Trong khi bạn bè đã lập gia đình cách đây gần chục năm, sinh 1-2 đứa con, tôi mới lên xe hoa. Mẹ tôi luôn nói, tôi là đứa con gái có tính cách mạnh mẽ hơn cả đàn ông. Bà lo tôi sau này sẽ vất vả trong hôn nhân.
Tôi cũng chẳng biết nhận xét của mẹ đúng hay sai. Bản thân tôi luôn nghĩ, cuộc sống phải ổn định trước mới nghĩ tới chuyện trăm năm. Tôi là chị cả trong nhà, dưới tôi còn hai em - một trai, một gái. Từ nhỏ, tôi đã xác định khi trưởng thành sẽ phụ giúp bố mẹ lo cho các em.
3 năm đầu ra trường, tôi dành gần hết số tiền mình làm được góp với bố mẹ lo cho hai em ăn học. Em trai thứ hai của tôi học giỏi, khá năng động. Nó tự xin được học bổng đi du học ở nước ngoài. Em gái học kém hơn một chút nhưng vẫn đỗ vào đại học. Học xong ra trường đi làm được hai năm thì lấy chồng.
Riêng tôi, bố mẹ giục mãi cũng chẳng vội. Nhìn cảnh bạn bè mới ra trường cưới sớm, kinh tế chưa ổn, đi thuê nhà hết năm này qua tháng khác, tôi có chút ái ngại.
Sau nhiều năm dành dụm, tôi cũng mua được căn nhà cho riêng mình (Ảnh minh họa: Pinterest).
Tôi không bài xích chuyện lập gia đình sớm, cũng không có ý chê lựa chọn của mọi người bởi gặp nhau đôi khi là do duyên số, mình là người ngoài không nói mạnh được. Tuy nhiên, tôi chỉ sợ mình không chịu được việc có quá nhiều áp lực trên vai cùng một lúc như vừa lập gia đình, sinh con, lo mua nhà, trả nợ…
Vì vậy, tôi đặt mục tiêu khi tiết kiệm được kha khá, mua được nhà mới tính yêu đương, kết hôn. Tôi cũng từ chối vài ba lời tỏ tình vì muốn tập trung cho công việc.
Tôi học ngành truyền thông. Từ ngày còn đi học, ngoài ngành học chuyên môn, tôi đã rất đầu tư cho ngoại ngữ. Vì vậy, khi ra trường, tôi xin vào làm cho một tập đoàn truyền thông đa quốc gia với mức thu nhập khá cao. Ngoài giờ, tôi tranh thủ dạy luyện thi IELTS, biên dịch…
Sau nhiều năm tích góp, cùng một số tiền nhỏ bố mẹ cho và vay nợ một ít, tôi cũng mua được một căn hộ 3 tỷ đồng. Căn hộ có 2 phòng ngủ, 2 phòng vệ sinh, phù hợp với một gia đình trẻ. Khi đã an cư, tôi nghĩ đến việc mở cửa lòng mình để đón nhận tình cảm của người khác.
Bạn trai tôi là kỹ sư xây dựng, kém tôi 2 tuổi. Anh cũng là người ngoại tỉnh như tôi nên không có nhà ở Hà Nội. Tuy nhiên với tôi, việc anh không có nhà không quá quan trọng bởi tôi tìm thấy ở anh tình yêu, cảm giác tin tưởng. Anh cũng là người rất có chí tiến thủ.
Trước ngày cưới hai tháng, tôi đã trả hết nợ tiền nhà. Anh có gợi ý góp tiền để tôi trả nợ dù chưa là vợ chồng, nhưng tôi không đồng ý vì số tiền không phải quá lớn.
Sau ngày cưới, chồng đưa cho tôi xem sổ tiết kiệm của anh, số tiền hơn nửa tỷ đồng. Tuy nhiên, tôi nói anh cứ cất đi vì hiện tại, chúng tôi chưa có việc gì cần dùng đến.
Nhà chồng tôi có 3 anh em. Người em út đang học đại học và thuê nhà ở Hà Nội. Sau khi chúng tôi cưới được hơn một tháng, mẹ chồng có gọi chúng tôi về và đưa ra vài gợi ý. Nói là gợi ý nhưng thực chất qua cách nói chuyện, tôi thấy mẹ chồng như muốn áp đặt tôi vào suy nghĩ của bà.
Bà nói rằng, đầu năm nay, chúng tôi nên đưa em trai về nhà mình ở. Hiện em đi thuê trọ bên ngoài mỗi tháng tiêu tốn tới 2 triệu đồng. Ngoài ra, căn nhà chúng tôi đang ở, tôi cũng nên làm thủ tục để công nhận đó là tài sản chung đứng tên hai vợ chồng. Theo mẹ chồng, điều này sẽ khiến chúng tôi thêm gắn bó, khăng khít.
Đề nghị của mẹ chồng khiến tôi khá bất ngờ, chồng cũng không kịp phản ứng vì anh chưa được thông báo. Tôi chưa trả lời mẹ chồng vội mà xin phép để hai vợ chồng bàn bạc. Tôi thấy mẹ chồng không được vui vẻ cho lắm.
Tôi không biết mẹ chồng đưa ra đề xuất như vậy là nghĩ cho chúng tôi hay là có một mong muốn nào khác? Bản thân tôi cũng bối rối không biết nên ứng xử thế nào?
Theo Dân Trí