
Đã có ai phải trải qua cảm giác bản thân và những người máu mủ với mình đứng ở 2 đầu chiến tuyến, coi nhau như quân thù quân địch chưa? Tôi thì rồi.
Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác lạnh lùng khi đứng trước mặt chị gái mình, nghe chị quát vào mặt tôi: "Mày đừng có mà mơ! Tiền đó là của tao, tao không trả đâu!" Mẹ tôi đứng ngay đó, nhưng bà chỉ im lặng, thậm chí còn liếc nhìn tôi với ánh mắt như thể tôi là kẻ đang làm phiền họ.
Đó là khoảnh khắc tôi chính thức nhận ra một sự thật đau lòng mà tôi luôn cố gắng gạt nó ra khỏi đầu, đó là gia đình ruột thịt của tôi chưa bao giờ thực sự yêu thương tôi. Thậm chí chẳng coi tôi bằng nổi người dưng nước lã.
Từ nhỏ, tôi đã là "của nợ" trong nhà. Chị gái tôi hơn tôi ba tuổi, nhưng chị luôn đối xử với tôi như một kẻ thù. Những trận đánh, những lời chửi rủa, những lần chị cố tình làm hỏng đồ đạc của tôi rồi vu oan cho tôi trước mặt bố mẹ… Nhiều khi chẳng vì lý do gì đâu, chỉ là vì chị thích bắt nạt kẻ không có năng lực phản kháng là tôi mà thôi.
Nhưng điều khiến tôi tổn thương nhất không phải là sự độc địa của chị gái, mà là thái độ của bố mẹ tôi. Mỗi lần tôi khóc, mẹ chỉ cười nhạt. Bố tôi thì lạnh lùng: "Ai làm gì mày mà phải gào cái mồm lên?". Họ không bao giờ bênh tôi, không bao giờ lắng nghe tôi.

Dần dần, tôi hiểu được vị trí của mình trong cái nhà ấy.
Năm tôi lấy chồng, tưởng rằng cuộc đời sẽ sang trang mới, nhưng không ngờ, chính gia đình ruột thịt lại đẩy tôi vào bẫy. Mẹ và chị gái tôi nói rằng họ cần vay gấp 300 triệu để đóng viện phí cho bà ngoại, họ dàn cảnh và thao túng tâm lý giỏi lắm, tôi của năm đó vừa ngây ngô dại dột lại vừa ở vị trí thấp cổ bé họng, luôn luôn sợ hãi. Lúc đó, tôi vừa có một khoản tiền tiết kiệm nhờ làm thêm và buôn bán nhỏ nhiều năm nên đã đồng ý chuyển số tiền đó cho chị và mẹ.
Nhưng một năm qua đi, rồi hai năm, ba năm… chẳng ai có ý định trả tôi số tiền đó. Mỗi lần tôi nhắc đến tiền, chị gái tôi lại cáu kỉnh: "Mày cứ đòi như thể tao ăn không ăn hỏng của mày ấy! Bố mẹ nuôi mày bao nhiêu năm, chả lẽ cũng đòi nhằng nhặng như mày à?" Mẹ tôi thì thở dài: "Sống phải có tình có nghĩ, mấy đồng tiền thôi sao mày phải cạn tàu ráo máng thế?"
Tôi bị dồn vào thế bí. Chồng tôi không biết chuyện này vì tôi quá xấu hổ và tủi thân để anh biết về cuộc sống chẳng ra gì của mình. Thật sự, có những lúc tôi chấp nhận, coi như mất trắng. Thế nhưng tiền là 1 chuyện, còn là cảm xúc bị lợi dụng, bị coi như đồ bỏ đi nữa. Có đêm tôi khóc đến nghẹt thở, tự hỏi tại sao người thân lại có thể tàn nhẫn với mình như vậy?
Mọi chuyện chỉ thay đổi khi mẹ chồng tôi phát hiện ra sự thật. Một hôm, bà hỏi thẳng: "Mẹ vô tình đọc được tin nhắn thấy nhà bên ấy bảo là sẽ không trả tiền cho con? Thế chuyện là ra làm sao?" . Tôi không nhịn được nữa, đã kể hết cho bà nghe.
Tôi không ngờ mẹ chồng tôi lại phản ứng mạnh mẽ đến thế. Bà nói: "Không thể chấp nhận được! Máu mủ mà lừa gạt nhau, đối xử với nhau như thế á?" Rồi bà quyết định cùng tôi về nhà đối chất.
Cảnh tượng hôm đó tôi sẽ không bao giờ quên. Mẹ chồng tôi nói thẳng với mẹ đẻ tôi: "Chị coi, con bé nó cũng là con chị, sao chị lại đối xử như vậy? Tôi thì chẳng may mắn như chị, có mỗi 1 mụn con nên tôi thương con bé này như con gái tôi. Mà nếu nó đã là con tôi thì tôi không bao giờ để cho ai bắt nạt nó hết. Nếu chị không trả tiền, tôi sẽ đưa chuyện này lên mạng xã hội, để mọi người biết chị đối xử với con ruột thế nào! Tin nhắn đòi quỵt tiền rồi chửi bới, lăng mạ con bé vẫn còn đây, tôi lưu lại hết rồi".
Mẹ tôi đỏ mặt, chị gái tôi thì cãi lại nhưng không dám to tiếng. Cuối cùng, họ đành phải đồng ý trả tiền, dù ánh mắt họ nhìn tôi đầy hằn học.
Giờ đây, tôi đã lấy lại được tiền, nhưng những vết thương trong lòng thì vẫn còn đó. Tôi biết mẹ chồng thương tôi nhưng cảm giác hụt hẫng khi bị người thân thiết nhất đối xử tàn tệ không dễ dàng gì mà quên đi được.
Tôi không còn kỳ vọng gì vào tình cảm từ mẹ và chị gái nữa. Thế nhưng, có lẽ đúng là ông trời chẳng lấy hết của ai tất cả, tôi biết giờ mình may mắn vì có một gia đình khác – nơi chồng tôi luôn yêu thương, mẹ chồng tôi coi tôi như con gái ruột.
Có lẽ, cuộc đời này công bằng theo cách riêng của nó. Khi một cánh cửa đóng lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra.