Thông tin trên được TS.BS Ngô Đức Hiệp - Trưởng khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, BV Chợ Rẫy cho biết trong chiều 20/2.
Sau 1 tháng xảy ra tai nạn bị lóc da đầu, sức khỏe của chị O. hồi phục rất tốt
Theo đó, bệnh nhân là chị P.T.K.O (SN 1996, quê Tây Ninh), trong lúc đến nhà máy làm việc, do sơ suất nên không đội mũ bảo hộ, tóc của chị O. bị cuốn vào máy kéo sợi gây lóc toàn bộ da đầu, đứt một phần vành tai bên trái. Được mọi người hỗ trợ, sau 2 lần chuyển tuyến từ các bệnh viện, chị O. đến BV Chợ Rẫy sau 3 giờ từ lúc xảy ra tai nạn. Đặc biệt, trong lúc chị O. được đưa đi cấp cứu, đồng nghiệp đã lấy mảng da đầu bị lóc bỏ vào túi nylon buộc lại rồi cho vào thùng đá để chuyển đến bệnh viện, đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho ca ghép lại da đầu được thành công.
"Bệnh nhân cần ghép da trong thời gian vàng là 6 giờ đầu sau tai nạn, bệnh viện đã kích hoạt báo động đỏ, vi phẫu cấp cứu ghép nối lại mảng da đầu đứt rời thành công. Ca phẫu thuật trong 4.5 giờ đồng hồ dưới sự hỗ trợ của hệ thống kính hiển vi", TS.BS Ngô Đức Hiệp nói.
Theo BS Hiệp, việc mạch máu dập nát gần như toàn bộ khiến quá trình bảo tồn và ghép nối gặp nhiều khó khăn, nhất là trước khi vi phẫu, ê-kíp y bác sĩ mất nhiều thời gian để xử lý mảng da dầu rời bị lóc ra.
TS.BS Ngô Đức Hiệp chia sẻ về quá trình phẫu thuật và theo dõi hậu phẫu của chị O., đây là 1 trong những ca bị lóc da đầu hiếm hoi được nối lại da thành công
"Mỗi năm bệnh viện tiếp nhận 8-10 ca lóc da đầu nhưng vì nhiều yếu tố như bệnh nhân ở tỉnh xa, sơ cứu không đúng cách, đến viện trễ... nên không phẫu thuật nối được. Đây là một trong những ca lóc da đầu được ghép thành công", BS Hiệp chia sẻ.
Sau khi phẫu thuật thì da đầu bệnh nhân bị tím do mạch máu tắc nghẽn phải sử dụng thuốc kháng đông, phải mất 1 tuần sau thì da đầu bệnh nhân mới đáp ứng tốt. Hiện tại tóc của bệnh nhân đã mọc lại, vành tai trái cũng đã liền.
Dù trải qua rất nhiều khó khăn trong việc tìm và nối mạch máu, chăm sóc hậu phẫu nhưng điều may mắn lớn nhất của bệnh nhân là thời gian đến viện sớm, mảng da đầu bị lóc đã được bảo quản đúng cách. Nếu để qua 6 giờ đầu, cơ hội sống của mảnh da sau ghép không còn nhiều khi tỷ lệ hoại tử tăng dần vì càng lâu thì bị mất mạch máu nuôi càng nhiều.
BS.CK2 Phạm Thanh Việt cho biết quá trình sơ cứu, bảo quản chi thể bị đứt rời vô cùng quan trọng
Chia sẻ thêm về trường hợp này, BS.CK2 Phạm Thanh Việt - Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, BV Chợ Rẫy cho biết việc người dân gặp những tai nạn trong lao động, sinh hoạt rất nhiều nên cần phải biết cách sơ cứu đúng cách. Trong trường hợp bị lóc da đầu, phần da đầu bị lóc cần phải bỏ vào túi nylon và cột lại sau đó mới cho vào thùng nước đá, không được bỏ trực tiếp chi thể vào nước đá bị dễ gây hỏng các bộ phận này.
"Bệnh nhân may mắn vì được đồng nghiệp bảo quản mảng da đầu bị lóc đúng cách, nếu không thì việc điều trị về sau sẽ rất khó khăn, nguy cơ không thể mọc tóc được", BS Việt chia sẻ.
Có mặt tại buổi họp báo, chị O. cho biết rất vui mừng khi bản thân may mắn được các y bác sĩ cứu chữa kịp thời, ghép thành công mảng da đầu bị lóc. Hiện tại sức khỏe của chị O. hồi phục rất tốt, phần tóc đã mọc lại, các vết nối phẫu thuật trên khuôn mặt cũng dần lành lại.