Tại Di tích Quốc gia đặc biệt Khu Lăng mộ và đền thờ các vị Vua triều Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Khai mạc Lễ hội Đền Trần Thái Bình năm 2023.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cùng đại diện các Ban, Bộ, Ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh bạn và đông đảo du khách thập phương dự lễ khai mạc...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dự khai hội đền Trần Thái Bình năm 2023. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN
Điểm nhấn của lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật đặc sắc mang tên "Hào khí Đông A". Chương trình gồm 2 phần. Phần 1 với chủ đề "Âm vang Thái Bình" gồm các ca khúc viết về Thái Bình, về Đảng và Bác Hồ; Phần 2 với chủ đề "Khát vọng mùa xuân - Bừng sáng tương lai" bao gồm các màn nghệ thuật sôi động với các ca khúc về Tết, mùa Xuân và đất nước.
Chương trình nghệ thuật “Hào khí Đông A” tại lễ khai mạc. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Trưởng ban Tổ chức lễ hội Đền Trần tỉnh Thái Bình Trần Thị Bích Bằng nhấn mạnh, Lễ hội đền Trần Thái Bình tại Di tích quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và Đền thờ các vị vua triều Trần là một hoạt động văn hóa tâm linh đầu xuân tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước, mang đậm giá trị nhân văn, dấu ấn văn hóa, có ý nghĩa lịch sử lớn lao, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, thể hiện nét văn hóa đặc sắc của mảnh đất, con người Thái Bình và vùng đất Long Hưng - Hưng Hà. Đây là nơi phát tích, dựng nghiệp Vương triều Trần, nơi chứa đựng những dấu ấn lịch sử, gắn chặt với Triều đại nhà Trần, là nơi gia tộc nhà Trần dấy nghiệp, cũng là nơi yên nghỉ của các liệt tổ nhà Trần...
Lịch sử đã chọn vùng đất Hưng Hà – Thái Bình địa linh nhân kiệt, nơi phát tích dựng nghiệp của nhà Trần. Vì vậy, Khu di tích lịch sử Lăng mộ và Đền thờ các vị vua Trần tại Hưng Hà, Thái Bình có vị trí quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam - nơi hội tụ những giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa vô cùng quý giá. Điều đó, cần được chúng ta trân trọng, giữ gìn và phát huy, trở thành bản sắc văn hóa, niềm tự hào của dân tộc; trở thành một địa chỉ giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho các thế hệ người dân Việt Nam, điểm đến hấp dẫn về du lịch văn hóa tâm linh ngày càng lan tỏa, thu hút đông đảo đồng bào, du khách của cả nước và bạn bè quốc tế.
Lễ bái yết tại lễ hội đền Trần năm 2023. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN
Lễ hội đền Trần Thái Bình năm 2023 diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 3 đến 7/2/2023 (tức từ ngày 13 đến 17 tháng Giêng năm Quý Mão) tại Khu di tích lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà).
Năm nay, Lễ hội đền Trần được tổ chức quy mô cấp tỉnh. Phần lễ có các hoạt động: Lễ dâng hương tại lăng mộ các vua Trần; tế mở cửa đền; lễ dâng cặp bánh kỷ lục Việt Nam tại đền thờ các vua Trần; lễ rước thủy và rước bộ; lễ bái yết; trình diễn thư pháp hai câu thơ của vua Trần Nhân Tông... Phần hội diễn ra với các nội dung: Thi cỗ cá, thi pháo đất, thi gói bánh chưng, thi kéo lửa nấu cơm cần, giải võ cổ truyền tỉnh Thái Bình, triển lãm nhiếp ảnh mỹ thuật tỉnh Thái Bình mừng Đảng, mừng Xuân, giải kéo co huyện Hưg Hà, liên hoan văn nghệ quần chúng huyện Hưng Hà, Ngày Thơ Việt Nam...
Trao Bằng xác nhận kỷ lục cho cặp bánh nướng và bánh dẻo lớn nhất Việt Nam được Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng sản xuất. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN
Tại lễ khai mạc, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình và đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng công nhận và biểu trưng kỷ lục cặp bánh nướng, bánh dẻo lớn nhất Việt Nam cho Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng. Cặp bánh với trọng lượng 400kg vinh dự được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận và vinh danh là sản phẩm phá kỷ lục Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Cặp bánh được truyền cảm hứng từ những vẻ đẹp văn hóa của dân tộc Việt, là sự kết tinh hài hòa, chứa đựng hơi thở của đất trời hòa quyện tinh túy với thiên nhiên đất mẹ và được Ban Tổ chức dâng tưởng niệm các vị Vua Trần dịp này.
Lễ hội đền Trần năm 2023 được tổ chức nhằm tiếp tục khẳng định giá trị di sản văn hóa nhà Trần ở Thái Bình và thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước. Thông qua các hoạt động lễ hội, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ và ý thức trách nhiệm trong việc tham gia bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch địa phương.
Trước đó, từ năm 2014, Lễ hội đền Trần Thái Bình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng năm 2014, Khu di tích lịch sử lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần ở xã Tiến Đức (huyện Hưng Hà) được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt...