Kevin Zhu là một nhân viên tư vấn sức khoẻ 31 tuổi ở Bắc Kinh. Anh từng là một fan cuồng của phim Mỹ. Chia sẻ với tờ Forbes, Zhu cho biết vẫn còn nhớ nguyên cảm giác khi bộ phim The Matrix (Ma Trận) được công chiếu. Anh đã xem đi xem lại bộ phim không biết bao nhiêu lần khi còn là một cậu thiếu niên.

Tuy nhiên, giờ đây Zhu không còn giữ được sự vui thú ấy đối với phim của Hollywood nữa. Lượng phim Mỹ anh xem càng thưa thớt dần mà thay vào đó là những sự có mặt của những bộ phim Nhật, Ấn.

"Phim Hollywood ngày nay thương mại quá, bây giờ tôi lại thích xem phim của những thị trường khác hơn. Tôi cảm nhận được sự trân trọng của họ đối với kịch bản mà mình tạo ra."

photo-1-15224857228411666422829.jpg

Quầy vé ở hệ thống rạp chiếu phim Wanda Cinema

Zhu không phải là nhân vật duy nhất có quan điểm như vậy trong số các nhân vật mà Forbes tìm đến để thực hiện cuộc khảo sát. Khán giả trưởng thành ở Trung Quốc giờ đây đang mất dần niềm vui thú với những bộ phim Mỹ. Họ tìm đến những gì mới mẻ hơn từ những nơi mà trước đây vẫn được coi là thị trường ngách như Ấn Độ và Nhật Bản. Dòng phim quốc nội cũng càng lúc càng thu hẹp khoảng cách với những bom tấn Hollywood với hàng loạt các tác phẩm đột phá trong những năm vừa qua.

Đại diện nổi bật cho sự thất thế của Hollywood tại Trung Quốc là series Star Wars của Disney. Theo cơ quan thống kê doanh thu phòng vé CBO, bộ phim mới nhất thuộc dòng này là The Last Jedi chỉ kiếm được 269 triệu nhân dân tệ (42 triệu đô), bất chấp những cố gắng quảng bá điên cuồng trong tuyệt vọng của nhà sản xuất như tổ chức một buổi diễu hành gồm 500 cosplayer Stormtrooper ở Vạn Lý Trường Thành.

photo-1-1522485724560667882366.jpg

Bất chấp nỗ lực marketing hoành tráng, The Last Jedi vẫn thất bại thảm hại tại Trung Quốc

Không chỉ The Last Jedi, những bộ phim khác của dòng Star Wars như Rouge One hay The Force Awakens đều đã ngã ngựa khi chỉ thu về tổng cộng vỏn vẹn 206 triệu đô theo thống kê của CBO. Đây cũng chỉ là một đại diện cho xu thế chung của phim Hollywood tại Trung Quốc. Theo khảo sát của cơ quan phân tích dự liệu Ent Group tại Bắc Kinh, chỉ có 55% những người được hỏi chọn phim Tây làm lựa chọn hàng đầu khi đến rạp chiếu phim, giảm mạnh so với con số 61% của năm 2016.

"Phim Hollywood giờ đây quá dễ đoán với khán giả, người ta chỉ đến để ngắm nghía thần tượng và kỹ sảo phim là chính. Mà kể cả với các khán giả là fan của kỹ xảo thì họ cũng chỉ chọn các phim có áp dụng công nghệ tiên tiến nhất." – Po Hou, giám đốc công ty truyền thông Deloitte China chia sẻ.

photo-2-15224857245632059357271.jpg

Trong bối cảnh đó, phim nói tiếng nước ngoài đang ngày một thắng thế trên bảng xếp hạng doanh thu. Secret Superstar, bộ phim Ấn Độ có sự góp mặt của diễn viên gạo cội Aamir Khan là cái tên đứng thứ 3 trong top phim ăn khách năm 2018 ở Trung Quốc. Đứng trên Secret Superstar là hai phim quốc nội khác với tổng doanh thu trên 579 triệu nhân dân tệ (92 triệu đô). Chiến thắng này cũng dễ hiểu nếu so với bom tấn Dangal cũng của Aamir Khan năm ngoái, tác phẩm thu về tổng cộng 1,3 tỷ nhân dân tệ, xếp thứ 21 trong danh sách những bộ phim ăn khách nhất mọi thời đại tại xứ sở tỷ dân.

photo-3-15224857245661213721932.jpg

Khán giả đại lục selfie cùng áp-phích Amir Khan

"Tôi đi xem Dangal tận ba lần. Phim Hollywood giờ toàn khiên cưỡng với khuôn mẫu." – Zhang Zhaohui, một anh chàng startup công nghệ 30 tuổi ở Bắc Kinh chia sẻ.

