Cùng nhau giữ nước là tựa đề chương trình chính luận nghệ thuật được Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam tổ chức vào ngày 18/11 vừa qua, tại sân trước cổng Đoan Môn (di tích Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội). Có rất nhiều điều đáng nói về chương trình có tổng thời lượng 100 phút này, ở đây, tôi chỉ xin đề cập đến khía cạnh công nghệ trong phần mở đầu.

1. Trong Cùng nhau giữ nước, chiều dài lịch sử đã được tái hiện đầy sinh động bằng sự kết hợp của nhiều công nghệ tiên tiến. Theo đó, các tiết mục trình diễn thực cảnh được kết hợp với công nghệ trình chiếu 3D mapping, ánh sáng laser và âm thanh vòm tạo ra soundscape (tổng thể không gian liên kết âm thanh với môi trường xung quanh). Yếu tố mãn nhãn và mãn nhĩ này góp phần tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn tới người xem, đặc biệt là tới thế hệ trẻ.

Hình ảnh Hai Bà Trưng được trình chiếu bằng công nghệ 3D mapping trên tường Đoan Môn

Với thời lượng 100 phút, chương trình có nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn, được thực hiện công phu. Ở đây, do khuôn khổ của bài viết, xin được nhấn mạnh vào phần mở màn, thời lượng 9 phút, có tên Lịch sử dân tộc Việt Nam: Dựng nước đi đôi với giữ nước. 6 hoạt cảnh đánh dấu 6 thời khắc hào hùng của đất nước, từ thời kỳ sơ khởi tới khi hình thành và phát triển nhà nước phong kiến.

Bắt đầu là hoạt cảnh Cội nguồn dân tộc Việt Nam - Con Lạc cháu Hồng. Trên sân khấu xuất hiện hình ảnh mô phỏng bọc trăm trứng màu trắng. Ánh sáng chiếu vào, mô hình quả trứng được tách đôi, diễn viên múa bước ra. Hình ảnh như gợi nhắc về sự ra đời của những người con nòi giống tiên rồng.

Sau khoảnh khắc đó, biên đạo chuyển thành 2 hướng nội dung truyền tải khác nhau. Một tốp diễn viên biểu diễn với nông cụ, tương tác với hình ảnh đồng ruộng trình chiếu 3D mapping trên tường Đoan Môn. Họ là những cư dân theo Mẹ lên non. Một tốp tái hiện lại cảnh ngư dân theo Cha xuống biển, qua màn biểu diễn với ngư cụ. Phân cảnh đã nói lên quá trình chinh phục thiên nhiên, hình thành nên không gian lãnh thổ trên đất liền và ngoài biển đảo từ xa xưa.

Sau khi khai ấp, lập làng, hoạt cảnh Hùng Vương dựng nước mở ra với đoàn rước cờ ngũ sắc đi ngang sân khấu. Hoạt cảnh thể hiện các đời Vua Hùng đã có công dựng nên nhà nước Văn Lang hưng thịnh, nhờ đó, tạo cơ sở cho con cháu Lạc Hồng bao đời tiếp bước gìn giữ, dựng xây cơ đồ.

Tiếp nối, bức tường Đoan Môn bỗng nhuốm màu đỏ rực của khói lửa bằng công nghệ 3D mapping. Đó cũng là sự chuyển tiếp sang hoạt cảnh thứ 3 - Hai Bà Trưng khởi nghĩa. Khá độc đáo, khi hình ảnh voi chiến đã di chuyển đến sân khấu chính, hiệu ứng ánh sáng xuất hiện làm nổi bật diễn viên trong vai Hai Bà Trưng tại trung tâm sân khấu. Hiệu ứng âm thanh soundscape nổi lên, mô phỏng tiếng hô rung chuyển trời đất.

Rồi, sự phát triển của nhà nước phong kiến được đánh dấu bằng hoạt cảnh Lý Công Uẩn dời đô. Tại đây, màn hình LED kết hợp với công nghệ 3D mapping, tạo ra bối cảnh panorama thuyền rồng chở Vua Lý Công Uẩn đi trên sông Hồng, trải dài toàn bộ sân khấu. Sự xuất hiện của hình ảnh cuốn thư mô phỏng Chiếu dời đô năm xưa trên màn hình, để lại nhiều xúc cảm lắng đọng trong lòng khán giả Thủ đô.

dienhong-17321445453131000770859.jpg

Cảnh Thượng hoàng Trần Thánh Tông cùng các bô lão, quan quân triều đình đồng lòng trong Hội nghị Diên Hồng

Và tiếp đến, Hội nghị Diên Hồng năm 1284 được tái hiện bằng công nghệ trong cảnh panorama. Các bô lão trong hội nghị cùng hô vang như sấm dậy: "Đánh". Đây cũng là phân đoạn mở ra hoạt cảnh Trần Hưng Đạo - Hịch tướng sĩ. Những tư tưởng vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc đã trở thành thượng sách trong hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Rồi, bối cảnh panorama được chuyển sang buổi luyện quân trước cổng thành. 3 quân cờ xí dàn đội hình, Trần Hưng Đạo bước ra với vẻ uy nghiêm. Âm nhạc và tiếng trống trận được đánh lên bởi các nghệ sỹ, như thổi bừng khí thế của nghĩa quân. Toàn bộ quân lính phía dưới sân khấu tạo thành tổ hợp hô vang "Sát thát! Sát thát! Sát thát!".

