TS Trần Quốc Thái – Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng.
Trước tiên, xin hỏi ông: “Thế nào là đô thị xanh”?
– Có 2 khái niệm, một là đô thị xanh, hai là đô thị tăng trưởng xanh (TTX). Đô thị xanh nhấn mạnh sự quan tâm đến tác động của đô thị đến môi trường, còn đô thị TTX, theo định nghĩa của Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển OECD, là đô thị tạo ra sự tăng trưởng và phát triển kinh tế thông qua các chính sách và hoạt động đô thị làm giảm những tác động bất lợi đối với môi trường cũng như tác động đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên…
Như vậy, 2 khái niệm hơi khác nhau một chút. Hiện nay, chúng ta đang quan tâm đến vấn đề phát triển đô thị TTX, quan tâm đến việc tăng trưởng của đô thị có bền vững không, có giảm thiểu tác động đến môi trường không? Những mô hình phát triển kinh tế nhưng đánh đổi bằng việc hy sinh tài nguyên môi trường thì đó không phải là TTX.
Vậy, Nhà nước đã có những chính sách gì nhằm thúc đẩy phát triển đô thị TTX?
– Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về TTX (năm 2012) và Kế hoạch hành động quốc gia về TTX vào năm 2014. Trong lĩnh vực phát triển đô thị, ngày 19/01/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Kế hoạch phát triển đô thị TTX Việt Nam đến năm 2030” (tại Quyết định số 84/QĐ-TTg). Kế hoạch có mục tiêu chung là thúc đẩy chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế đô thị theo hướng TTX; Nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển kinh tế khu vực đô thị nhanh, hiệu quả, bền vững, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo; Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; Nâng cao năng lực chống chịu ứng phó biến đổi khí hậu của hệ thống các đô thị, đóng góp cho cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính…
Triển khai Quyết định 84/QĐ-TTg, ngày 19/6/2018 Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành kế hoạch triển khai “Kế hoạch phát triển đô thị TTX Việt Nam đến năm 2030” tại Bộ Xây dựng (Quyết định 820/QĐ- BXD). Trước đó, ngày 05/01/2018, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Thông tư 01/2018/TT- BXD “Quy định chỉ tiêu xây dựng đô thị TTX”.
Về phía các địa phương, đặc biệt là các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng cũng đã quan tâm đến vấn đề phát triển đô thị theo định hướng TTX. Một số các đô thị đã ban hành Chiến lược TTX và thích ứng biến đổi khí hậu như TP Hải Phòng, Cần Thơ. Các đô thị khác đang tiến hành nghiên cứu xây dựng đô thị TTX gồm Đà Nẵng, Bắc Ninh, Tam Kỳ…
Có thể hình dung đơn giản đô thị TTX sẽ phát triển như thế nào, thưa ông?
– Đô thị TTX có sự tham gia của rất nhiều bên khác nhau như chính quyền – DN, nhà đầu tư – người dân. Trong đó, chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước làm công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị TTX. DN, nhà đầu tư nghiên cứu và sản xuất, đưa ra thị trường các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ, vật liệu xanh, thân thiện với môi trường. Còn người dân có thể tham gia vào việc phát triển đô thị TTX từ những việc rất nhỏ như thay đổi thói quen, lối sống, thay túi nilon bằng túi giấy, thay cốc nhựa bằng cốc giấy, sử dụng tiết kiệm điện, nước…
Rất mừng là hiện nay thị trường đang khuyến khích sản xuất dịch vụ, sản phẩm theo hướng TTX.
Như ông vừa nói, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 01/2018/TT-BXD. Đây có phải là bộ chỉ tiêu để xác định đô thị xanh không?
– Thông tư 01/2018/TT-BXD đề cập 24 chỉ tiêu cho xây dựng đô thị TTX, chia thành 4 nhóm. Nhóm chỉ tiêu kinh tế, gồm 5 chỉ tiêu, nhằm đánh giá hiệu quả tăng trưởng kinh tế về sử dụng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên trong đầu tư xây dựng và phát triển đô thị.
Nhóm chỉ tiêu môi trường gồm 10 chỉ tiêu, nhằm đánh giá về chất lượng môi trường và cảnh quan đô thị, mức độ áp dụng các giải pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường và giảm thiểu ô nhiễm, giảm xả thải, phát khí thải nhà kính trong phát triển đô thị.
Nhóm chỉ tiêu về xã hội, gồm 4 chỉ tiêu, nhằm đánh giá về hiệu quả nâng cao chất lượng và điều kiện sống của người dân đô thị.
Nhóm chỉ tiêu về thể chế, gồm 5 chỉ tiêu, nhằm đánh giá về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền đô thị với công tác xây dựng đô thị TTX.
Thông tư cũng hướng dẫn các hoạt động ưu tiên xây dựng đô thị TTX, làm cơ sở định hướng cho các đô thị trong việc thúc đẩy xây dựng đô thị TTX cũng như thu hút, kêu gọi các nguồn lực đầu tư cho các đô thị…
Như vậy, Thông tư 01/2018/TT-BXD chỉ xác định đô thị cần theo dõi bao nhiêu khía cạnh và chỉ số để hàng năm so sánh với năm cơ sở của chính mình và tự đánh giá xem đô thị đang phát triển tiến lên hay thụt lùi, từ đó sẽ nhìn ra vấn đề của bản thân đô thị, thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hướng tới TTX. Đây là cách làm rất phổ biến trên thế giới hiện nay.
Hiện nay ở Việt Nam có những mô hình đô thị TTX nào được đánh giá cao?
– Mỗi đô thị có những khó khăn riêng trong việc thúc đẩy phát triển đô thị TTX. Đô thị lớn gặp thách thức vì quy mô lớn và tốc độ phát triển nhanh, phát thải lớn. Đô thị nhỏ thì khó khăn về nguồn lực…
Tuy nhiên, chúng ta cũng đang nhìn thấy một số điển hình tốt. Đà Nẵng đã trải qua một giai đoạn phát triển rất nóng, không xanh song hiện nay, TP đang nỗ lực để sửa chữa vấn đề này và đang có những giải pháp rất thú vị.
Các đô thị Rạch Giá, Huế, Tam Kỳ cũng đang triển khai quy hoạch đô thị xanh. Hà Nội thì đẩy mạnh dùng công nghệ giám sát quá trình phát triển của đô thị…
Việc phát triển đô thị TTX mới ở giai đoạn ban đầu, chưa có một đô thị nào thực hiện quy hoạch và quản lý theo hướng TTX chuẩn chỉnh ngay.
Phát triển đô thị TTX vĩ mô, vậy có thể chọn cách làm dễ hơn là phát triển từng dự án khu đô thị xanh, công trình xanh không, thưa ông?
– Như tôi đã đề cập, chỉ cần nỗ lực cố gắng thì ai cũng có thể góp phần vào xây dựng đô thị TTX. Bộ Xây dựng khuyến khích phát triển các dự án KĐT xanh như Ecopark (Hưng Yên), như TCty Viglacera. DN này đang nỗ lực phát triển KĐT xanh, VLXD xanh, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng…
Theo ông, để thúc đẩy phát triển đô thị TTX, cần phải làm những gì?
– Các đô thị cần sự chuyển dịch từ tư duy đến hành động trong việc tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển đô thị TTX. Đồng thời, cần nâng cao vai trò của cộng đồng DN, phát huy hiệu quả sự tham gia của các cấp chính quyền, cộng đồng và toàn xã hội trong công tác xây dựng đô thị TTX…
Đây là quá trình với nhiều khó khăn, thách thức, do đó cần có sự kiên trì, bền bỉ của các đô thị.