Đây là nơi truyền dạy “phương pháp sáng tạo của nền kiến trúc hiện đại phương Tây, tức là kiến trúc có bản vẽ, đã mở ra giai đoạn mới của kiến trúc Việt Nam với tư duy sáng tạo mới, phương pháp thiết kế mới và đã làm nên những tác phẩm kiến trúc mới” (HKTSVN 2008, 10). Cùng với những đòi hỏi về nhân lực của cuộc khai thác thuộc địa giai đoạn (1920-1945) thì mục đích của hiệu trưởng đầu tiên của trường là Victor Tardieu muốn đào tạo “một thế hệ KTS bản điạ, những người tạm thời có thể đáp ứng sự thiếu hụt của những chuyên gia, đồng thời làm mới được phong cách kiến trúc thuộc địa bằng việc sáng tạo một phong cách kiến trúc vừa hiện đại, vừa gắn bó chặt với văn hóa Việt Nam” (Herbelin 2013, 92). Từ đó, giai đoạn 1925-1930 đương nhiên được xem như sự ra đời của một thế hệ đầu tiên được đào tạo bài bản và được cấp bằng KTS Đông dương (architecte Indochinois) trong lịch sử.
Tuy nhiên, trước khi xuất hiện lứa KTS nói trên, vào đầu thế kỷ 20, trong xã hội Việt Nam đã tồn tại một nhóm những người Việt hoạt động trong lĩnh vực thiết kế xây dựng, có những đóng góp vào sự phát triển của kiến trúc Việt Nam giai đoạn này – Đó là những họa viên (dessinateur) của Sở Công chính Đông Dương.
Vai trò của Sở Công chính Đông dương (Travaux Publics de l’Indochine)
Sở Công chính Đông Dương được Toàn quyền Paul Doumer thành lập ngày 9 tháng 9/1898 (D’Angio 1995). Đây là cơ quan được thành lập dựa trên cơ sở hợp nhất các Sở Công chính Nam kì, Trung kì và Bắc kì vốn hoạt động tản mạn, không có hiệu quả trước đó (Doumer 2016). Cho đến năm 1906, cơ cấu hoạt động của sở được tổ chức thành các phân khu lãnh thổ (conscriptions territoriales) phụ trách 5 vùng của Liên bang Đông Dương (Bắc kì, Trung kì, Nam kì, Lào và Campuchia) và các phân khu chuyên ngành (Conscriptions speciaux). Lĩnh vực phụ trách của sở gồm khai mỏ, đường thủy, đường sắt, công trình. Dựa vào đặc điểm của từng dự án, cơ quan này có trách nhiệm báo cáo trực tiếp với toàn quyền (dự án cấp liên bang), phó toàn quyền và thống sứ (dự án cấp vùng) hoặc thị trưởng (dự án cấp thành phố). Trong giai đoạn khai thác thuộc địa lần 1, để đáp ứng nhu cầu khổng lồ của việc xây dựng các cơ sở hạ tầng như cầu, hệ thống ga và tuyến đường sắt Bắc – Nam và tuyến Vân Nam, cảng và các công trình kiến trúc dân dụng, bên cạnh đội ngũ kĩ sư công binh, nhân viên Pháp, chính quyền thực dân buộc phải đã phải sử dụng đến các họa viên người bản xứ. Đội ngũ nhân viên bản xứ này nhanh chóng chứng tỏ được tầm quan trọng của mình bằng việc tham gia vào những công việc xây dựng dân dụng cho đến những công việc nhạy cảm, đòi hỏi độ chính xác như vẽ bản đồ cho pháo binh và đo đạc địa hình Đông Dương .
