Cát titan #7- ảnh in trên giấy của nhiếp ảnh gia Nguyễn Xuân Khánh
Trong không gian mờ tối, ánh sáng bị hút vào vệt màu loang trên những tấm ảnh. Ở một gian khác, những triền cát uốn lượn trong 12 bức ảnh như chảy trôi trên một tấm phông nền đen.
Bất chấp những gam màu bí ẩn trong những bức ảnh trên lẫn sự quyến rũ của ánh hoàng hôn trong một số tác phẩm của nhiếp ảnh gia Voshida Trường, giám tuyển Bill Nguyễn và Zoe Butt vẫn khẩn khoản với người xem: "Chúng ta cần phải hiểu rằng, cái đẹp này - trớ trêu thay - lại bắt nguồn từ những gì độc hại, tàn lụi".
Tuyệt tình cốc #4, 2018, ảnh in trên giấy của nhiếp ảnh gia Phương Nguyễn
Không thể đảo ngược quá khứ
Gần đây, "Tuyệt tình cốc" ở Hải Phòng trở thành một địa danh thu hút nhiều bạn trẻ đến chụp hình với mặt hồ nước xanh biếc. Thế nhưng ít ai biết nguồn gốc của màu nước độc đáo ấy là hậu quả của quá trình sử dụng mìn khai thác đá quanh năm ở các khu vực lân cận.
6 tác phẩm của nhiếp ảnh gia Phương Nguyễn tại triển lãm Máy móc là tự nhiên ban đầu là những bức ảnh chụp phong cảnh hồ, nhưng sau đó được cô nhận chìm trong dòng nước độc hại nơi này.
Kết quả, hình ảnh bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn để lại những vệt loang trừu tượng. Đây là bằng chứng đanh thép nhất về những gì con người đã và sẽ đầu độc môi trường.
Không phải nghiễm nhiên, bộ ảnh Cát titan của nhiếp ảnh gia Nguyễn Xuân Khánh khiến người xem phải dừng chân lâu đến vậy. Những triền cát kéo hút đến tận chân trời đã tạo nên một khung cảnh siêu thực cho bộ ảnh đen trắng.
Thế nhưng, trái ngược với những bức ảnh chụp đồi cát quen thuộc trong các giải thưởng quốc tế, Cát titan của Nguyễn Xuân Khánh lại biểu thị cho sự tàn phá của loài người.
"Những hình ảnh mỏ titan lộ thiên ở Quy Nhơn gợi tôi nhớ đến một viện dẫn của Mario Giacomelli: Sắc trắng là vô thường, sắc đen là hằn sẹo.
Sau vài tháng dưới ánh nắng gay gắt, những dải cát ô nhiễm lan tỏa theo dòng nước, tạo nên những "bức tranh trừu tượng" này.
Tôi đi theo bờ biển để tìm và ghi lại tàn dư của sự khai khẩn, để hình dung lại trong chuỗi tác phẩm này cách mà con người chúng ta đã "trang hoàng" tự nhiên với hành vi và sự thờ ơ của mình" - nhiếp ảnh gia Nguyễn Xuân Khánh chua chát.
Hãy nghĩ đến vũ khí sinh học và thuốc diệt cỏ trong nông nghiệp - cả hai đều bắt nguồn với công năng tự vệ và có thể trở thành vũ khí hủy diệt. Hãy nghĩ đến các công trình nghiên cứu khí hậu Trái đất để rồi tự nhắc nhở bản thân: tự nhiên ngày càng bị quá trình tiêu thụ tài nguyên quá độ của con người làm mất cân bằng.
Zoe Butt (đồng giám tuyển triển lãm Máy móc là tự nhiên)
Quạt gió, 2018, ảnh in trên giấy của nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm
...Nhưng có thể hướng đến tương lai
Trong triển lãm này, bộ ảnh Nội phong thủy của nhiếp ảnh gia Quang Lâm, với cách sắp xếp bố cục đan xen những chiếc máy đánh chữ, đàn dương cầm với cỏ cây, đã cho thấy một mối quan hệ cộng sinh hài hòa giữa máy móc, con người và tự nhiên.
Hay trong triển lãm sơn mài Nguồn gene đang diễn ra của họa sĩ Nguyễn Phan Nam An, những chiếc xe máy đã trở thành một phần cơ thể người và hòa vào dáng hình đô thị.
"Tôi cho rằng ở một thời khắc nào đó, khoảng cách giữa máy móc và con người là nhỏ nhất, thậm chí trở thành một. Năng lực của máy móc có thể vượt trên con người, nhưng chúng ta mới là kẻ sở hữu tư duy công năng. Chính vì vậy, chúng ta phải luôn tìm cách hòa hợp với máy móc" - họa sĩ Nguyễn Phan Nam An nói. Sự hòa hợp ở đây cũng đồng nghĩa với sự tiết chế, nhằm giữ cân bằng cho tự nhiên.
Với những gian phòng được cắt xẻ thành từng khu vực nhỏ, hàng loạt bức ảnh trắng đen nối dài nhau dưới lớp ánh sáng mờ ghi lại tàn tích của tự nhiên, triển lãm Máy móc là tự nhiên có thể được xem là tham vọng của nhóm nghệ sĩ khi khắc họa nơi đây như một bảo tàng chứng tích chiến tranh.
Nếu nhìn theo cách của họa sĩ Nguyễn Phan Nam An, bảo tàng chứng tích chiến tranh là biểu tượng cho một trận chiến đã qua đi, cho hòa bình hôm nay thì Máy móc là tự nhiên cũng hi vọng trở thành nơi mà những sự hủy hoại của con người với tự nhiên ở lại đằng sau.
Trong thành phố Metropolis, những kẻ thống trị đã dựng lên tòa tháp chọc trời Ziggurat với tham vọng vươn sức mạnh của mình ra khắp thế giới. Đến nay, hàng loạt tác phẩm nhiếp ảnh, video của Voshida Trường, Qiu Anxiong, Quốc Văn Ninh... đã cho chúng ta thấy cái thế giới ngột ngạt của những tòa nhà cao tầng ấy đang ở ngay bên cạnh chúng ta, kể cả trong không gian đô thị lẫn những làng quê xa xôi.
Một số ảnh khác tại triển lãm:
Nguyễn Phương Linh ‘Kí ức Voi Mù' (hình ảnh chụp từ phim) 2
Ảnh của Nguyễn Phương Linh
Ảnh của Nguyễn Phương Linh
TTO - Một triển lãm thi họa song song sẽ diễn ra đồng thời vào ngày 7-4 tới đây giữa nhà thơ Nguyễn Thụy Kha và nhóm họa sĩ G39.