Chiều 1/6, tại họp báo thường kỳ, Sở Văn hoá và Thể thao TP.HCM đã thông tin thêm về việc xử lý đơn vị tổ chức chương trình biểu diễn thời trang New Traditional của NTK Tường Danh.

Sở Văn hoá và Thể thao TP.HCM cho biết đã xác minh đơn vị vi phạm là công ty TNHH Objoff có trụ sở 73 đường số 4, phường Thảo Điền, Thành phố Thủ Đức.

photo-1-1685619303454346471392.jpg

Thành phố Thủ Đức đã lập biên bản vi phạm hành chính, Sở Văn hoá Thể thao cũng đang trong quá trình tham mưu UBND Thành phố để ra Quyết định xử phạt theo quy định.

Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã phối hợp với các cơ quan quản lý để xử lý vụ việc. Theo đó, Thành phố Thủ Đức đã lập biên bản vi phạm hành chính, Sở Văn hoá Thể thao cũng đang trong quá trình tham mưu UBND Thành phố để ra Quyết định xử phạt theo quy định.

Trước đó, đại diện Sở Văn hoá và Thể Thao TP. HCM xác nhận với phóng viên VTC News: Chương trình thời trang mang tên New Tradition diễn ra vào ngày 06/5/2023 không thực hiện bộ thủ tục hành chính theo đúng quy định tại Sở Văn hóa và Thể thao.

Như VTC News đưa tin trước đó, chương trình thời trang New Tradition (tạm dịch: Truyền thống mới) của nhà thiết kế Tường Danh làm dấy lên luồng dư luận trái chiều với hình ảnh người mẫu đội nón quai thao, mặc áo yếm cách điệu, để lộ phần lưng và vòng 3.

Hình ảnh khác gây bức xúc là người mẫu nam diện chiếc đầm vàng lệch vai cổ trụ. Khi trình diễn, người này còn cầm trên tay chuông vàng. Cùng với đó, nhiều thiết kế khác lấy cảm hứng từ áo dài, áo yếm cũng có những chi tiết cắt xẻ táo bạo...

Bộ sưu tập này vấp phải sự phản đối gay gắt từ giới chuyên môn và công chúng. Đa số các ý kiến cho rằng bộ sưu tập mang đến hình ảnh phản cảm, không phù hợp với các giá trị thuần phong mỹ tục.

Hoạ sĩ, nhà nghiên cứu áo dài Nguyễn Đức Bình chia sẻ: "Người làm bộ trang phục này chưa hiểu truyền thống, bản sắc văn hoá. Bộ trang phục này không mang bản sắc văn hoá người Việt.

Bản sắc văn hoá với trang phục người Việt là kín đáo, khiêm nhường, giản dị nhưng hiện nay có rất nhiều nhà thiết kế lấp liếm bằng những từ ngữ như cảm hứng, hơi thở hiện đại, tiếng nói của thời đại chúng ta đang sống để tạo nên những bộ trang phục không phù hợp, lố lăng.

Họ đang nhầm lẫn. Làm gì có cảm hứng như vậy? Trang phục dù cách tân hay không cách tân vẫn phải toát lên bản sắc văn hoá người Việt".

Ông Nguyễn Đức Bình chia sẻ thêm: "Nếu những bộ trang phục này được biểu diễn trong không gian kín đáo, phạm vi nhỏ, không ảnh hưởng đến đại chúng thì giới thiệu là việc của nhà thiết kế. Nhưng khi đã công bố rộng rãi bên ngoài sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng, đến định hướng thẩm mỹ cho xã hội. Những bạn trẻ sẽ tưởng đó là bản sắc văn hóa Việt. Điều này rất nguy hiểm.

Còn Tôn Thất Minh Khôi - chủ nhiệm dự án lịch sử Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi lên tiếng phê phán: "Từ khi nào chiếc nón quai thao truyền thống lại bị gán ghép vào những bờ mông để trần kệch cỡm, dung tục đến như thế này? Không thể tin vào mắt những hình ảnh này!

Từ khi nào hình ảnh chư Tăng khất thực vốn là một hình ảnh cực kì thiêng liêng, gợi nhắc về Tăng đoàn nguyên thuỷ, lại bị bóp méo lố bịch kinh khủng thế này trên sàn diễn thời trang? Tất cả đến từ một thương hiệu mạo xưng "trang phục truyền thống Việt Nam", sự bức xúc lên đến tận cùng. Đừng, đừng bao giờ vin vào cớ "cách tân", "sáng tạo" để cưỡng bức, bức tử văn hoá truyền thống một cách man rợ đến như thế này! Tôi kịch liệt lên án và phản đối bộ sưu tập và thương hiệu này!".

Còn khán giả thì bình luận: "NTK muốn mang chủ đề truyền thống vào thiết kế nhưng không quan tâm đến giá trị và hình ảnh con người Việt Nam bao đời nay. Hình ảnh người phụ nữ Việt truyền thống cực kì đẹp và có nét quyến rũ riêng. Muốn cách tân đổi mới thế nào cũng phải giữ được cái cốt lõi của truyền thống chứ".

Khán giả khác chỉ trích gay gắt hơn : "Đối với áo yếm, dù nó có là đồ lót nhưng vẫn là biểu tượng của phụ nữ, là biểu tượng cho sự mềm mại và thướt tha, duyên dáng chứ không phải lố lăng để mà phối với quần lọt khe, giày cao gót như vũ nữ thoát y như vậy".

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022