Vào đầu những năm 1900, lĩnh vực kiến trúc ở Đông Dương được chia vào 4 Trung tâm kiến trúc (service central d’architecture) phụ trách các khu vực Hà Nội (KTS Vildieu phụ trách), Huế (kĩ sư Bourard phụ trách), Sài Gòn và Campuchia (KTS Marechal phụ trách), Lào (KTS Fabre phụ trách). Bên cạnh trưởng phòng người Pháp là khoảng 6-7 họa viên người bản xứ. Niên giám chung Đông Dương, phần quản lý hành chính của Sở Công chính Đông Dương từ các năm 1900 trở về sau, cung cấp cho chúng ta một danh sách tên tuổi của các họa viên kiến trúc và thứ hạng của họ trong hệ thống. Chức danh nhiệm vụ của các họa viên trong bộ máy ở các văn phòng rất phức tạp; từ họa viên học việc cấp 4, đến họa viên thường và họa viên chính cấp 1. Sự xếp hạng phân chia rõ ràng một cách chuyên nghiệp, thể hiện trình độ chuyên môn, thời gian đào tạo và phục vụ của từng cá nhân trong hệ thống. Hệ thống phân cấp này sẽ liên quan đến công việc mà họ phải thực hiện khi triển khai các công trình dân sự được xây dựng trong giai đoạn này. Ước tính số lượng họa viên bản xứ trong tất cả các phân khu chuyên ngành (cầu đường, xây dựng, trắc địa, kiến trúc) đóng tại các văn phòng phân bổ ở toàn liên bang Đông Dương trong những năm đầu 1900 có thể lên đến con số gần 100 người, trong đó riêng các văn phòng kiến trúc là khoảng 20-25 người.
Mặc dù có một số lượng đông đảo như vậy, đóng một vai trò trực tiếp trong việc triển khai các dự án xây dựng, ngoài những tài liệu mang tính hành chính về tên tuổi và chức danh của họ thì còn lại rất ít những thông tin về công việc của đội ngũ họa viên này. Riêng trong lĩnh vực kiến trúc, may mắn thay, chúng ta vẫn còn một số thông tin ít ỏi về những công trình do họ đã thực hiện.
Ấp Thái Hà và tấm bia danh hiệu KTS đầu tiên
Nằm ở phía Tây Nam Hà Nội, ấp Thái Hà là khu làng mới do Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải (1850-1933) lập từ năm 1893, được hình thành trên một đất ngập hoang có diện tích 120ha. Đây là hình mẫu đầu tiên của dạng đất đô thị phân lô bán đất nền ở Hà nội. Ông Hoàng Cao Khải dành ¼ diện tích khu thái ấp để xây dựng một cụm công trình gồm 14 hạng mục hoành tráng cho gia tộc mình. Quy mô hoành tráng của quần thể này đã khiến nhiều người ấn tượng. Nguyễn Khuyến ví khu này như một triều đình thu nhỏ, còn một tác giả người Pháp còn ví như “tiểu Versaille” với hệ thống cấu trúc hình học chặt chẽ và mở rộng gồm các kênh đào, vườn cảnh (Papin 2001). Trong quần thể có lăng mộ đặt quan tài của kinh lược sứ Hoàng Cao Khải được xây hoàn toàn bằng đá cẩm thạch, chạm trổ rất tinh vi, sắc sảo. Công trình này đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di sản văn hóa từ năm 1962 vì giá trị kiến trúc đá độc đáo. Bên trong lăng mộ này có một tấm bia có nội dung:
- Phần chữ Hán: Hàn lâm Viện thị chiếu Nguyễn Duy Đạt bái tạo (dịch nghĩa: Hàn lâm Viện thị Nguyễn Duy Đạt theo chiếu Vua cung kính tạo dựng).
- Phần tiếng Pháp: Nguyen-Duy-Đat architecte (KTS Nguyễn Duy Đạt) -1915.