Bộ phim doanh thu khủng nhất mọi thời đại của Trung Quốc là Chiến Lang 2, thu về tổng cộng 5,7 tỷ nhân dân tệ (903 triệu đô). Đặc biệt, phim có nội dung kể về một người lính Trung Quốc thâm nhập vào khu vực giao tranh tại Châu Phi để giải cứu tính mạng của hàng trăm con người trước sự đe doạ của những tên lính đánh thuê phương Tây.

Tuy nhiên, bom tấn Mỹ vẫn chưa mất hẳn chỗ đứng tại Trung Quốc. Phim ngoại nhập hiện nay vẫn chủ yếu là phim Hollywood và đang chiếm 47% tổng doanh thu phòng vé năm 2017, nhiều hơn 23% so với con số 55,9 tỷ nhân dân tệ của năm 2016. Nhưng thống kê này chưa chắc đã đại diện cho sự phát triển của Hollywood bởi vì thị hiếu của khán giả Trung Quốc đang ngày một đa dạng hơn. Ent Group dự đoán rằng Trung Quốc sẽ vượt mặt Mỹ để trở thành thị trường phim lớn nhất thế giới vào năm 2019.

Và do đó, bài toán lớn nhất hiện nay của Hollywood là mở rộng thị trường. Trong bối cảnh "người tiêu dùng" (khán giả xem phim) ở những đô thị lớn tại Trung Quốc đang dần bão hoà thì nơi đầu tiên mà những nhà đầu tư nhắm tới là những khu vực kém phát triển hơn. Tuy nhiên việc này còn khó khăn hơn bởi ở các vùng như Vũ Hán, Lạc Dương hay Ngân Xuyên, phim ngoại nhập gần như không thể có chỗ đứng bởi khán giả nơi đây vẫn có thị hiếu bất di bất dịch với phim nội.

photo-1-15224874601181755988602.jpg

"Pacific Rim: Uprising" (Pacific Rim: Trỗi Dậy) bị chê là quá lố khi sử dụng chiêu bài tung diễn viên Trung Quốc vào phim để bán cho thị trường châu Á này.

Chính sách nhập phim ngoại hiện nay ở Trung Quốc chỉ cho phép tối đa 38 phim để khuyến khích sự phát triển của phim trong nước. Tuy nhiên, con số 38 này không dễ dàng gì là của riêng Hollywood. Càng lúc, sân chơi càng đa dạng hơn. Trong khi những nhà đầu tư Mỹ đang trông chờ vào sự nới lỏng của con số 38 thì những bộ phim đến từ Nhật Bản, Ấn Độ và Tây Âu đang ngấm ngầm xâm nhập vào miếng bánh thị trường đại lục.

Làn sóng đa dạng hoá ở đại lục bắt đầu từ sự liên kết giữa các nhà đầu tư của Ấn Độ với Trung Quốc. Bộ phim Zookeeper, một bộ phim hài hành trình của đạo diễn Kabir Khan có bối cảnh tại thành phố Thành Đô là một ví dụ. "Các nhà phân phối đang tìm cách nhập về những cái tên mới lạ hơn, nhất là sau sự thoái trào của phim Mỹ ở năm 2016. Điều này khiến cho Dangal có cơ hội đặt chân vào cuộc chơi." – David Hancock, giám đốc phòng nghiên cứu và phân tích điện ảnh ở IHS chia sẻ.

photo-1-15224873597151154588002.jpg

"Avengers: Infinity War" (Avengers: Cuộc Chiến Vô Cực) là cái tên tiếp theo được kỳ vọng sẽ phá vỡ kỷ lục phòng vé tại Trung Quốc

"Tuy nhiên, cũng đừng hy vọng Hollywood sẽ thay đổi chiến thuật với đại lục. Những phần tiếp nối, hậu truyện và spin-off (ngoại truyện) vẫn đảm bảo sự ăn khách nhiều hơn là những ý tưởng mới vì có nền tảng sẵn có từ những thương hiệu. Họ vẫn sẽ tiếp tục làm như vậy chừng nào vẫn kiếm ra được tiền. Tuy nhiên, ý tưởng mới cũng rất quan trọng. Nếu các nhà đầu tư cứ dựa dẫm vào công thức mà không chịu cải tiến, sáng tạo, đến một ngày nào đó, khán giả sẽ quay lưng lại với họ."

(Nguồn: Forbes)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022