Kể từ tháng 4/2023 đến nay, nhiều quốc gia châu Á đang hứng chịu những đợt nắng nóng kỷ lục, làm dấy lên lo ngại về khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Giới chuyên gia nhận định, mục tiêu giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C ngày càng "xa tầm với".
Hỏa Diệm Sơn là khu vực vừa ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục lên tới 80 độ C (Ảnh: Trip)
Tại Trung Quốc, nhiều địa phương đang chứng kiến đợt nắng nóng kéo dài. Giữa tháng 7 vừa qua, nhiệt độ tại thị trấn Sanbao thuộc vùng Tân Cương "vọt" lên 52,2 độ C. Mức nhiệt này đã vượt con số kỷ lục 50,3 độ C từng ghi nhận tại địa phương này vào năm 2015. Thậm chí tại Hỏa Diệm Sơn, nhiệt độ bề mặt đã lên tới 80 độ C.
Trong khi đó tại Bắc Kinh, cuộc sống của người dân cũng bị đảo lộn vì nắng nóng. "Đợt nắng nóng lần này kéo dài với cường độ mạnh và lan rộng. Nắng nóng như thiêu đốt xảy ra ở phía Bắc Trung Quốc là rất hiếm", ông Zhao Wei, chuyên gia dự báo của Đài khí tượng Bắc Kinh, cho biết.
Facekini đang trở thành món đồ không thể thiếu trong những ngày nắng nóng (Ảnh: NPR).
Vào những ngày nắng nóng như thiêu đốt ở Bắc Kinh, người dân và du khách phải tìm đến facekini - loại mặt nạ chống nắng, đang trở thành mặt hàng gây sốt và là món đồ không thể thiếu.
Facekini là loại khẩu trang kín toàn bộ, chỉ có phần hở ở mũi và mắt, giúp người dùng được che kín khuôn mặt.
Từng gây nhiều tranh cãi khi xuất hiện tại bãi biển ở Thanh Đảo năm 2012, đến nay facekini lại được nhiều phụ nữ Trung Quốc săn đón (Ảnh: NBC News).
Loại khẩu trang này được làm từ vải tổng hợp phổ biến như nylon và polyester. Các thiết kế phức tạp hơn có một phần vải che cằm và cổ, hoặc che cả phía trên mắt để chặn ánh sáng mặt trời và tia cực tím.
"So với thời điểm đại dịch thì năm nay doanh số bán đồ chống nắng của cửa hàng tăng lên rất nhiều", cô Vương, một nhân viên bán hàng, nói.
Người dân mặc kín đồ chống nắng, đi qua sân vận động Quốc gia ở Bắc Kinh (Ảnh: China Daily).
Người tiêu dùng ở các quốc gia vùng Đông Á có xu hướng thích làn da trắng sáng nên sản phẩm chống nắng cũng trở nên phổ biến hơn.
Dong Wei, một tiểu thương bán hàng tại chợ thương mại quốc tế Nghĩa Ô - một khu chợ lớn chuyên bán đồ dùng và hàng hóa ở tỉnh Chiết Giang, cho biết, sản phẩm như Facekini đang bán rất chạy vì giúp che cả khóe mắt, nơi dễ xuất hiện tàn nhang.
"Doanh số bán sản phẩm này tại cửa hàng chúng tôi tăng hơn 30% so với năm ngoái", cô nói với đài CCTV.
Chị em phụ nữ "kín cổng cao tường" khi ra đường (Ảnh: News).
Ngoài ra, những mặt hàng như mũ rộng vành, áo chống nắng làm từ vải chống tia cực tím, găng tay bảo hộ, áo giữ nhiệt đều được người tiêu dùng săn đón.
"Tôi từng sống ở Bắc Kinh suốt 3 thập kỷ, nhưng chưa từng trải qua mùa hè nào nóng cực điểm thế này. Bắc Kinh không khác gì cái lò lửa khổng lồ. Bởi vậy những sản phẩm chống nắng rất cần thiết", một người dân bày tỏ.
Sản phẩm chống nắng đang là mặt hàng bán chạy tại Trung Quốc (Ảnh: Reuters).
Theo số liệu từ nền tảng thương mại điện tử JD, từ giữa tháng 6, người tiêu dùng Trung Quốc đã chi tiêu thêm 50% cho mặt hàng chống nắng so với 2 tuần trước đó. Bắc Kinh cũng như các tỉnh Quảng Đông, Giang Tô là những địa phương đạt mức chi tiêu lập kỷ lục.
Ngay cả với nam giới thường không phải là đối tượng "mặn mà" với sản phẩm chống nắng, thì nay nhiều mặt hàng phù hợp với phái mạnh xuất hiện trên thị trường, thu hút nhóm khách hàng này.
Doanh số bán hàng trên nhiều nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc với mặt hàng chống nắng dành cho nam giới gồm áo giữ nhiệt, mũ câu cá, đều tăng gấp đôi so với cùng kỳ tháng 6/2022.
Cảnh nam giới Trung Quốc "bịt kín" khi ra đường không còn là chuyện lạ trong những ngày nóng (Ảnh: News).
Vào thời điểm nắng nóng diễn ra trên diện rộng, nhiều sàn thương mại điện tử nước này tung ra các gói khuyến mại hấp dẫn người mua. Công ty phân tích dữ liệu All View Cloud cho biết, doanh số bán máy điều hòa đạt gần 12 triệu chiếc, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu từ Trung tâm Khí hậu Quốc gia Trung Quốc (NCC) cho thấy, số ngày đạt nhiệt độ cao kỷ lục trong nửa đầu năm 2023 tại quốc gia này đã đạt kỷ lục. Đây là mức cao nhất kể từ khi giám sát số liệu chính thức bắt đầu từ năm 1961.
Theo Dân trí