Phim "Fanti" do Andy Nguyễn đạo diễn sẽ trở thành tác phẩm Việt đầu tiên trở lại rạp sau mùa hè vắng bóng, nhường sân cho các "bom tấn" nước ngoài. "Fanti" là phim khai thác về mối nguy hiểm của những người trẻ, nổi tiếng trong cộng đồng mạng, bị kẻ bí ẩn rình rập, đe dọa.
Đậm hơi thở cuộc sống
"Fanti" thuộc thể loại tâm lý - giật gân, kể về Ánh Dương (Thảo Tâm đóng) - một cô gái xinh đẹp, nổi bật trên mạng xã hội, có nhiều người hâm mộ. Từ danh tiếng ở "thế giới ảo", cô nỗ lực dấn thân vào showbiz trong vai trò diễn viên. Ánh Dương cũng đối mặt sự cạnh tranh từ những người đẹp nổi bật trên mạng xã hội khác. Cô nỗ lực để tạo sự hấp dẫn, thu hút nhiều người hâm mộ mình.
Tuy nhiên, khi số lượng người theo dõi Ánh Dương tăng nhanh trên mạng xã hội Instagram, cuộc sống của cô cũng đảo lộn bởi sự xuất hiện của kẻ rình rập bí ẩn đứng sau tài khoản Carot 1F643. Kẻ này biết mọi hành tung của cô - từ việc đi tiệc, hẹn hò đến gặp gỡ ai, mặc quần áo gì. Hành vi này khiến Ánh Dương hoảng loạn, lúc nào cũng cảm thấy xung quanh mình có người ẩn nấp, rình rập.
"Fanti" quy tụ các diễn viên: NSND Lê Khanh, Hồ Thu Anh, Võ Điền Gia Huy, Hoàng Sơn, Adrian Nguyễn, Công Dương…; ra rạp từ ngày 28-7. Đạo diễn Andy Nguyễn nhìn nhận: "Ngày nay, chúng ta đăng quá nhiều thông tin về bản thân lên mạng xã hội nên rất dễ để ai đó đánh cắp. Tôi nghĩ nó đang tạo ra một mối nguy hiểm đáng suy ngẫm vì hầu hết mọi người rất dễ mắc phải trường hợp này. Thế nên, tôi và đồng biên kịch Luigi Campi nghĩ đây là một ý tưởng hay để làm phim".
Phim “Fanti” là tác phẩm dài đầu tay của đạo diễn Andy Nguyễn. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Nữ diễn viên Hồ Thu Anh cho hay cô ấn tượng với "Fanti" vì góc khai thác thấu đáo, phù hợp về vấn đề người trẻ và mạng xã hội hiện nay. Dự án phim khởi động trước dịch COVID-19 nên gặp nhiều trục trặc, kéo dài khâu tiền kỳ. Phim tập trung khai thác chủ đề mặt tối của mạng xã hội và nỗi "ám ảnh số" của những người gen Z trong xã hội hiện đại.
Bên cạnh "Fanti", phim "Live - #PhátTrựcTiếp" của đạo diễn Khương Ngọc cũng là câu chuyện về mạng xã hội. Mượn trào lưu mukbang (vừa ăn uống vừa phát sóng trên mạng), phim nói đến sự cạnh tranh khốc liệt trong giới streamer (người thực hiện phát sóng trực tiếp), những người khao khát trở thành "nữ hoàng" trong lòng người hâm mộ.
Để thu hút người xem live của mình, các streamer thực hiện mukbang phải "ăn thùng uống vại", thậm chí chấp nhận thách thức khó tin từ khán giả trong việc ăn uống. Họ làm mọi cách, cạnh tranh đủ kiểu để "câu" lượt tương tác, giữ chân khán giả.
Sự nổi tiếng trong thế giới mạng xã hội sẽ mang đến quyền lực, tiền bạc và điều đó như ánh lửa để những con thiêu thân lao mình vào. Chính vì điều này, các nhân vật trong "Live - #PhátTrựcTiếp" chấp nhận ăn bằng hết mọi thứ khi live rồi no đến nôn tháo ra và phải truyền dịch. Phim được chuyển thể từ 2 câu chuyện trong tập truyện ngắn "Đô thị linh dị" của Nguyễn Ngọc Thạch, dự kiến ra rạp từ ngày 15-9.