Và phần mở màn kết thúc bằng hoạt cảnh Lê Lợi - Sự tích trả kiếm Hồ Gươm. Tại đó, sự tích trả kiếm cho rùa thần của Vua Lê Thái Tổ như tô thắm thêm khát vọng hòa bình muôn đời của dân tộc Việt Nam. Màn LED và 3D mapping tái hiện hình ảnh thuyền rồng của vua Lê Lợi du ngoạn trên sông, tiến vào Hồ Hoàn Kiếm. Màn hình LED phụ ở 2 bên sân khấu có cảnh lầu Ngũ Long, dùng để duyệt quân nằm ở bờ Đông Hồ Hoàn Kiếm và đình Tả Vọng trên đảo Ngọc Sơn. Hình ảnh rùa thần nhận lấy thanh kiếm được tái hiện bằng đồ họa 3D. Từ sân khấu chính, rùa thần bay về cổng Đoan Môn, kết thúc 9 phút của tiết mục.

hichtuongsi-17321445453291114123464.jpg

Trần Hưng Đạo đọc bản Hịch tướng sỹ

2. Sau phần trình chiếu 3D mapping, chương trình nghệ thuật dàn dựng công phu với phần biểu diễn của rất nhiều nghệ sĩ đã tiếp tục khắc họa những cột mốc trọng đại trong thời đại Hồ Chí Minh và đem lại cho khán giả nhiều xúc cảm…

Như chia sẻ của đạo diễn Hải Long (thành viên đội ngũ sản xuất) lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam kéo dài mấy nghìn năm. Do vậy, để có thể lựa chọn ra những sự kiện lịch sử mang tính đại diện là thách thức không hề đơn giản với đội ngũ sản xuất. Song, cũng theo anh Long, những cột mốc được tái hiện trong chương trình đều phản ánh công cuộc dựng nước luôn song hành cùng với giữ nước. Và xa hơn dựng nước cũng như giữ nước đều cần sự đồng lòng, tinh thần đoàn kết của toàn quân, toàn dân.

Tương tự, anh Tống Tú (thành viên đội ngũ sản xuất) cho hay: Dù tiết mục mở đầu chỉ kéo dài chưa đầy 10 phút, đội ngũ sản xuất đã nhờ đến sự tham vấn quan trọng về lịch sử, trang phục, vũ khí từ nhiều nhà nghiên cứu - bao gồm cả các chuyên gia của những cơ quan, đơn vị công lập và những người hoạt động tự do.

tienrong-1732144545375902934340.jpg

Con cháu tiên rồng chia nhau lên non, xuống biển

Đồng thời, các chi tiết trong chương trình đều bám sát nguồn sử liệu chính thống, là cuốn Đại Việt sử ký toàn thư. Về trang phục, đội ngũ sản xuất và người tư vấn đã dựa trên cuốn Ngàn năm áo mũ (NXB Thế giới) của TS Trần Quang Đức. Bên cạnh đó, tỉ lệ cơ thể người, thú cưỡi - voi của Hai Bà Trưng cũng được thiết kế đạt độ chuẩn xác cao, để từ đó, tạo ra sự chuyển tiếp mạch lạc giữa chuyển động đồ họa và sự xuất hiện của diễn viên trên sân khấu. 

"Cổng Đoan Môn là chứng nhân lịch sử, chứng kiến nhiều chuyển biến phức tạp trên mảnh đất Thăng Long cũng như trên khắp đất nước Việt Nam" - anh Long cho hay. Đó chính là lý do khiến đội ngũ thực hiện muốn tận dụng chất liệu lịch sử này với màn chiếu công nghệ 3D mapping trong chương trình. Theo đó, Đoan Môn được kết nối với màn hình LED ở vị trí sân khấu, không chỉ tạo hiệu ứng độc đáo cho chương trình mà còn gợi mở những suy tưởng từ khán giả về sự chuyển giao giữa quá khứ và hiện tại, cũng như việc xây dựng hiện tại từ nền tảng của quá khứ.

Chương trình do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, UBND TP Hà Nội giao Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội (Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam) và các cơ quan, đơn vị tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10), 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) và 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12).

Tuyên truyền nâng tầm vị thế đối ngoại quốc phòng Việt Nam

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022