Một người mẫu chụp ảnh giữa bãi rác thời trang - Ảnh: WTVOX
Gần đây, một số nhãn hàng gắn kèm những chỉ số đánh giá mà họ tự cho là uy tín để chứng minh họ đang "xanh hóa", hay sản xuất nhiều sản phẩm "bền vững". Nhưng các hành vi này bị đánh giá là "tẩy xanh".
Theo Vogue, tẩy xanh đôi khi chỉ là cách các nhãn hàng "quét nước sơn xanh" để bán được nhiều quần áo hơn.
Chữ "nhanh" không phải trò đùa
Có rất nhiều cách để thời trang nhanh từng bước phá hoại môi trường.
Thuốc nhuộm dệt là chất gây ô nhiễm nước lớn thứ hai thế giới (chỉ sau thuốc trừ sâu), được sử dụng rộng rãi trong trồng bông, gây ô nhiễm đất và nước ngầm. Những hóa chất này có thể rò rỉ vào đường nước và gây rủi ro lớn về sức khỏe cho cộng đồng.
Theo Business Insider, sản xuất thời trang nhanh chiếm 10% tổng lượng khí thải carbon toàn cầu, nhiều ngang với... Liên minh châu Âu. 85% hàng dệt may bị đổ đi mỗi năm. Việc giặt quần áo thải ra 500.000 tấn sợi nhỏ vào đại dương mỗi năm, tương đương với 50 tỉ chai nhựa.
Vào năm 2012, Zara thiết kế, sản xuất và cung cấp một bộ quần áo mới trong 2 tuần, Forever 21 trong 6 tuần và H&M trong 8 tuần. Do đó, ngành công nghiệp thời trang tạo ra một lượng chất thải khủng khiếp.
Do lịch sử không mấy tốt đẹp trong việc ứng xử với môi trường, nhiều hãng thời trang nhanh nổi tiếng đã chuyển hướng sản xuất và tiếp thị các sản phẩm "thân thiện với môi trường", "bền vững hơn".
Họ dựa vào những chỉ số thoạt nghe rất thuyết phục. Họ gọi những sản phẩm này là "xanh", nhưng quá trình sản xuất có thực sự xanh và bền vững hay không thì vẫn là ẩn số và tranh cãi.
4 cách tẩy xanh phổ biến (theo Green Queen)
- Phát hành dòng sản phẩm "bền vững" nhưng số lượng quá nhỏ bé so với những sản phẩm không bền vững và vẫn đang sinh lời của thương hiệu
- Phát hành dòng sản phẩm bền vững nhưng không có dữ kiện hoặc số liệu uy tín
- Quảng bá bằng những thông điệp mâu thuẫn như "mua sắm và cứu lấy hành tinh"
- Phóng đại quá mức các nỗ lực về đạo đức hoặc môi trường, ví dụ như tạo ra các sản phẩm polyester tái chế nhưng không trả mức lương đủ sống cho công nhân
"Tẩy xanh" - xanh nhưng không xanh
Yahoo News phân tích vụ "gã khổng lồ" H&M đang đối mặt với vụ kiện về tẩy xanh khi Chelsea Commodore đệ đơn khiếu nại lên Tòa án liên bang New York, với tuyên bố rằng hãng thời trang của Thụy Điển đã quảng bá sản phẩm là "thân thiện với môi trường" trong khi chúng không hề thân thiện với môi trường.
Chelsea Commodore cho rằng H&M đã quảng bá các sản phẩm "bền vững" bằng những "thẻ điểm môi trường", sau đó lại bỏ đi vì bị phản đối. Hãng cho biết các sản phẩm bền vững này được sản xuất với lượng nước ít hơn 20%, trong khi một điều tra độc lập cho rằng tuyên bố này sai sự thật.
Sự việc vẫn chưa ngã ngũ nhưng rõ ràng, rất khó để một hàng thời trang nhanh - thuộc ngành công nghiệp vốn khét tiếng là gây hại cho môi trường - tự dán nhãn là "xanh" hay "bền vững".
Tại Mỹ và một số quốc gia châu Âu, không dễ để các nhãn hàng tự dán nhãn "xanh" hay "bền vững". Nếu không hướng dẫn hoặc cơ sở đánh giá từ các cơ quan nhà nước thì luôn có dư luận theo dõi và những hội nhóm độc lập giám sát.
Good On You là một tổ chức như vậy. Với khẩu hiệu "thời trang có đạo đức", Good On You hướng đến việc giám sát, cung cấp thông tin cho người dùng về sự ảnh hưởng của các thương hiệu đối với con người, động vật và Trái đất. Tổ chức này cũng cung cấp những chỉ dẫn cho người tiêu dùng những tiêu chí, dấu hiệu để nhận diện "tẩy xanh".
Diễn viên kỳ cựu Emma Thompson kêu gọi bài trừ tẩy xanh vì nó đang "giết chết hành tinh" - Ảnh: The Guardian
Thời trang chậm là giải pháp?
Theo trang Earth.org, thời trang chậm có thể là đối trọng của thời trang nhanh trong bức tranh môi trường, vì có thể giúp chống lại tình trạng sản xuất quá độ, chuỗi cung ứng quá phức tạp và tiêu dùng vô tâm, ủng hộ việc sản xuất tôn trọng con người, môi trường và động vật.
Viện Tài nguyên thế giới gợi ý rằng các công ty cần thiết kế, thử nghiệm và đầu tư vào các mô hình kinh doanh tái sử dụng quần áo và tối đa hóa thời gian sử dụng.
Nữ diễn viên gạo cội Emma Thompson cùng Tổ chức Greenpeace và 30 tổ chức xã hội khác đang kêu gọi cho điều luật cấm quảng cáo và tài trợ nguyên liệu hóa thạch ở châu Âu.
Sự thực là những doanh nghiệp như vậy vẫn đang xuất hiện đầy rẫy qua những mẩu quảng cáo quen thuộc. Họ tài trợ cho các bảo tàng, trường đại học và những sự kiện, câu lạc bộ thể thao nổi tiếng.
Năm ngoái, bên lề Tuần lễ Thời trang London, tổ chức Changing Markets Foundation đã ra mắt trang web Greenwash.com để nêu bật một loạt chiến thuật "tẩy xanh" của ngành công nghiệp thời trang.
Trang web cung cấp những dấu hiệu tẩy xanh, không chỉ từ quá trình sản xuất mà còn quá trình đóng gói, bao bì và vận chuyển. Rõ ràng, để người ta làm đúng thì bước đầu tiên là phải cho biết thế nào là làm sai.
Thời trang xanh là con đường không hề dễ dàng và không thể có bước chân của những ai làm nửa vời.
TTO - Ăn chắc mặc bền đang được nhiều bạn trẻ làm theo, khi nói không với thời trang mì ăn liền. Họ thậm chí còn tìm mua những món đồ 'bảo hành trọn đời'.