Những bộ phim làm về gia đình đại gia, chồng ngoại tình không hề hiếm trên màn ảnh rộng Việt Nam. Đơn cử như Quý Cô Thừa Kế 2 vừa ra mắt gần đây có rất nhiều điểm tương đồng với Cái Giá Của Hạnh Phúc. Tiếc thay, bộ phim của đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm vẫn chưa thoát khỏi điểm yếu chết người ở khâu kịch bản. Điểm sáng của khiến người xem nhớ đến có lẽ là diễn xuất của Thái Hòa mà thôi.
Cái Giá Của Hạnh Phúc xoay quanh một gia đình doanh nhân giàu có gồm ông Võ (NSƯT Hữu Châu), con gái là Dương (Xuân Lan), con rể Thoại (Thái Hòa) cùng hai đứa cháu là Will (Lâm Thanh Nhã) và Nina (Uyển Ân). Vì tuổi cao sức yếu, ông Võ để lại tập đoàn cho Thoại quản lý. Nhìn bề ngoài, họ là một gia đình chuẩn mực. Thoại được nhận danh hiệu "Người đàn ông của năm" khi lúc nào cũng yêu thương gia đình, luôn tặng hoa cho vợ mỗi ngày. Dương là một influencer (người truyền cảm hứng) nổi tiếng hay nói về chuyện vun vén tổ ấm. Biến cố ập đến khi Dương phát hiện ra chồng cặp bồ rất nhiều ở bên ngoài. Từ đây mà hàng loạt bí ẩn khác dần được hé lộ.
Sự chỉn chu về mặt kỹ thuật
Dù là phim điện ảnh đầu tay nhưng sự chỉn chu và kỹ thuật của đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm không phải nhà làm phim nào cũng có được. Bối cảnh chính của Cái Giá Của Hạnh Phúc diễn ra tại một biệt thự biệt lập ở Hạ Long. Trang phục, màu phim sang trọng, tạo cảm giác được đây là một gia đình quyền thế thực sự thay vì chỉ là "giả giàu" như nhiều tác phẩm khác.
Song, đạo diễn cũng cố ý để những nội cảnh thường diễn ra vào ban đêm hoặc có ánh sáng âm u để luôn mang đến cảm giác ngột ngạt đúng như "cái lồng chim" mà Thoại ví von với căn nhà của mình. Còn khi Will hay Thoại ở một mình, màu phim sẽ tươi sáng hơn như thể họ được thoải mái sống đúng với bản chất của mình.
Phần ánh sáng cũng được sử dụng để thể hiện ý đồ về mặt cảm xúc của nhân vật trong nhiều phân đoạn. Các góc quay của Cái Giá Của Hạnh Phúc khá đẹp và đa dạng. Ở một số cảnh, nhà làm phim có sự sắp đặt rõ rệt trong khung hình để cho thấy tương quan cảm xúc của các nhân vật. Đơn cử như đoạn Thoại "lật mặt" với vợ, cả hai bị chia cách bởi cánh cửa như cho thấy một bức tường không thể hàn gắn. Dương đứng ở phía hẹp cho thấy sự phòng thủ, thu mình trước nỗi đau quá lớn còn Thoại đứng ở phía rộng như sự bùng nổ sau thời gian dài chịu đựng.
Nhạc phim cũng là một điểm nhấn khi các ca khúc hoặc âm thanh không lời được lồng ghép hợp lý, làm tăng cảm xúc cho cảnh phim hay tạo sự kịch tính qua các cú twist.
Kịch bản nhiều sạn
Những phút đầu tiên của Cái Giá Của Hạnh Phúc khá hứa hẹn khi cho thấy một gia đình có rất nhiều bí mật đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng, cô con gái Nina bỏ sang Mỹ 6 năm không về, cậu con trai Will thì thân mật quá lố với "anh bạn thân". Thế nhưng khi Dương phát hiện ra chồng mình ngoại tình thì phim bắt đầu sa đà vào sự hỗn loạn làm người xem mệt mỏi.
Không rõ nhà họ Võ quyền thế ra sao mà để Thoại cặp bồ hàng chục cô gái trong nhiều năm trời, thậm chí chụp cả hình tự sướng hay sống chung như vợ chồng mà không hề hay biết. Mỗi khi phát hiện ra một bí mật động trời nào đó thì thay vì chia sẻ cho nhau, ba mẹ con họ Võ chọn… im lặng, giấu diếm một cách khó hiểu chỉ để kéo dài thời lượng.
