Khó có thể định danh Phan Thanh Liêm là gì trong số các danh xưng, vì anh vừa là nghệ nhân làm con rối, vừa là diễn viên biểu diễn, đồng thời là người biên đạo và sáng tạo mô hình sân khấu rối nước thu nhỏ. Nhưng có một điều chắc chắn rằng tình yêu với môn nghệ thuật dân gian luôn chảy tràn trong anh.
Giống như cây lớn thường bắt rễ sâu, Phan Thanh Liêm được thừa hưởng tình yêu rối nước và tài năng của tổ tiên, ông cha mình. Anh sinh ra tại xã Nam Chấn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định - nơi có truyền thống về nghệ thuật múa rối dân gian lâu đời. Tới nay phường rối Nam Chấn vẫn được duy trì. Ông nội của Thanh Liêm là Phan Văn Huyên - một nghệ nhân điêu khắc gỗ, tạc tượng, tạo hình rối nước. Cha anh - ông Phan Văn Ngải - là người truyền nghề cho nhiều diễn viên rối nước hiện nay, cũng là người đầu tiên tạo mô hình rối nước lưu động. Nhà thủy đình của Phan Văn Ngải thiết kế tới nay đã đi biểu diễn khắp nơi. Bảo tàng Louvre, Pháp cũng lưu giữ, trưng bày một "Chú Tễu" do cha anh tạo tác.
Phan Thanh Liêm dành tình yêu đặc biệt với các con rối nước.
Tuổi thơ lớn lên trong môi trường toàn con rối, lại được theo phường nghệ thuật của cha đi biểu diễn, Phan Thanh Liêm sớm nhận ra những hạn chế của sân khấu rối nước truyền thống. Từ việc biểu diễn tại các ao đến những sân khấu quy mô là một bước phát triển. Để đưa môn nghệ thuật gắn liền với mặt nước đi lưu diễn khá tốn kém và mất nhiều công sức.
Có được một buổi diễn thành công cần phải mang nào nhà thủy đình, nào lỉnh kỉnh đủ thứ đạo cụ, con rối, nhân sự đi kèm... Với mong muốn giữ gìn, quảng bá nhiều hơn môn nghệ thuật dân gian, Thanh Liêm ý thức được việc cần phải đưa rối biểu diễn ở nhiều nơi. Anh nung nấu ý định tinh giản sân khấu để diễn ở xa được thuận tiện. Phan Thanh Liêm nghĩ ra mô hình rối nước thu nhỏ. Nhà thủy đình chỉ có một mái trước để di chuyển bớt cồng kềnh, vở diễn thu gọn sao cho một, hai người cũng có thể điều khiển rối.
Phan Thanh Liêm trình làng sân khấu rối nước thu nhỏ tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ năm 2000. Anh không ngờ bể nước có diện tích 80cm x 50cm với những con rối được tạo tác cực nhỏ ấy lại thu hút nhiều khán giả. Cá nhân anh có thể đi diễn ở các triển lãm, hội chợ, mang tới trường học... Với ưu điểm gọn nhẹ, mô hình rối nước thu nhỏ của Thanh Liêm được mang tới nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Ba Lan, Canada, Malaysia, Nhật Bản, Trung Quốc... Chuyến lưu diễn gần đây nhất của Phan Thanh Liêm là tại Anh, trong khuôn khổ chương trình "Khám phá Việt Nam" do Đại sứ quán Việt Nam tại Anh tổ chức từ 10/9 tới 13/9. Các buổi diễn của Thanh Liêm thu hút nhiều khán giả nên người tổ chức sự kiện mời anh tiếp tục biểu diễn tại Anh vào năm 2016.
Không chỉ đưa rối nước đi lưu động, Thanh Liêm còn dựng một sân khấu nhỏ cố định cho mình. Trong ngôi nhà ở sâu trong ngõ chợ Khâm Thiên, anh làm một nhà thủy đình trên tầng thượng. Sân khấu có thể chứa được 21 người. Khán giả phần lớn là du khách nước ngoài, cùng một số sinh viên nghiên cứu về văn hóa, hoặc học sinh, gia đình muốn đưa con tới khám phá nghệ thuật truyền thống.
Xuất phát từ tấm lòng muốn truyền bá, giữ gìn nghệ thuật rối nước, Thanh Liêm không chỉ biểu diễn cho xong. Khách tới nhà đều được chủ nhân ra tận ngõ đón. Chủ nhà mời khách ăn kẹo lạc, uống nước chè và nghe nói về nghệ thuật rối nước truyền thống của Việt Nam. Sau đó, khách được mời xem rối. Nơi đây, Thanh Liêm sẽ diễn các tích truyền thống như Bát tiên, Đánh cáo bắt vịt, Múa phượng, Chú Tễu... Anh cũng diễn một số tiết mục rối nước hiện đại do chính mình dàn dựng với chủ đề bảo vệ môi trường, an toàn giao thông. Nhiều đoàn khách sau khi xem biểu diễn đã có nguyện vọng ở lại cùng ăn cơm với gia đình, vừa để trò chuyện gần gũi, vừa có thêm hiểu biết về rối nước.
Một tốp du khách đang trải nghiệm diễn rối nước tại sân khấu thu nhỏ.
Dành tình yêu cho rối, Thanh Liêm hy sinh phần lớn không gian nhà cho nghệ thuật truyền từ cha ông. Trong ngôi nhà bốn tầng, gia đình anh chỉ sống trong một phòng hơn 10m2, phần còn lại là chỗ cho hơn một nghìn con rối được đặt, treo khắp nơi. Bước chân vào nhà đã thấy một giá để rối nước ở tầng một. Không gian tầng hai được chia làm hai nửa: phòng khách và phòng ngủ cho cả gia đình. Trên tầng ba là nơi nghệ nhân chế tác các con rối và tầng bốn dùng làm sân khấu biểu diễn.
Gia đình Thanh Liêm có bốn người, con trai lớn đã học lớp tám, con trai nhỏ học lớp ba mà cả nhà vẫn ngủ chung trên một chiếc giường, anh đang đặt làm giường tầng cho các con. Thanh Liêm nói hiện anh rất khó khăn trong việc tạo không gian sinh hoạt cho gia đình.
Thu nhập từ việc diễn rối không cao. Vào mùa du lịch từ khoảng đầu và cuối năm, mỗi ngày gia đình Phan Thanh Liêm có thể diễn một show phục vụ khách. Nhưng vào mùa hè, khoảng giữa năm, gia đình thường xuyên vắng vẻ. Hỏi Thanh Liêm về những mong muốn trong nghề nghiệp, anh bảo chỉ mong được hỗ trợ, tạo điều kiện để bảo tồn nghệ thuật rối nước. Thẳm sâu trong anh lúc nào cũng lo nghệ thuật truyền thống này bị mai một.
Anh kể câu chuyện vui rằng mình không có ý định kết hôn, nhưng muốn có con theo nghề rối, nên lập gia đình, sinh con đẻ cái. Khi đã có hai người con trai, Thanh Liêm vẫn lo bị thất truyền nghề của tổ tiên. Anh bảo: "Mình phải tôn trọng, để cho các con tự quyết định tương lai chứ. Nếu nghề mà không đảm bảo thu nhập thì cũng khó thuyết phục mọi người theo đuổi, gìn giữ. Có thực mới vực được đạo mà".
*
Lam ThuẢnh: Quý Đoàn