Theo các tài liệu lưu trữ, Nguyễn Duy Đạt (1869-1937) là trợ lí họa viên sở Công chính Đông Dương, làm việc dưới quyền của KTS Vildieu tại văn phòng kiến trúc phụ trách khu vực Hà Nội từ năm 1902, đến tháng 1/1903 ông được công nhận làm họa viên chính thức (Indochine 1905). Năm 1925, ông được chính phủ Pháp phong chức Giáo học quốc gia (Officer d’instruction publique) vì thành tích trong lĩnh vực nghệ thuật (République 1924). Đến tháng 7/1933, ông được trao tặng Bắc đẩu bội tinh, hạng Hiệp sĩ vì thành tích “43 năm phục vụ và hành nghề chuyên môn. Đóng góp cho sự phát triển nghệ thuật bản địa” (Ministère 1933), chính phủ Nam triều phong tước Chiêu liệu đại phu Lộc tự thiếu khanh. Tấm bia ở ấp Thái Hà được dựng vào năm 1915, 18 năm trước cái chết của Hoàng Cao Khải, cho phép khẳng định độ xác thực của thông tin ghi trên bia.
Hình 1: Bia trong lăng – Hình 2: Lăng mộ Hoàng Cao Khải nguyên gốc – Hình 3: Lăng mộ Hoàng Cao Khải hiện nay
Theo các tài liệu lưu trữ, Nguyễn Duy Đạt (1869-1937) là trợ lí họa viên sở Công chính Đông Dương, làm việc dưới quyền của KTS Vildieu tại văn phòng kiến trúc phụ trách khu vực Hà Nội từ năm 1902, đến tháng 1/1903 ông được công nhận làm họa viên chính thức (Indochine 1905). Năm 1925, ông được chính phủ Pháp phong chức Giáo học quốc gia (Officer d’instruction publique) vì thành tích trong lĩnh vực nghệ thuật (République 1924). Đến tháng 7/1933, ông được trao tặng Bắc đẩu bội tinh, hạng Hiệp sĩ vì thành tích “43 năm phục vụ và hành nghề chuyên môn. Đóng góp cho sự phát triển nghệ thuật bản địa” (Ministère 1933), chính phủ Nam triều phong tước Chiêu liệu đại phu Lộc tự thiếu khanh. Tấm bia ở ấp Thái Hà được dựng vào năm 1915, 18 năm trước cái chết của Hoàng Cao Khải, cho phép khẳng định độ xác thực của thông tin ghi trên bia.
Mặc dù không có tài liệu cụ thể về tác giả thiết kế của ấp Thái Hà từ năm 1893 cũng như cụm các công trình trong lăng mộ vì thời gian xây dựng kéo dài. Tuy nhiên, với chuyên môn của ông Nguyễn Duy Đạt ở phòng kiến trúc sở Công chính Đông Dương, có thể khẳng định ông Đạt liên quan trực tiếp đến việc thiết kế khu lăng mộ chính – công trình quan trọng nhất của toàn quần thể.
Nhà Khai Trí Tiến Đức và những cuộc thi kiến trúc đầu tiên của người Việt Nam
Năm 1919, học giả Phạm Quỳnh thành lập Hội Khai Trí Tiến Đức (l’Association pour la Formation intellectuelle et Morale des Annamites – AFIMA). Hội Khai Trí Tiến Đức thành lập trong bối cảnh biến đổi mạnh mẽ về văn hóa xã hội, với chủ trương cổ vũ việc mở rộng học tập văn minh kiến thức phương Tây, đồng thời kết hợp với những nét tinh hoa của văn hóa truyền thống Việt Nam.
Nhà Khai Trí Tiến Đức và bản vẽ mặt đứng của Đỗ Văn Y
Nhờ vào mối quan hệ của hội trưởng Marty, chánh thanh tra sở mật thám, Hội Khai Trí Tiến Đức xin được một mảnh đất giáp hồ Gươm. Năm 1920, hội tổ chức cuộc thi tìm kiến trúc cho trụ sở của mình. Tổng số có 15 phương án dự thi, hội đồng chấm giải chọn được 5 phương án, tuy nhiên không có giải nhất và một phương án thiếu dự toán, vì vậy kết quả cuộc thi như sau:
- Giải Nhì: Đỗ Văn Y – Họa viên chính sở Công chính;
- Giải Nhì Nguyễn Văn Oánh – Họa viên chính sở Công chính;
- Giải Ba Nguyễn Duy Đạt – Họa viên chính sở Công chính;
- Giải Ba Phương Đình Hảo – Họa viên sở Công chính.
