Với diện tích hơn 500ha, hồ Tây (Tây Hồ, TP.Hà Nội) được coi là “lá phổi xanh” trong lòng TP.Hà Nội; là danh lam thắng cảnh mang đậm dấu ấn của ngàn năm xây dựng và phát triển của Thủ đô và “được Thủ tướng Chính phủ công nhận là nơi bảo tồn sinh học, bảo tồn nước nội địa cấp Quốc gia”. Tuy nhiên, những năm gần đây, hồ Tây có nguy cơ trở thành “hồ chết”, hệ sinh thái đa dạng trong hồ đang bị ảnh hưởng.

Theo nghiên cứu của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, môi trường nước hồ Tây đang bị ô nhiễm hữu cơ do nhiều nguyên nhân như, việc xả rác, nước thải sinh hoạt thường xuyên xảy ra; trầm tích đáy hồ tích tụ nhiều năm chưa được nạo vét…

Giai-cuu-ho-Tay-Khong-co-phep-phu-thuy-nao-giai-quyet-ngay-duoc-ho-tay-ha-noi-1545471065-width700height394-1.jpg?resize=640%2C360&ssl=1Hồ Tây (quận Tây Hồ, TP.Hà Nội). (Ảnh: Phạm Hùng)

Bên cạnh đó, hồ Tây đang đối mặt với vấn đề cạn kiệt mực nước do bốc hơi và thẩm thấu ngầm, đồng thời hiện tượng biến đổi khí hậu làm nắng nóng kéo dài dẫn đến việc mất cân bằng gây nguy cơ cạn kiệt mực nước trong hồ.

Trao đổi với PV Dân Việt, Kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh – Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội cho khẳng định, đây là hậu quả của Quy hoạch thoát nước xử lý nước thải đã được hình thành cách đây 20 năm rất kém.

“Cách đây 10 năm (2008) đã bộc lộ rồi: úng ngập, ô nhiễm tràn lan, tôi cùng nhiều chuyên gia đã phân tích rồi nhưng không ai quan tâm mà cứ nhắm mắt thực hiện tốn kém vô nghĩa”, KTS Trần Huy Ánh nói.

Theo Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội, Hà Nội là TP trong sông, yếu tố nước rất quan trọng, nó hình thành và dung dưỡng nên TP. Nhưng khi xây dựng kế hoạch của TP vẫn chưa quan tâm nhiều đến yếu tố nước mà chỉ chú trọng đến yếu tố đất. Dẫn đến hệ quả thừa nước thải và thiếu nước ngọt gây ô nhiễm nguồn nước rất nghiêm trọng.

“Không có “phép phù thủy” nào có thể giải quyết được ngay việc này mà chính chúng ta phải thực hiện điều đó theo quy trình, khoa học. Bây giờ muốn giải quyết vấn đề ở hồ Tây thì không phải là câu chuyện ngoại khoa. Tức là, không phải thấy vấn đề bị “ung thư” nặng rồi, giờ lấy dao chích vào đó để hết bệnh”, KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh.

Giai-cuu-ho-Tay-Khong-co-phep-phu-thuy-nao-giai-quyet-ngay-duoc-kts-tran-huy-anh-danviet-1545471236-width640height480.jpg?resize=640%2C480&ssl=1KTS.Trần Huy Ánh – Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội. (Ảnh: Danviet.vn)

Bàn về việc dẫn nước sông Hồng vào hồ Tây theo đề xuất của Công ty Thoát nước Hà Nội, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, việc này có thể làm được khi có lưu lượng lớn, việc này có thể pha loãng chất thải rồi theo tuần hoàn nước từ sông Hồng – hồ Tây – sông Tô Lịch – sông Tích, sông Đáy – sông Hoàng Long…

“Dự án thoát nước và xử lý nước thải (XLNT) Hà Nội do JICA nghiên cứu và tiến hành thực hiện tại Hà Nội theo 2 giai đoạn có chi phí hàng tỷ USD, trong đó có kè 17km sông Tô Lịch và làm rất nhiều nhà máy XLNT. Kết quả là gì: Hà Nội vẫn úng ngập và nước thải ô nhiễm trầm trọng, tất cả các hồ tại Hà Nội đều ô nhiễm… Với cách làm manh mún và phi kinh tế, phản khoa học như hiện nay… Hà Nội ta tốn tiền toi, nước vẫn ngập, hồ vẫn ô nhiễm…”, KTS Trần Huy Ánh. 

Tuy nhiên, vấn đề là phụ thuộc vào nguồn này cũng không ổn định về khối lượng cũng như chất lượng. Ví như khi mùa cạn thì lấy đâu nước đổ vào hồ Tây. “Chúng ta còn biết phải có kế hoạch xả nước hồ thủy điện Hòa Bình cho việc cấp nước cho nông nghiệp”, ông Ánh nói và cho rằng “nếu mùa cạn thì hồ Tây cũng không có nước thau rửa và gia tăng ô nhiễm”.

Bên cạnh đó, KTS Trần Huy Ánh đặt ra hàng loạt câu hỏi, “chúng ta có chắc chắn chất lượng nước sông Hồng là tốt không? từ đầu nguồn đến cuối nguồn có bị ô nhiễm không?” và cho rằng phải nghiên cứu kỹ, “tránh làm chộp giật”.

Đặc biệt, Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội nhấn mạnh: Bây giờ, phải đánh giá lại toàn bộ hệ thống thu gom và xử lý nước thải do JICA (Nhật Bản) lập cách đây 20 năm; hàng chục hệ thống xử lý nước thải đã đầu tư có hoạt động không?

Giai-cuu-ho-Tay-Khong-co-phep-phu-thuy-nao-giai-quyet-ngay-duoc-vi-sao-ca-chet-noi-trang-ho-tay-8-1545471048-width640height425.jpg?resize=640%2C425&ssl=1Hồ Tây đang phải đối mặt với vấn đề cạn kiệt mực nước và ô nhiễm môi trường nước rất đáng lo ngại do nguồn nước thải, rác sinh hoạt đổ vào hồ. Lớp trầm tích đáy hồ đã nhiều năm chưa được nạo vét. (Ảnh: Thành An)

“Sai lầm do quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải cần phải được phân tích và đặc biệt là chú ý xem tổ chức cá nhân nào đã liên quan nghiên cứu, thực hiện,  thẩm định, phê duyệt Quy hoạch này hay tới đây không cho tiếp tục tham gia, đề xuất những “tối kiến” tầm phào nữa”, KTS Trần Huy Ánh nói.

Đồng thời, KTS có nhiều năm nghiên cứu về Hà Nội cho biết, Hồ Tây ô nhiễm chỉ là một mắt xích trong chuỗi hệ sinh thái tuần hoàn nước của Hà Nội và nói rộng hơn là đồng bằng Bắc Bộ.

Theo đó, cần một giải pháp tổng thể an toàn nguồn nước cả vùng, một chiến lược bảo tồn và cân bằng nước nội địa (khi mà 80-90% nguồn nước phụ thuộc vào bên ngoài). “Như vậy là một kế hoạch tổng thể giữ nước và làm sạch nước chủ động. Một vấn đề rất quan trọng nhưng chúng ta không có… chỉ thấy những đề xuất tủn mủn, vụn vặt, tùy tiện, thiếu khoa học”, KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh.

Nguồn: http://danviet.vn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022