Thay vì quở trách chồng, Dương chọn trừng trị các "tiểu tam" vốn là người nổi tiếng trong showbiz một cách công khai và gọi đó là "dọn rác trong nhà". Nhiều hành vi phản cảm như đổ sơn lên đầu, cắt tóc nạn nhân ngay trong họp báo… Đến cuối cùng, nhân vật mới hiểu ra ngọn nguồn mọi chuyện là do Thoại và quyết định trả thù chồng. Song, những tội lỗi mà bà gây ra cho những cô gái kia không hề bị phán xét.
Rõ ràng, Cái Giá Của Hạnh Phúc xây dựng Dương là một phụ nữ độc đoán, ép cả nhà theo ý mình. Chính bà là người khiến con gái bỏ đi 6 năm, con trai không dám công khai bí mật với gia đình, đẩy chồng ngoại tình. Nếu Thoại có lỗi thì Dương còn tệ hại hơn. Nhưng đến cuối cùng, chỉ có người con rể là gánh chịu mọi hậu quả còn gia đình tài phiệt này vẫn hạnh phúc. Phải chăng tiền bạc có thể che mờ cả pháp luật?
Cú twist cuối phim là sự tổng hợp của nhiều bộ phim drama về giới tài phiệt, thế nhưng cách làm của đạo diễn chưa đến khiến người xem có thể đoán ra từ sớm. Không những vậy, nó còn làm thông điệp phim trở nên khó tiếp nhận hơn và tạo ra một loạt sạn mới xoay quanh nhân vật Thoại - người luôn bị ám ảnh bởi mối tình đầu nhưng không hề nắm một chút thông tin vì về bà ấy.
Một chi tiết gây khó chịu khác trong Cái Giá Của Hạnh Phúc chính là đất diễn của Xuân Lan quá nhiều. Xuyên suốt thời lượng phim là những màn dằn vặt, khóc lóc đau khổ liên tục của Dương. Chúng nhiều đến mức gây mệt mỏi chứ không phải là đồng cảm hay xúc động. Nhân vật nói đạo lý nhiều nhưng quá dông dài và không có điểm nhấn nào để khán giả nhớ đến sau khi ra khỏi rạp.
Thái Hòa gánh phần diễn xuất
Như nhiều dự án điện ảnh khác, Thái Hòa luôn là cái tên sáng nhất và gánh toàn bộ phần diễn xuất. Thoại có rất nhiều bộ mặt khác nhau một cách rõ rệt. Ban đầu, nhân vật là một người chồng, người cha ấm áp, hòa thuận. Nhưng khi mọi chuyện vỡ lẽ, ta thấy Thoại lộ bộ mặt trơ tráo, lạnh lẽo với chính người mà anh vừa đầu ấp tay gối. Với các bồ nhí, Thoại lại lãng mạn, dịu dàng khi vừa mới yêu và cũng vứt bỏ họ một cách tàn nhẫn sau khi đã "no xôi chán chè".
Xuân Lan là một bất ngờ khi diễn xuất rất nhập tâm dù đã lâu không đóng phim. Những cảnh thể hiện sự uất hận vì bị phản bội, dằn vặt và đấu tranh nội tâm, sự đau khổ vì làm tổn thương các con của Dương được cựu siêu mẫu thể hiện rất tốt. Nếu phim dành đất diễn cho Xuân Lan vừa phải thì đã tạo được điểm nhấn trong lòng người xem. Trong khi đó các diễn viên khác như Lâm Thanh Nhã và Uyển Ân chỉ ở mức tròn vai.
Chấm điểm: 3/5
Cái Giá Của Hạnh Phúc có một ý tưởng tốt và cách làm phim chắc tay. Cái Nguyễn Ngọc Lâm cần là một kịch bản hợp lý hơn và sự tiết chế các nhân vật. Việc đẩy các nhân vật vào bi kịch rồi tạo ra cú twist là không mới. Song, nó cần một lối dẫn dắt gãy gọn, lớp lang thay vì lan man vô các tình tiết câu dẫn nước mắt, bi kịch quá lố.