Toàn bộ các phương án đoạt giải đều là của các họa viên của sở Công chính Đông Dương, điều này cho thấy sự hăng hái nhiệt huyết của họ. Ngày 7/1/1922, công trình được khánh thành với sự tham dự của Toàn quyền Maurice Long. Nằm ở góc đường Hàng Trống và đường ven hồ Gươm, tòa nhà mang đậm phong cách kiến trúc phương Đông với mái cong lợp ngói ống kiểu Trung Quốc ở sảnh và các hoa văn trang trí dân tộc như chữ thọ, chữ vạn, đèn lồng… Phần trên sảnh vào tầng 2 nổi bật được thiết kế phảng phất hình ảnh của thủy đình chùa Thầy , trong khi hai bên là mái bằng với tường chắn dùng gạch lỗ hoa chanh. Mặt bằng hình chữ V gần đối xứng với sảnh chính nằm chính giữa. Phòng thư viện và trị sự nằm dọc theo đường Hàng Trống và phòng đại hội nhìn ra hồ Gươm. Phần sân giữa 2 cánh nhà được dùng cho tổ chức diễn thuyết, hội họp, nhìn thẳng tượng đài vua Lê nằm ở khu đất giáp bên cạnh. Tổng thể bố cục công trình chặt chẽ về hình học, cũng như hài hòa với bối cảnh xung quanh cho thấy một tư duy kiến trúc rõ ràng, mạch lạc.
Trong khi lăng Hoàng Cao Khải là một dạng kiến trúc tưởng niệm cá nhân thuần túy kiểu phương Đông, từ hình thức đến nội dung, nằm ở ngoại vi thành phố, thì trụ sở Khai trí Tiến đức là một công trình hội quán công cộng, đặt tại trung tâm thành phố với những công năng rất “phương Tây”, trong một cái vỏ “phương Đông”. Tác giả Đỗ Văn Y đã tạo ra một tuyên ngôn kiến trúc mạnh mẽ về tính dân tộc trong kiến trúc, đối lập lại với phong cách kiến trúc Tân cổ điển của người Pháp xung quanh Hồ Gươm cùng thời điểm đó. Trong khi đó, đến tháng 9/1921, KTS Ernest Hébrard mới đến Đông Dương và đến tận nửa cuối năm 1922, những bản thiết kế mang phong cách kiến trúc Đông Dương của ông mới định hình.
Năm 1924, hội Khai Trí Tiến Đức tiếp tục tổ chức cuộc thi kiến trúc lần thứ 2. Lần này đề thi là thiết kế một biệt thự nằm trên một lô đất tại Hà Nội có kích thước 40mx50m, một cửa hàng dạng nhà lô có kích thước 6mx25m và 8mx25m với yêu cầu được đặc biệt nhấn mạnh “làm theo lối ta, nhưng theo cách thức tây, cần nhất theo lối kiến trúc Bắc kì […] nhất là lối kiến trúc và vệ sinh ở Hà Nội” . Hội đồng chấm giải lần này do KTS Ernest Hébrard chủ trì, với nhiều KTS nổi tiếng ở Đông Dương tham dự . Tổng cộng có 32 phương án dự thi của 22 tác giả. Và lần này, ông Đỗ Văn Y lại tiếp tục thắng lớn với 4 giải thưởng trong đó có giải nhất ở cả 2 hạng mục biệt thự và cửa hàng. Trong số những người đoạt giải của cuộc thi, chỉ có 1 người là họa viên của trường Viễn Đông Bác cổ, 1 là họa viên của sở Kinh tế, số còn lại 8 người đều là họa viên ban kiến trúc của sở Công chính Đông Dương.
