LTS: Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ - truyện dài đầu tay cho thiếu nhi của nữ nhà văn Lạc An (sinh năm 1992) đã giành một trong 4 giải Khát vọng Dế Mèn năm 2023, và cũng là tác phẩm đạt được sự đồng thuận cao nhất trong Ban sơ khảo cũng như trong Hội đồng giám khảo. Điều đáng khâm phục trước tiên là cuốn sách được chính tác giả của nó, vốn là họa sĩ, vẽ toàn bộ các bức tranh minh họa.
Rất nhiều đứa trẻ đã lớn lên với lời dọa dẫm của bố mẹ, "Ăn đi, không ông Ba Bị bắt bây giờ", "Ngủ đi, nếu không ông Ba Bị nhét vào túi mang đi đấy". Bố mẹ sẽ miêu tả rằng đấy là một người đàn ông cao lớn, đen đúa, xấu xí, luôn đeo trên người ba cái bị lớn, đứa trẻ nào hư sẽ bị ông bắt cóc, nhét vào bị mang đi, vĩnh viễn không bao giờ được trở về với bố mẹ.
Nữ nhà văn Lạc An (thứ 3 từ phải sang) nhận giải Khát vọng Dế Mèn
Nhưng thực sự là ông bị oan, oan hết sức. Ông Ba Bị chính là một vị thần của trẻ em, và thực ra ba cái bị ấy có mang tên là Lãng Quên, Giấc Mơ Đẹp và Kí Ức Tuổi Thơ. Mỗi đêm ông Ba Bị sẽ có nhiệm vụ vô cùng quan trọng với giấc ngủ của trẻ em, đó là đi bắt các cơn ác mộng nhét vào bị Lãng Quên, lấy những giấc mơ ngọt ngào và ký ức tươi đẹp từ hai bị còn lại gửi vào giấc ngủ của lũ trẻ.
Nhưng do hành động có lúc vụng về mà ông bị hiểu nhầm là một vị thần độc ác,rồi bị trẻ em toàn thế giới căm ghét. Năm nào trong cuộc bình chọn ở thế giới các vị thần xem ai đáng yêu nhất, làm việc tốt nhất, được trẻ em yêu nhất, ông Ba Bị cũng nhận về những ngôi sao đen thùi lùi, một thứ bằng chứng nhận cho sự thất bại.
Hai nghìn năm đã trôi qua trong sầu muộn, một ngày ông quyết định phiêu lưu vào giấc mơ của lũ trẻ con để tự minh oan cho mình. Đầu tiên ông gặp cậu bé Bi, rồi Bo, Bun và Ken, và thế là cùng nhau, họ có một cuộc hành trình đầy thú vị.
Tác giả Lạc An sinh năm 1992 đã có một khởi đầu đầy ấn tượng với cuốn truyện thiếu nhi của mình. Việc chọn ông Ba Bị, một nhân vật của văn hóa dân gian, và cấp cho nhân vật một lịch sử khác, nhân cách khác, là một sáng tạo thú vị bất ngờ. Hình ảnh ông Ba Bị quái dị đáng sợ của dân gian trong truyện trở thành một ông già to kềnh cành, có phép thuật nhưng vụng về, vừa buồn cười vừa tội nghiệp, sẽ làm trẻ con yêu thích ngay lập tức.
Truyện dài “Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ” với nhiều tranh minh họa do chính Lạc An vẽ
Những cuộc phiêu lưu nho của lũ trẻ trong giấc mơ cùng với ông Ba Bị được kể vô cùng sinh động, bởi vì thế giới trong mơ là thế giới tự do, lũ trẻ không phải học và được làm đủ những trò mà ngoài đời thực kiểu gì cũng bị bố mẹ, thầy cô cấm đoán. Đây là phần mà trí tưởng tượng bay bổng của Lạc An thỏa sức phát huy công dụng. Tác giả kể chuyện lũ trẻ cố gắng sơn móng, làm tóc nhằm "tân trang nhan sắc" cho ông Ba Bị, hay đến thăm căn nhà lụp xụp toàn sao đen của ông. Đỉnh điểm của cuộc phiêu lưu là chuyện ông Ba Bị và các bạn giải cứu cho cậu bé suốt ngày bị bắt học khỏi căn phòng làm toàn bằng những bài tập toán. Trước khi đến được căn phòng đó, họ gặp phải "những quả núi bài tập toán" ầm ầm bay đến, may sao cuối cùng với sự giúp đỡ của ông Ba Bị chúng đã thoát được. Đây phải nói là một "đại cảnh huy hoàng" mà bất cứ đứa trẻ nào đọc sách cũng sẽ phá lên cười thích thú.
Cuối cùng Bi, Bo, Bun và Ken đều hiểu ra ông Ba Bị là một vị thần tốt bụng, chỉ bị xui xẻo mà thôi.
Giọng văn của Lạc An trong cuốn truyện rất hoạt, ra đúng chất giọng của trẻ con và cácsuy tư kiểu trẻ con. Chất hài hước và vui nhộn cũng là một điểm cộng của tác phẩm này. Các thông điệp nhân văn về tình bạn, về sắc màu tuổi thơ, về sự khô khan của thế giới người lớn hiện đại hay vấn nạn học hành khiến câu chuyện có chiều sâu, song được lồng ghép tự nhiên, dễ dàng kết nối với tâm hồn trẻ thơ. Dù phần kết hơi có một chút hẫng đáng tiếc, đây thực sự vẫn là một câu chuyện hay, đáng đọc, chắc chắn mang đến cho trẻ con những tiếng cười sảng khoái, cộng với nỗi khao khát được gặp ông Ba Bị trong mơ.
