Tiết mục thuộc Talkshow và Biểu diễn nghệ thuật Mãn Sắc, diễn ra tại rạp Hồng Hà. Trích đoạn dài khoảng 30 phút, tái hiện cảnh Nguyệt Cô - lúc này đã mang kiếp người - ra trận thay chồng là tướng Võ Tam Tư để tiêu diệt phái Cửu Diệm Sơn, bắt sống Trịnh Bửu. Tiết Giao - cháu của chủ phái Tiết Cương - xung phong đi cứu Trịnh Bửu. Tuy nhiên giáp mặt trên chiến trường, Nguyệt Cô lại bị thu hút bởi vẻ đẹp của Tiết Giao.

Dù đã bắt được kẻ thù, đối diện gương mặt hắn, Nguyệt Cô không nỡ ra tay. Tiết Giao sau khi được tiên ông làm cho hồi tỉnh và biết về bí mật của Nguyệt Cô, bèn lên kế hoạch lấy được viên ngọc trong miệng nàng. Biết Nguyệt Cô thích mình, hắn dùng những lời đường mật để tán tỉnh, khiến nàng nhanh chóng si mê. Trong lúc Nguyệt Cô mất cảnh giác, hắn lén lút lấy ngọc hộ mệnh của nàng. Lúc này, Nguyệt Cô mới bẽ bàng vì bị lừa dối. Mất viên ngọc, nàng dần trở lại thân xác của loài cáo.

Hồ Nguyệt Cô hóa cáo hay có tên khác là Tiết Giao đoạt ngọc, Võ Tam Tư chém Nguyệt Cô nguyên là một vở tuồng cung đình Huế do soạn giả Đào Tấn (1845-1907) sáng tác dựa trên tích truyện của Trung Quốc.

trich-ho-nguyet-co-hoa-cao-1730607637.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KxVJV_DmCrBGUlhT2aNWzA
Trích 'Hồ Nguyệt Cô hóa cáo'

Trích đoạn Hồ Nguyệt Cô biến thành cáo. Video: Phương Linh

Khán giả xem buổi diễn đa số là sinh viên, người trẻ ở độ tuổi dưới 30. Họ tập trung theo dõi trích đoạn, hò reo cổ vũ trước cảnh Nguyệt Cô hoảng hốt khi thấy mình mọc lông, có đuôi, móng vuốt và tiếng tru của loài cáo. Kết thúc tiết mục, ba khán giả, trong đó có một em nhỏ tham gia học các động tác tuồng do bộ đôi nghệ sĩ Mạnh Linh - Lộc Huyền hướng dẫn trên sân khấu.

Nghệ sĩ Ưu tú Lộc Huyền - trưởng đoàn nghệ thuật thể nghiệm của Nhà hát Tuồng Việt Nam - nói xúc động trước tràng pháo tay của khán giả, nhất là các bạn trẻ. Chị cho biết Hồ Nguyệt Cô nằm trong số hình tượng mẫu mực của bộ môn tuồng, khiến diễn viên mất nhiều thời gian, sức lực để hóa thân tốt nhất. ''Qua nhân vật này, tôi gửi trọn tâm huyết và tình yêu nghề của mình'', nghệ sĩ cho biết.

Minh Thu, 21 tuổi, Hà Nội cùng nhóm bạn lần đầu xem tuồng, nói ấn tượng cách diễn viên hát, chuyển động hình thể, nhận thấy tiết mục có sự kết hợp âm thanh, ánh sáng hiệu quả, gửi thông điệp nhân văn về phẩm chất con người. Qua đó, các khán giả thêm trân trọng công sức của nghệ sĩ hay những cá nhân đang cố gắng lan tỏa tình yêu tuồng đến thế hệ trẻ.

Man-sac-1-2242-1730616177.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=F0mDfrIc5tuSZVPvFR7uIA

Talkshow giải mã tính ước lệ trong tuồng diễn ra trước tiết mục. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Đêm diễn nằm trong dự án Khai sắc tuồng thanh do Nhà hát Tuồng Việt Nam phối hợp nhóm sinh viên khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện, là một trong những hoạt động mở màn thuộc Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm nay. Sự kiện nhằm kết nối giới trẻ với nghệ thuật tuồng, thông qua một số hoạt động như workshop Nét tuồng, trải nghiệm làm postcard mặt nạ tuồng, talkshow về vẻ đẹp ước lệ của bộ môn này.

Ông Tạ Văn Sốp - nguyên phó giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam - cho biết những năm gần đây, đơn vị đã dần làm mới cách tiếp cận công chúng, đặc biệt là người trẻ, bởi theo ông, khán giả là sự tồn tại của sân khấu. Ông cho rằng nên có những chương trình giúp thế hệ trẻ biết đến tuồng, hiểu về bộ môn, từ đó dần khơi dậy tình yêu và trách nhiệm gìn giữ nghệ thuật truyền thống này. ''Đó là cách bảo tồn bền vững nhất'', ông Tạ Văn Sốp nói.

Phương Linh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022