Hình 5: Phương án kiến trúc đoạt giải năm 1925 của Đỗ Văn Y. (Nguồn tạp chí L’Éveil écomonique de l’Indochine)
“Lối kiến trúc Bắc kì” lần này của ông Đỗ Văn Y thể hiện qua hệ mái dốc thẳng lớn ở khối giữa, hất lên ở góc mái, hai đầu có phần lỗ thông gió với hoa văn chữ Thọ. Bờ nóc mái được cách điệu vân mây bằng những đường thẳng đơn giản. Trước nhà có hàng hiên với mái cong dùng ngói ống và hàng cột với cấu trúc dầm chìa của kết cấu gỗ. Hệ bổ trụ tường tạo thành các phân vị đứng, đầu trang trí cách điệu trụ ô lồng đèn vuông vắn ở ghi môn kiến trúc cổ. Các mảng tường phẳng, bo viền dạng khung tranh vuông vắn. Phương án lần này đã giản lược các chi tiết trang trí, “phẳng hóa” trong các motif trang trí bằng các nét thẳng, mặt phẳng so với Nhà Khai trí Tiến Đức trước đó.
Dinh thự của tổng đốc Hoàng Trọng Phu và dấu ấn của cuộc thi kiến trúc
Sau khi cuộc thi kết thúc, Hội Khai Trí Tiến Đức đã xuất bản cuốn sách giới thiệu toàn bộ các phương án đoạt giải, nhằm giới thiệu một đường hướng kiến trúc mới đến xã hội Việt Nam đương thời. Phương án của Đỗ Văn Y trong cuộc thi năm 1924 đã tạo cảm hứng trực tiếp cho một công trình được xây dựng 2 năm sau đó: Dinh thự của ông Hoàng Trọng Phu, tổng đốc Hà Đông (nay là sứ quán Trung Quốc trên đường Hoàng Diệu). Công trình này do ông Nguyễn Tất Đạt , họa viên chính của Sở Công chính Đông Dương thiết kế.
Công trình gồm khối chính ấn tượng với bộ mái dốc phẳng to lớn, đối xứng hai bên là hai khối nhà dạng lầu với hai tầng mái. Hai khối này giúp tổ hợp hình khối thống nhất hơn so với phương án của Đỗ Văn Y. Thay vì lớp hành lang với mái hiên và hàng cột bên ngoài như phương án của Đỗ Văn Y, mặt tường ngoài được chia thành các modul đều nhau, trổ cửa sổ chữ nhật, được phân vị bằng tường bổ trụ thẳng, với phân tầng bằng diềm ngang song song. Tổng thể công trình tạo ra cảm giác hoành tráng, bề thế với ngôn ngữ kiến trúc đơn giản mạch lạc và hiện đại hơn. Chủ bút tờ L’Éveil économique de l’Indochine là Henri Cucherousset đã hết lời ngợi khen vì công trình với phong thái Việt Nam nằm giữa khu phố châu Âu mà không lạc điệu, là một trường hợp mẫu mực cho những gia chủ muốn tận hưởng của sự thoải mái tiện lợi của kiến trúc châu Âu cũng như thể hiện sắc màu của kiến trúc bản địa, là sự khẳng định cho một phong cách nghệ thuật Pháp-Việt (Cucherousset 1926).
Hình 6: Dinh thự của tổng đốc Hoàng Trọng Phu (Nguồn Tạp chí L’Éveil économique de l’Indochine)
Đánh giá vai trò các họa viên sở Công chính giai đoạn 1898-1930
Có thể thấy, chỉ riêng với đội ngũ họa viên của văn phòng kiến trúc Hà Nội, Sở Công chính Đông Dương đã có những thành công nhất định trong việc phát triển và thúc đẩy sự biến đổi phong cách kiến trúc dân tộc của xã hội Việt Nam đầu thế kỉ 20.
