Tử Đan đóng từng gây tiếng vang lớn
3. Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác (Hải Thượng Lãn Ông)
Đây là tập kí sự kể về hành trình lên kinh đô chữa bệnh cho Thế tử của lương y Lê Hữu Trác (thường được biết đến với danh xưng Hải Thượng Lãn Ông). Tác phẩm này tuy không đồ sộ như hai tác phẩm trên nhưng nó có rất nhiều chất liệu để làm nên một bộ phim truyền hình hay: các ghi chú về ngành y học cổ đại Việt Nam, những đấu tranh quyền lực trong phủ chúa, và cả những tình tiết rất cảm động xoay quanh tác phẩm.
Một trang trong Thượng kinh ký sự
Theo lời kể của tác giả trong Thượng kinh ký sự, thì hồi nhỏ gia đình Lê Hữu Trác có dạm hỏi một cô gái, là con Thừa tự tham chánh ở Sơn Nam, cho ông cưới làm vợ. Đã làm lễ vấn danh và ăn hỏi rồi, nhưng có việc trở ngại, khiến ông phải từ hôn, và về ở luôn Hương Sơn. Năm, sáu năm sau, ông lên kinh thì nghe tin vị quan trên đã qua đời, còn cô gái đau khổ kia đã thề suốt đời không lấy ai nữa...
Trong thời gian ở Thăng Long chữa bệnh cho cha con chúa Trịnh, tình cờ ông gặp lại người cũ, mà giờ đây đã thành một bà sư già, khổ sở và cô độc. Ông có ý muốn rước bà về ngôi chùa do anh ông xây dựng ở quê, nhưng bà đã sụt sùi từ chối, chỉ mong một việc là: Nghe nói trong Nghệ (Nghệ An) có nhiều cỗ áo quan tốt, muốn mua một cỗ…
Có thể nói, Thượng kinh ký sự đã cung cấp một bối cảnh có chiều sâu và chỉ chờ đợi một bàn tay biên kịch đủ khéo léo cũng như sáng tạo nhằm tạo nên chất riêng cho phiên bản điện ảnh.
Trên đây chỉ là ba trong số những tác phẩm tiềm năng đang chờ đợi sự chuyển thể của các nhà làm phim. Hi vọng rằng với sự đi lên của điện ảnh Việt những năm gần đây, chúng ta sẽ sớm được thưởng thức chúng.
Dù chất lượng chưa tốt nhưng Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh Kungfu là một phim điện ảnh cải biên thú vị cần được phát huy thêm
Tất nhiên nếu bê nguyên xi một câu chuyện lên phim ảnh đương đại thì vừa khó mà cũng vừa nhiêu khê. Nhưng vấn đề ở đây chính là phải cải biên, phải biến tấu thế nào để thực sự có được một kịch bản điện ảnh/truyền hình hấp dẫn.