Quyết định được đưa ra trong phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của UNESCO diễn ra tại Rabat, Marocco tối 29/11 (giờ Hà Nội). Nghệ thuật làm gốm của người Chăm là một trong 56 hồ sơ được xem xét trong kỳ họp này.

Gốm của người Chăm chủ yếu là đồ gia dụng, đồ dùng cúng lễ và đồ mỹ nghệ như chum, nồi, mâm, bình... do phụ nữ sáng tạo. Đất sét lấy từ cánh đồng Hamu Tanu Halan, bên bờ sông Quao thuộc làng Bàu Trúc hoặc làng Xuân Quang (Ninh Thuận). Nghệ nhân sử dụng các dụng cụ như vòng cạo bằng tre để cạo mỏng thân gốm, vỏ sò, vải cuộn thấm nước để chà láng. Thay vì sử dụng bàn xoay, họ di chuyển giật lùi quanh khối nguyên liệu để tạo hình sản phẩm. Gốm không tráng men và được phơi khô, nung ở ngoài trời bằng củi và rơm trong 7-8 giờ ở nhiệt độ khoảng 8.000 độ C.

Ngu-i-gi-h-n-cho-g-m-cham-7-53-1766-6797-1669741394.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ayj-sFM6c4qw8rifTsN-uw

Nghệ nhân Đơn Thị Hiệu mô tả quá trình làm gốm Chăm. Ảnh: Ngân Dương.

Theo đại diện Cục Di sản Văn hóa, kiến thức và kỹ năng làm gốm được truyền cho nhiều thế hệ trong các gia đình. Nghề gốm giúp phụ nữ Chăm giao lưu, tương tác trong lao động sản xuất, sinh hoạt xã hội, giáo dục nghề nghiệp cho con cái, tăng thu nhập, nâng cao vai trò của họ trong xã hội. Di sản gắn liền với nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, trong đó có các nghi lễ liên quan đến ông tổ nghề làm gốm của người Chăm. Vì vậy, bảo vệ di sản là giữ gìn bản sắc văn hóa của người Chăm ở Việt Nam.

Ngu-i-gi-h-n-cho-g-m-cham-6-56-3649-2631-1669741394.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=EypDa5o5l7SWnl4Oc9_3sg

Thợ làm gốm phết phẩm màu đỏ tự nhiên từ đất đỏ lên gốm trước khi nung. Ảnh: Ngân Dương

Hiện nay nghề gốm đứng trước nguy cơ mai một do số lượng nghệ nhân, người thực hành và học nghề tại các làng gốm ngày càng ít. Thợ lành nghề tuổi đã cao, trong khi thế hệ trẻ không có hứng thú. Tác động của quá trình đô thị hóa ảnh hưởng đến không gian các làng nghề thủ công truyền thống và nguồn nguyên liệu sẵn có. Ngoài ra, sản phẩm thiếu sự đa dạng, không phù hợp với nhu cầu khách hàng, chi phí sản xuất tăng cao và ảnh hưởng bởi Covid-19.

Bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Di sản Văn hóa - cho biết sẽ thực hiện các biện pháp bảo vệ các giá trị nghề làm gốm của người Chăm. Trong hồ sơ đề cử nêu chi tiết kế hoạch được thực hiện trong bốn năm, từ 2023 đến 2026. Trong đó, đề cập đến việc đào tạo, tư liệu hóa, giải quyết các vấn đề liên quan nguồn nguyên liệu và tạo sinh kế bền vững cho những người hành nghề.

gom-2570-1669741394.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-0dftqy1JVcbp32fPgspig

Bà Lê Thị Thu Hiền (giữa) và đoàn Việt Nam tại phiên họp ngày 29/11. Ảnh: Cục Di sản Văn hóa

Việt Nam lần thứ 15 ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, gồm: Nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca quan họ Bắc Ninh, ca trù, hội Gióng, hát xoan, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đờn ca tài tử Nam Bộ, dân ca ví giặm, nghi lễ và trò chơi kéo co, tín ngưỡng thờ Mẫu, bài chòi ở Trung Bộ, thực hành then của người Tày, Nùng, Thái và mới đây là xòe Thái. Năm 2017, UNESCO đưa hát xoan khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp.

Hiểu Nhân

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022