Đây cũng là giai đoạn có sự tương tác mạnh mẽ, lấn át của văn hóa châu Âu và văn hóa bản địa, tạo ra sự “nứt gãy” với văn hóa truyền thống Việt Nam. Giai đoạn chuyển đổi này mang tính bước ngoặt trong ngành xây dựng Việt Nam. Trước hết, đó là sự xuất hiện của các công trình có công năng và kĩ thuật hiện đại. Sau đó là sự xuất hiện của các bản vẽ kỹ thuật, các thiết kế riêng biệt công năng đặc thù, kết hợp các nhà thầu khác nhau (nề, điện, nước). Điều này vốn đối lập với việc xây cất dựa trên kinh nghiệm truyền thống Việt Nam, cấu trúc theo các thức quy định của các phường thợ xây dựng dân gian. Trong bối cảnh đó, đội ngũ họa viên này chính là những người đầu tiên tiếp xúc với tư duy và cách làm việc “Âu hóa”, chuẩn xác và hiện đại hơn trong lĩnh vực xây dựng nói chung và kiến trúc nói riêng. Đặc biệt, từ sau năm 1920, khi TP cấm xây dựng nhà lá, các nhà thầu xây dựng phải nộp các hồ sơ xin phép xây dựng trong khu phố cổ cho chính quyền (Hồ sơ gồm các mặt bằng, mặt cắt với những quy định chi tiết về kích thước trên mặt đứng công trình) thì vai trò của những người có chuyên môn họa viên càng cần thiết trong xã hội. Rất có thể đâu đó trong trong khu phố cổ Hà Nội còn rất nhiều những công trình được các họa viên từ sở Công chính Đông Dương thiết kế.
Trong khi đó, những lứa KTS của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tốt nghiệp sau năm 1930 khi làm việc cho sở Công chính Đông Dương cũng chỉ được làm việc như họa viên (dessinateur) hoặc thầy kí (commis). Chỉ có những người mở văn phòng riêng mới được sử dụng danh hiệu KTS trong công việc của mình (Herbelin 2013). Điều này thể hiện sự cân bằng về nhiệm vụ giữa những họa viên giai đoạn 1898-1930 và những KTS Đông Dương sau này. Không chỉ dừng lại ở những bản vẽ kĩ thuật, các công trình và thiết kế của họ cũng được công chúng đón nhận với những thành công nhất định, có sự lan tỏa và ảnh hưởng đến xã hội như những ví dụ nêu trên.
Nếu như các công trình ở sở Công chính Đông Dương hoàn toàn mang tư tưởng của những KTS người Pháp, thì những thiết kế của tác giả như Nguyễn Duy Đạt, Đỗ Văn Y, Nguyễn Tất Đạt… thể hiện chính tư tưởng kiến trúc của người Việt trong buổi giao thời. Tuy không được xã hội công nhận và được mang danh hiệu KTS, do sự thiệt thòi và phân biệt đối xử, nhưng những đóng góp và thành tựu của họ đối với kiến trúc Việt Nam cần được nghiên cứu và ghi nhận.
