Không tin mình bị suy thận giai đoạn cuối

Cách đây 5 năm, ông N.V.T (khi đó 49 tuổi, tại Long Biên, Hà Nội) hay bị đau đầu. Ông kể mỗi đôi khi cơn đau xuất hiện, ông tự uống hai viên thuốc giảm đau là hết. Uống xong thấy sức khỏe bình thường trở lại nên ông T cũng không nghĩ tới mắc bệnh nặng để đi khám. Ông đoán lý do là áp lực công việc.

Tuy nhiên, vào một ngày uống thuốc không hết đau, ông đã quyết định đi khám. Lúc này, ông được chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối, phải chạy thận 3 lần/tuần.

"Ngày hôm đó tôi đau đầu nhiều, uống hết một vỉ giảm đau không đỡ nên tôi đã xin nghỉ việc để đi khám bệnh. Khi tôi đi khám, bác sĩ nói tôi bị suy thận giai đoạn cuối trên nền tăng huyết áp. Được bác sĩ thông báo vậy tôi còn không tin vì trước đó tôi khỏe mạnh, năm nào công ty cũng cho đi khám sức khỏe 1 năm/lần", ông T chia sẻ.

photo-1-1720084751566623126869.jpeg

Bác sĩ đang thăm khám cho ông T (ảnh N.M).

Sau gần 1 năm điều trị chạy thận, ông T mới chấp nhận sự thật là thận của mình đã suy hỏng.

Khi đi viện, có nhiều thời gian sắp xếp lại mọi thứ, ông T cảm thấy rất hối hận vì quãng thời gian vừa qua đã không quan tâm tới sức khỏe. Khi đổ bệnh, ông T mới thấy có tiền cũng không mua được sức khỏe.

Hiện nay, ông T đã thay đổi lối sống. Ông ăn theo chế độ bệnh lý riêng, bỏ rượu bia – thuốc lá. Ông cũng tăng cường vận động thể thao, sáng nào cũng dạy sớm chạy bộ.

"Giờ không còn sức khỏe như trước, tôi phải ăn kiêng khem. Trước tôi thích ăn thịt chó lắm nhưng giờ cũng phải từ bỏ. Thực phẩm có hàm lượng kali cũng phải kiêng, không ăn nhiều", ông T chia sẻ.

Lời nhắn nhủ tới giới trẻ để phòng suy thận

Ông T muốn nhắn nhủ với người trẻ 3 điều để phòng suy thận. Đầu tiên, ông khuyên giới trẻ nên hạn chế sử dụng nước ngọt và đồ chiên rán.

"Hiện nay, tôi thấy có hai thứ giới trẻ đăng mắc phải nhiều làm tăng nguy cơ suy thận, đó là nước ngọt và đồ chiên rán. Từ lúc suy thận, tôi đọc nhiều tài liệu suy thận thì biết hai thứ đó tác động tới thận rất lớn. Trước kia, tôi nghĩ già mới suy chức năng thận. Nhưng khi đi chạy thận, tôi mới thấy rất nhiều bạn trẻ hơn tôi đã bị suy thận", ông T nói.

Thứ hai, ông T khuyên mọi người nên quan tâm tới sức khỏe của mình hơn, cần phải đi khám định kỳ. Thứ ba, trong ăn uống, mọi người nên tiết chế, ăn cân bằng dinh dưỡng và kết hợp với lối sống năng động.

Theo các bác sĩ, suy thận có nhiều nguyên nhân, trong đó suy thận do tăng huyết áp chiếm khoảng 65 - 85%. Tăng huyết áp và suy thận có mối quan hệ vòng xoắn bệnh lý.

Tình trạng huyết áp cao không kiểm soát kéo dài sẽ làm tổn thương và phá hủy các mạch máu trong cơ thể, làm giảm lượng máu cung cấp đến thận và các cơ quan khác. Huyết áp cao cũng phá hủy bộ lọc cầu thận, làm giảm chức năng thận. Lúc này, thận không thể loại bỏ các chất cặn bã, độc hại, dư thừa ra ngoài theo đường tiểu. Khi có quá nhiều nước ứ đọng trong hệ mạch máu sẽ khiến huyết áp càng tăng cao hơn. Người bệnh suy thận kèm huyết áp cao sẽ thúc đẩy bệnh tiến triển nặng hơn, có khả năng biến chứng suy thận mạn.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022