Cuốn truyện khiến bạn nhất định phải… nuôi mèo
Đó là tập bản thảo truyện dài Những con mèo của ông bắp cải của Nguyễn Thị Cẩm Hà, tác phẩm đầu tay của một tác giả nhận mình chỉ là một bà nội trợ bình thường. Từ Pháp, chị Cẩm Hà đã bắt chuyến bay kịp về Việt Nam đã nhận Bằng chứng nhận Top 10 chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023.
Những câu chuyện thú vị của những cô, cậu mèo được xây dựng với tính cách và hoàn cảnh rất riêng biệt, với lối viết hài hước, tạo nên một thế giới rất riêng của loài mèo, rất nhiều rắc rối nhưng cũng đầy tình yêu và lòng bao dung. Trong thế giới đó, sự tưởng tượng của tác giả vô cùng lý thú, ví dụ như chi tiết những con mèo dùng chiếc lá, bông hoa để làm tờ tiền mua đồ…
Tác giả Nguyễn Thị Cẩm Hà (thứ 3 từ phải sang) nhận Bằng chứng nhận Top 10 chung khảo Dế Mèn
Câu chuyện hơi Tây với giọng văn hòa quyện giữa chất trữ tình và giễu nhại, nhưng có lẽ chúng ta không nên đòi hỏi quá "thuần Việt" khi miêu tả về thế giới của loài mèo. Nhưng vì hơi tham nhân vật, nên truyện đôi khi cũng hơi lan man. Tuy nhiên, bạn sẽ không thể cầm lòng được việc nuôi một con mèo, hay chính xác hơn, cả một đàn mèo, sau khi đọc xong bản thảo này.
Tin rằng với sự khởi đầu này, nữ tác giả Cẩm Hà còn tiến xa trên văn đàn.
"Bảng vàng" Giải Dế Mèn qua 4 mùa giải
1. Giải Dế Mèn lần 1 - 2020
* Giải Hiệp sĩ Dế Mèn: Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với Làm bạn với bầu trời và hàng chục cuốn sách cho thiếu nhi và tuổi mới lớn.
* Bốn giải Khát vọng Dế Mèn (Cricket Desire) được trao cho:
- Chùm tranh chủ đề phòng chống Covid-19 của Nguyễn Đới Chung Anh (10 tuổi)
- Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm (bản thảo truyện dài) của Cao Khải An (12 tuổi)
- Mộng giang hồ (bản thảo tập truyện ngắn) của Nguyễn Chí Ngoan
- Chùm ca khúc chủ đề thiếu nhi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung
2. Giải Dế Mèn lần 2 - 2021:
* Giải Hiệp sĩ Dế Mèn: không có
* 5 giải Khát vọng Dế Mèn:
- Tiểu thuyết Đi trốn (NXB Hội Nhà văn) của nhà văn Bình Ca
- Phim hoạt hình Khúc gỗ mục của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam do NSND Nguyễn Thị Phương Hoa làm đạo diễn và họa sĩ (Biên kịch: Phan Đức Tuấn - Nguyễn Thị Phương Hoa; Biên tập: Bùi Hoài Thu; Nhạc sĩ: Trọng Đài).
- Chùm tranh về thiên nhiên và cuộc sống của họa sĩ nhí Xèo Chu (tên thật Phó Vạn An, sinh năm 2007)
- Truyện tranh Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết! (NXB Hội Nhà văn) của Mèo Mốc (Đặng Quang Dũng)
- Bộ truyện Khác biệt mới tuyệt làm sao (NXB Kim Đồng) của Nguyễn Hoàng Vũ và các họa sĩ: Gà's little world, Hoàng Trung, Ru-oi, Linh Vương.
3. Giải Dế Mèn lần 3 - 2022
* Giải Hiệp sĩ Dế Mèn: không có
* 5 giải Khát vọng Dế Mèn:
- Biệt đội thám tử và Emma thảm họa (2 truyện dài của Quyên Gavoye, NXB Kim Đồng)
- Cơ Bản là Cơ Bản (truyện dài, Phạm Huy Thông, NXB Kim Đồng)
- Đu đưa trên ngọn cây bàng (bản thảo truyện dài, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy)
- Bản thảo chùm truyện ngắn của Nguyễn Vũ An Băng (9 tuổi)
- Chiếc dép thất lạc (sách tranh; Tác giả: Geralda De Vos (Bỉ) - Sofia Holt (Thụy Điển), dịch: Kim Ngọc; NXB Kim Đồng)
4. Giải Dế Mèn lần 4 - 2023
* Giải Hiệp sĩ Dế Mèn: Nhà văn Trần Đức Tiến với A lô!... Cậu đấy à? (2022) cùng 10 cuốn sách thiếu nhi trong hơn 30 năm sự nghiệp.
* Bốn giải Khát vọng Dế Mèn:
- Chùm tranh của Hoàng Nhật Quang (11 tuổi, Lạng Sơn)
- Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ; (truyện dài của Lạc An, NXB Kim Đồng)
- Ở một nơi có rất nhiều rồng (bản thảo truyện dài của Mộc An)
- Vua ngan xóm hồ (bản thảo truyện dài của nhà văn Uông Triều)
* Ngoài ra là 2 Tặng thưởng của Hội đồng Giám khảo được trao cho:
- Nghé ọ Hai Xoáy (truyện dài của Phạm Anh Xuân, NXB Văn học - Tân Việt Books)
- Tôi, bố tôi, và… và Từ những bức thư (chùm bản thảo của Đoàn Lữ Thụy Phương, 10 tuổi)
Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn đã công bố kết quả và trao giải vào chiều 31/5 vừa qua. Tài trợ chính:Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải. Đồng tài trợ: Tập đoàn TH (đơn vị sở hữu thương hiệu TH True Milk)