Danh mục tài liệu tham khảo
Cucherousset, Henri. 1926. “Vers une architecture locale.” L’Éveil économique 10. D’Angio, Agnès. 1995. Schneider & Cie et les travaux publics, 1895-1949. Paris: Ecole des Chartes. Doumer, Paul. 2016. Xứ Đông Dương. Edited by Nguyễn Thừa Hỷ. Hà nội: Nhà xuất bản Thế giới. Herbelin, Caroline. 2013. “Changements et opportunités dans l’architecture en Indochine.” French Colonial History 14: 89-113. HKTSVN. 2008. Thế hệ Ký Việt Nam đầu tiên. Hà nội: Nhà xuất bản Văn hóa thông tin. Indochine, française. 1905. Annuaire général de l’Indo-chine. Hanoi: Taupin. Ministère, des collonies. 1933. Bulletin officiel du Ministère des collonies. Paris: Ministère des collonies. Papin, Philippe. 2001. “Công trình cuối cùng và độc đáo của giới quan lại tại Hà Nội: Ấp Thái Hà.” In Hà nội chu kì của những đổi thay, by Pierre Clement, 189-195. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật. République, Française. 1924. Journal officiel de la République Française. Paris: République Française. Chú thích 1. Bằng này phân biệt với bằng kiến trúc Quốc gia (architecte DPLG) dành cho các kiến trúc sư ở Pháp. Họ thường xuyên gặp phải sự coi thường của các kiến trúc sư Pháp cùng thời, những người coi việc đào tạo kiến trúc ở EBAI là một sai lầm (Herbelin 2013) Các kiến trúc sư từ trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông dương sử dụng title DPGI 2. Sắc lệnh 10 tháng 8 năm 1898 cho phép sử dụng họa viên bản xứ trong việc đo vẽ bản đồ địa hình cấp quốc gia. 3. Danh sách của văn phòng kiến trúc phụ trách khu vực Sài gòn năm 1905 gồm Charles Raymond Maréchal (kiến trúc sư cấp 2, trưởng phòng), Do Sang Dot (họa viên cấp 1), Tran Van Len (họa viên cấp 4), Huynh Van Giai (hoa viên cấp 4), Trương Công Tình (họa viên cấp 4), Mai Van Lung (họa viên học việc cấp 4), Phan Cong Hoa (thư kí học việc) (Indochine 1905) 4. Ngày 25/4/1920, Hội đồng chấm thi bao gồm Chủ tọa Pech (đốc lý thành Hà Nội), KTS Panmentier và Batteur (trường Viễn Đông Bác cổ), KTS Bussy và kĩ sư Lacollon (sở Công chính Đông Dương), Boudet (quản lý thư viện trung ương), Hoàng Trọng Phu, Thân Trọng Huề, Trần Văn Thông, Nguyễn Hữu Thu, Choulet (đại diện hội Khai Trí), Phạm Quỳnh (thư kí) của Hội Khai trí, De Massiac (báo L’avenir du Tonkin), Laveran (báo Courrier d’Haiphong), Reverony (báo France-Indochine). 5. Biên bản của hội đồng xét cuộc thi kiểu nhà, Nam phong tạp chí, số tháng 4/1920. 6. Nhà thầu Aviat đã xin nhập Hội Khai trí tiến đức để được ưu ái làm nhà thầu xây dựng. Ông này trước khi xây có đề nghị bỏ mái dốc tầng 2 để giảm kinh phí, tuy nhiên trụ sở Khai trí tiến đức vẫn được xây dựng với mái đình như thiết kế. 7. Cuộc thi vẽ kiểu nhà của hội Khai trí tiến đức, Nam phong tạp chí, số tháng 10/1924; 8. KTS Parmentier (chuyên gia về bảo tồn di tích của trường Viễn đông Bác cổ), KTS Lagisquet (đồng tác giả Nhà hát lớn Hà nội, Sở Công chính Đông dương), KTS Bernard (Quỹ tín dụng đất đai Crédit Foncier – một tổ chức tài chính chuyên thiết kế và cung cấp tiền xây dựng các công trình tại Đông dương), Marty (chánh sở Mật thám, hội trưởng hội Khai trí, bác sĩ nhi khoa Coppin và Phạm Quỳnh, thư kí); 9. Biên bản chấm thi kiểu nhà, Nam phong tạp chí, số tháng 12/1924 10. Sau này các ông Nguyễn Duy Đạt và Nguyễn Tất Đạt đều là thành viên của Bắc Kỳ trí sĩ ái hữu hội. Một tổ chức của những công chức về hưu đã từng làm việc cho chính quyền Pháp. Chi tiết tham khảo cuốn Bắc Kỳ trí sĩ ái hữu hội của Thư viện quốc gia.