Bức ảnh mùa tựu trường lịch sử, cô Phó Hiệu trưởng trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) - cô Văn Thùy Dương đứng trước sân trường vắng lặng không bóng học sinh, vẫn là đề tài thu hút sự quan tâm của dân mạng.
Nhưng spotlight của tấm ảnh lại không đến từ việc covid đã tạo ra một hình ảnh chưa từng có về mùa tựu trường, mà là chuyện hình xăm sau gáy cô giáo!
“Cô hiệu phó xăm hình hơi bị máu đó”, “Giáo viên mà xăm hình thì đời nào bảo được học sinh?”, “Ông chụp ảnh sao không xoá hình xăm đi, để thế này các cháu lại đua đòi theo”, “Con gái của PGS Văn Như Cương đây mà”... là một trong những bình luận “soi” vào hình xăm khiến ý nghĩa của bức ảnh phút chốc bị lu mờ.
Bức ảnh lộ hình xăm gây bão của cô Văn Thuỳ Dương
Đặng Tiểu Tô Sa, con gái của cô Văn Thuỳ Dương, cháu gái cố PSG Văn Như Cương đã có những chia sẻ giữa tâm bão.
Tô Sa cũng có trên người 9 hình xăm, mỗi hình đều mang một ý nghĩa khác nhau và cô chưa bao giờ cảm thấy hối hận vì đã in mực lên da.
Tô Sa, con gái của cô Văn Thuỳ Dương
- Sau khi bức ảnh mẹ Sa - cô Văn Thuỳ Dương, đứng giữa một buổi khai giảng vắng lặng viral theo một cách không mong muốn vì sự xuất hiện của chiếc hình xăm, Sa đang cảm thấy thế nào?
Tôi xót xa cho mẹ mình. Giá như khôn ngoan hơn 1 chút để photoshop xoá đi cái xăm là đã bớt lời qua tiếng lại trên mạng và tất cả những gì họ nhìn thấy là: Sự cố gắng của chúng tôi!
Sau những ồn ào, sáng ra mẹ tôi vẫn làm việc bình thường. Nhưng cả đêm qua tôi không ngủ, thức và theo dõi chuyển biến câu chuyện. Quá đáng sợ! Tại sao người ta không thể nhìn thấy những nỗ lực để động viên nhau, còn cố chèn ép?
- Sa nói vậy có thể sẽ làm một bộ phận dân mạng có quan điểm đối lập phản ứng hơn nữa!
Trên MXH, tất cả mọi người nên có sự tôn trọng nhất định lẫn nhau. Tôi có quyền đưa ý kiến cá nhân trên trang mạng xã hội của mình (người khác có ác ý, trêu đùa, chọc ghẹo, hay bất kì ý gì) nếu không thích, tôi đều có quyền phản ứng.
Tô Sa cũng đã có động thái trên Instagram sau 1 ngày nổ ra những ồn ào về tấm ảnh khai giảng
- Có điều gì những người phản ứng vì hình xăm không kịp nhìn thấy từ tấm ảnh ồn ào đó?
Đó là sự dốc lòng của mẹ tôi. Suốt 2 năm Covid, mẹ tôi đã chờ đợi gặp học sinh của bà trong ngày tựu trường và gửi gắm điều đó vào tâm thư ngày khai giảng đáng nhớ.
Bà đã nắn nót từng lời, nhờ loa truyền qua từng bộ phận phát tín hiệu đến mỗi học sinh. Vẫn cố chuẩn bị cái backdrop (phông nền), thuê trống để thu tiếng cho thân thương.
Ngày hôm ấy, mẹ đã gọi tôi dậy sớm, đi đến trường một mình với mẹ để quay bài phát biểu. Tôi sợ làm hỏng việc nên mạn phép nhờ người bạn biết quay thực hiện clip với mục đích chia sẻ lại bức thư khai giảng 2021 - 2022, một sáng tựu trường đáng nhớ.
Sau đó, mẹ đã xin một bức ảnh phát biểu và anh ấy đã gửi cho mẹ ảnh này với lời nhắn: “Cháu xúc động quá cô ạ”.
- Vậy lúc mọi việc vượt quá tầm kiểm soát, cô Văn Thuỳ Dương có chia sẻ gì với Sa không?
Mẹ nói với tôi đúng 1 câu mà tôi thấm: Đây là lý do làm sao mình vẫn phải làm giáo dục con ạ.
- Nếu được nói một điều gì đó với những người đang “ném đá” hình xăm của cô Văn Thuỳ Dương hay người vẫn còn định kiến với hình xăm nói chung, bạn sẽ nói gì?
Người ta hỏi mẹ tôi dạy thế hệ trẻ cái gì? Giữa mùa dịch bệnh, mẹ tôi vẫn xin giấy của phường để đi lại, ủng hộ cho phường biết bao nhiêu tấn gạo tấn mì.
Trong ngày khai giảng, mẹ vẫn lo lắng sự an toàn của học sinh nhưng vẫn đảm bảo các em không thiếu bài phát biểu và tiếng trống thân thương. Thế mà phút chốc, bà bỗng bị biến thành tội đồ.
Là một người trẻ, tôi tự hỏi những người có cái tâm lấy đâu ra động lực để làm những điều tốt đẹp?
Theo Pháp luật & Bạn đọc