Tôi năm nay 35 tuổi, kết hôn được tròn 10 năm. Hồi chưa kết hôn, tôi và chồng trải qua thời gian 6 tháng yêu nhau, cả hai muốn chung sống bên nhau trọn đời nên đã đi đến hôn nhân.
Quyết định này dựa trên nguyện vọng của cả hai, khi mà đã tìm hiểu kỹ về con người, gia cảnh của nhau. Bởi vậy, lấy nhau đồng nghĩa là chấp nhận những thử thách, khó khăn ban đầu.
Cả tôi và chồng đều tốt nghiệp đại học, có công việc tử tế. Anh ấy làm nhân viên kỹ thuật cho một công ty chuyên về các thiết bị điện lạnh. Còn tôi là nhân viên văn phòng của công ty cung cấp văn phòng phẩm.
Sau 5 năm, chúng tôi đã có nhà riêng, là căn hộ tập thể cũ, đủ chỗ cho gia đình nhỏ ở. Dù chật hẹp, nhưng đó cũng là mơ ước bấy lâu của hai vợ chồng đã thành hiện thực.
Có nhà, có công việc, những tưởng cuộc sống cứ thế mà êm đềm trôi đi. Trước đây, muốn mua gì là vợ chồng tôi lên kế hoạch từ trước, tiết kiệm từng đồng hoặc mua trả góp. Nhờ vậy mà nhà cửa cũng không thiếu thốn những thứ gì đáng kể, có các thiết bị phục vụ đời sống. Hai vợ chồng đều hài lòng về những thứ mình đã có, dẫu không bằng ai thì cũng có nơi ở, có việc làm.
Hơn một năm trở lại đây, tình hình có vẻ khác trước rất nhiều. Hai vợ chồng đi làm chăm chỉ, còn làm thêm những lúc rảnh, nhưng mọi thứ chi tiêu càng đắt đỏ.
Hai con đi học, chi phí học hành, đi học thêm, các khoản thăm hỏi, hiếu hỉ liên miên làm cho kinh tế gia đình giảm sút. Tôi cố gắng chắt chiu từng đồng, nhưng thu nhập của hai vợ chồng chỉ khoảng 15 triệu đồng, trong khi đó biết bao khoản phải chi tiêu.
Sống 10 năm với nhau, chồng bỗng dưng đổ lỗi khó khăn là do lấy vợ nghèo. Ảnh minh họa
Có nhiều lúc tôi cũng muốn làm thêm, bán hàng online, nhưng không có thời gian. Hàng ngày việc ở công ty nhiều, lại phải hay về muộn. Về đến nhà là cơm nước, lo cho con đi học thêm, ôn kèm con học… Nên không muốn an phận thì cũng đành phải chấp nhận.
Đã thế chồng tôi lại mải mê rượu bia, làm xong việc là tụ tập bạn bè, đồng nghiệp ngồi nhậu đến nửa đêm mới về.
Thiếu thốn về tiền bạc, mỗi lần than thở lại bị chồng mắng mỏ làm tôi ấm ức. Anh ấy cho rằng mọi việc chi tiêu là của vợ, anh ấy chỉ biết đưa đủ lương cho vợ, các khoản tiền thưởng, làm thêm giờ được giữ lại chi tiêu.
Thường xuyên tôi phải vay mượn tiền để chi tiêu, đóng tiền học cho con. Nhiều lúc một mình mà tủi thân, bằng này tuổi rồi trong khi nhiều người họ có nhà cao cửa rộng, xe ô tô, tiền tiêu thoải mái, còn mình thì làm không đủ tiêu, gia đình lục đục.
Cũng vì tiền nong mà vợ chồng hay xảy ra cãi vã, chồng không có tiền nhưng sĩ diện rất cao. Anh ấy lúc nào cũng phải tỏ ra hào phóng, chơi đẹp với người bên ngoài. Tiền không có lại bắt vợ đi vay mượn, có hôm nửa đêm còn gọi điện ép tôi phải vay tiền rồi chuyển cho anh ta gấp để trả tiền ăn nhậu, đi hát karaoke.
Tôi góp ý thì chồng giở tính giận dỗi, vùng vằng trách móc: "Tôi cũng phải có bạn bè, có anh em, ngoại giao bên ngoài. Mời họ bữa bia, bữa hát cũng đáng là bao nhiêu. Nếu cô không thích thì từ mai tôi ở nhà, cả ngày nằm xem tivi không tiêu một đồng cho cô vừa lòng nhé".
Chưa hết, chồng còn đổ lỗi cho sự túng thiếu, nghèo khổ của hiện tại là lỗi của vợ: "Cô ăn tiêu quá tay còn trách ai? Nếu cô giỏi chi tiêu, dạy con học tốt thì cần gì phải tốn tiền cho con đi học thêm.
Tôi nghèo khổ thế này là do lấy cô đấy. Trước đây mấy đứa nó thích tôi, toàn đứa xấu chút nhưng nhà giàu, lắm đất. Tôi mà lấy mấy đứa đấy, giờ có mà thành đại gia rồi. Tự dưng đi lấy cô nhà nghèo, nhà ngoại không cho nổi một xu".
Cả năm nay tôi nghe chồng chê vợ nhà nghèo khiến tôi khổ tâm. Bao nhiêu năm yên ổn, giờ thành ra lại như thế này. Áp lực tiền bạc, ấm ức vì chồng thiếu tôn trọng.
Tôi phải làm thế nào để thoát khỏi tình cảnh éo le như thế này? Tôi có nên thẳng thắn góp ý với chồng, hay là xem xét đến chuyện ly hôn?
Theo Sức Khỏe Đời Sống