Từ lâu, rượu bia đã được coi là một thứ thức uống không thể thiếu trong các bữa tiệc, bữa ăn mừng, bất kể dịp nào. Điều này càng đúng hơn vào ngày Tết. Với quan niệm uống để tiễn một năm cũ vừa qua đi và chào đón năm mới tới với nhiều điều may mắn, thành công, mọi người thường tay bắt, mặt mừng, mời nhau ly rượu, lon bia.

Dù vậy, giống như bất kỳ thực phẩm nào khác, việc tiêu thụ sai cách rượu bia cũng có thể gây hại cho sức khỏe, đặc biệt nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra các tác hại lớn của những loại đồ uống này đến sức khỏe nếu lạm dụng. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe nhưng cũng không làm mất vui ngày Tết, dưới đây là những điều cần tránh được chuyên gia chia sẻ để bạn có thể hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe khi uống rượu bia ngày Tết.

photo-1-1705468003078183376068.jpg

Ảnh minh họa: Freepik

1. Không ăn trước khi uống rượu

"Tuyệt đối không uống rượu bia khi bụng đang đói, bởi vì khi dạ dày và ruột trống rỗng thì gần như toàn bộ lượng rượu bia chúng ta uống vào sẽ được cơ thể hấp thu nhanh chóng, hoàn toàn. Việc tăng đột ngột lượng cồn trong máu không những gây ra những tác hại trên gan mà còn ảnh hưởng xấu tới tim, dẫn đến hội chứng rối loạn nhịp tim do say rượu hay còn gọi là hội chứng trái tim kỳ nghỉ lễ", bác sĩ Nguyễn Hải Đan, chuyên khoa Nội tổng quát giải thích.

Đối với một người khỏe mạnh không nghiện rượu, sau 12 giờ sau rượu, nhịp tim có thể tăng lên 17%. Và mặc dù 90% người có hội chứng trái tim kỳ nghỉ lễ này có thể tự hồi phục sau 12-24 tiếng mà không cần can thiệp, chỉ cần theo dõi nhưng vẫn có 10% còn lại sẽ xảy ra các biến chứng rất nặng. Chúng ta không thể biết rằng mình đang rơi vào nhóm nào trong 2 nhóm này, bác sĩ Hải Đan cảnh báo.

"Việc chúng ta uống rượu bia khi bụng đói cũng giống như bạn đang để cho gan ngái ngủ và tấn công gan bằng một cú knock out (hạ đo ván). Vì vậy, khi uống rượu bia vào bất cứ thời điểm nào cũng hay cố gắng đảm bảo bạn có một bữa ăn ngay trước khi uống".

2. Không uống nhiều nước trước và sau khi uống rượu

Nước sẽ giúp pha loãng nồng độ cồn trong máu, làm tăng quá trình phân giải rượu, tăng thải những sản phẩm độc do cồn gây ra qua phân và nước tiểu. Rượu và bia thực chất có tác dụng giống như một chất lợi tiểu, vì vậy nó sẽ khiến cho cơ thể chúng ta bị mất nước, rối loạn điện giải và dẫn đến rối loạn nhịp tim, tạo ra một vòng luẩn quẩn.

"Việc uống đủ nước sẽ bù lại lượng nước cơ thể đã bị mất", bác sĩ Hải Đan khẳng định.

3. Pha trộn các loại rượu với nhau 

Việc pha trộn các loại rượu hoặc uống rượu bia cùng các loại nước ngọt, nước có ga, nước có chất kích thích khác sẽ làm tăng tốc độ hấp thu cồn vào trong máu. Thay vào đó, bạn nên uống rượu bia kèm nước lọc, nước chanh, trà xanh để làm giảm các triệu chứng khó chịu do say rượu gây ra.

4. Uống vô độ, không chú ý đến ngưỡng an toàn

Khi có tâm trạng vui vẻ, nhiều người sẽ uống rượu bia quá khả năng của cơ thể. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một ngày nam giới không nên uống quá 2 ly và nữ là không quá 1 ly (1 ly tương đương với 350ml bia hoặc 150ml rượu vang hoặc 45ml rượu mạnh).

Bác sĩ Hải Đan giải thích: "Đây là ngưỡng mà gan có thể chịu được để chuyển hóa và tùy vào tình trạng sức khỏe tổng thể của gan, chẳng hạn người gan yếu, có bệnh lý về gan (viêm gan, suy gan, xơ gan...) thì tốt nhất đừng nên đụng vào rượu bia. Trong vòng 1 tuần, bạn nên dành ra 2 ngày không động vào thức uống có cồn để gan có thời gian kịp thở, tái tạo những tế bào đã bị hư hỏng".

5. Uống Paracetamol trị đau đầu do say rượu

Rượu bia và paracetamol đều được chuyển hóa tại gan và tạo ra những chất độc gây hại. Sử dụng chung 2 thứ này có thể làm hủy tế bào gan, làm tăng men gan và dẫn đến viêm gan, xơ gan, thậm chí là ung thư gan.

Bên cạnh đó, bác sĩ nhắc nhở mọi người không nên uống rượu chung với những loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm.

5 lưu ý khi uống rượu bia ngày Tết để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022