Phim khai thác về "thế giới ảo", mặt tối của mạng xã hội đã được điện ảnh nhiều nước thực hiện nhưng lại mới mẻ với thị trường phim Việt. Những phim khai thác đề tài này thực hiện theo nhiều góc cạnh khác nhau, từng được biết đến như: "Chef", "Unfriended", "The Circle", "Eighth Grade", "Searching"…
Ngày 21-7, khán giả Việt sẽ được thưởng thức phim "Streamer - Thước phim kinh hoàng" của điện ảnh Hàn Quốc. Phim kể câu chuyện 5 streamer nổi tiếng cùng nhau đến căn nhà hoang để khám phá sự thật về một đoạn phim kinh dị được đăng tải bởi một streamer khác. Họ đều phát sóng trực tiếp sự việc trong cùng thời điểm và những hiện tượng kỳ dị bắt đầu xuất hiện...
Doanh thu hứa hẹn
"Thế giới ảo", mạng xã hội là những đề tài thời sự, mang tính toàn cầu chứ không chỉ ở Việt Nam. Việc khai thác đề tài này để đưa lên màn ảnh rộng là cần thiết bởi thông qua đó, nhà làm phim không chỉ phản ánh thực trạng xã hội mà còn có thể đưa ra các cảnh báo với những thông điệp nhân văn, hợp thời.
Những yếu tố bản địa quen thuộc trong một đề tài mang tính toàn cầu góp phần làm tăng thêm sự sáng tạo cho nhà làm phim, góp phần mang đến sự đa dạng, "độc lạ" cho khán giả Việt chọn lựa khi phim ra rạp.
Nhà báo Cát Vũ nhận xét: "Mạng xã hội là đề tài hấp dẫn, thời sự, nếu nhà làm phim khai thác được thì rất tốt. Điều quan trọng vẫn là làm như thế nào, câu chuyện ra sao để chinh phục khán giả. Việc khai thác mặt trái của mạng xã hội góp phần nhắc nhở, cảnh báo người xem về những tác hại. Điều này rất đáng được ủng hộ, hoan nghênh".
Nhiều người trong giới cho rằng việc đưa mặt tối của mạng xã hội lên phim Việt sẽ gặp thuận lợi vì dễ tạo nên câu chuyện gần gũi, chân thật. Bởi lẽ, mạng xã hội rất phổ biến, nhiều người đã nhận ra mặt sáng và tối của nó. Các phim khai thác đề tài mạng xã hội thường kinh phí không cao nhưng nếu câu chuyện hay, chinh phục được khán giả thì doanh thu hứa hẹn khả quan.
Nhiều phim nước ngoài đã chứng minh điều này, chẳng hạn, "Chef" đầu tư kinh phí chỉ 11 triệu USD nhưng thu về 46 triệu USD; "Unfriended" đầu tư 1 triệu USD, thu về 62,9 triệu USD; "Searching" đầu tư 880.000 USD, thu về 75,6 triệu USD; "Missing" đầu tư 7 triệu USD, thu về 48,8 triệu USD…
Trong đó, các phim "Searching", "Missing" còn nhận được nhiều lời khen từ giới phê bình phim vì sự sáng tạo thú vị, cuốn hút. Khán giả khó đoán được hành động tiếp theo của nhân vật cũng như câu chuyện xoay chiều đến đâu.
"Phim khai thác đề tài thời sự như mạng xã hội đòi hỏi kịch tính, khó đoán nhưng vẫn gần gũi; mang đến cảm giác vừa quen thuộc lại vừa mới lạ, hấp dẫn. Nó không phải là sự sao chụp hời hợt về hiện thực, những tình tiết sáo mòn, cũ kỹ mà nhiều người từng xem từ báo chí, trang thông tin… Sẽ hiệu quả hơn nếu là một câu chuyện sáng tạo với những "cú lật" hợp lý, xây dựng dựa trên nền thời sự cần kể" - nhà biên kịch Đông Hoa phân tích.