Erika (43 tuổi) là con một. Mẹ cô qua đời cách đây 9 năm sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh ung thư phổi di căn. Đầu năm nay, bố cô cũng được chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt và ung thư đường ruột.
Erika đưa cha mình đến kiểm tra sức khỏe nhiều lần tại Trung tâm Ung thư Thượng Hải thuộc Đại học Phục Đán, một trong những trung tâm y tế tốt nhất ở Trung Quốc. Các bác sỹ nói rằng bệnh của cha cô đang ở giai đoạn cuối, các tế bào ung thư đã lan đến nhiều bộ phận trong cơ thể.
"Các bác sỹ cho biết tình trạng của cha tôi nghiêm trọng đến mức họ không thể phẫu thuật hay hóa trị. Điều đó tương đương với án tử hình đối với cha tôi.Tôi đã chuẩn bị đầy đủ tiền để chữa trị cho cha, nhưng y học không thể cứu được. Đó không phải lỗi của tôi.
Vì vậy, tôi đã tìm đến một nơi có thể giúp ông ít phải chịu đựng đau đớn hơn. Đó là một nhà tế bần (cơ sở chăm sóc người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, người già), những bệnh nhân ở đó được tạo điều kiện thoải mái nhất trong khi chờ đợi giây phút lâm chung", Erika kể lại.
Erika chụp ảnh cùng cha. (Ảnh: Weibo)
Trong thời gian khó khăn đó, Erika không nhận được sự hỗ trợ nào từ người thân, họ hàng, một mình cô phải lo liệu tất cả. Những người này gọi điện và thúc giục cô đưa bố đi điều trị để cứu sống được ngày nào hay ngày đó.
"Họ bảo tôi phải nỗ lực hết sức để giữ cho cha tôi sống sót; nếu không, tôi sẽ không có ai trên thế giới này để quan tâm. Tôi nói với họ: 'Để một người sắp chết sống trong đau đớn có ý nghĩa gì?'”, Erika nói.
Erika đã đưa ra một quyết định khó khăn là gửi cha mình đến nhà tế bần vào tháng 5 và chỉ 2 tháng sau đó, cha cô qua đời. Từ đó, mâu thuẫn giữa cô và họ hàng càng trở nên gay gắt.
Cô bị mọi người ghẻ lạnh. Họ cho rằng Erika ngang ngược và vô ơn. Nhưng người phụ nữ này không quan tâm đến những gì người thân nói sau lưng vì điều đó không quan trọng với cô.
Câu chuyện mà Erika chia sẻ thu hút 4 triệu lượt xem trên mạng xã hội Weibo tạo ra cuộc tranh cãi lớn. Rất nhiều người đồng tình với quan điểm của cô: “Đó là quyết định đúng đắn nhất; nếu tôi là bệnh nhân, tôi cũng muốn ở trong khu chăm sóc cuối đời hơn”; “Nếu một người không muốn chịu đựng nỗi thống khổ nữa và muốn chết càng sớm càng tốt thì việc gửi họ đến cơ sở chăm sóc cuối đời là một hình thức báo hiếu”.
Có người thẳng thừng cho rằng, việc áp dụng điều trị bất chấp cảm giác đau đớn của bố mẹ không thực sự là hiếu: “Nếu con cái không quan tâm đến nỗi đau của bố mẹ mà nhất quyết dốc nhiều tiền vào các biện pháp điều trị như đặt ống vào cơ thể, phẫu thuật, hóa trị hết lần này đến lần khác... chỉ nhằm mục đích duy nhất là thể hiện lòng hiếu thảo, thì đó là điều không thể chấp nhận được, không phải là tình yêu"...
Tuy nhiên, rất nhiều người khác phản đối quyết định của Erika. "Tôi ngưỡng mộ cô ấy nhưng tôi sẽ không làm như vậy. Mẹ tôi đang ở giai đoạn giữa của bệnh ung thư phổi. Tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để cứu bà"; "Tôi không thể nhẫn tâm nhìn cha tôi chết dần dần mà không can thiệp y tế gì, tôi không thể làm được, nó thuộc về đạo đức con người"...
Vào tháng 11, mạng xã hội Trung Quốc cũng rất quan tâm đến câu chuyện người cha mắc bệnh nan y ở tỉnh Hà Bắc từ chối điều trị.
Ông kiên quyết rời khỏi bệnh viện, khẳng định mình không muốn chữa trị thêm vì đó sẽ là gánh nặng tài chính cho con gái. Còn cô con gái đuổi theo bố, quỳ xuống cầu xin ông chữa bệnh: “Bố ơi, thế giới này chỉ còn lại bố, nên con muốn bố sống cùng con thêm nữa”.
Thep VTC