Cuối tháng 12 năm ngoái, Hà Mạnh Tuấn, sống ở Đống Đa, nhận kết quả khối u ung thư biến mất. Cụ thể, bác sĩ kết luận khối u của anh có kích thước 42x53 mm, không tăng chuyển hóa FDG (tổn thương ác tính là các tổn thương có sự tăng hấp thu FDG), chỉ còn là khối xơ.

Hình ảnh chụp PET/CT cũng tương ứng u lympho đáp ứng tốt với điều trị. Tuấn được xuất viện và hẹn khám lại theo định kỳ 3 tháng/ lần, không cần dùng thêm bất kỳ loại thuốc ung thư nào.

Là một người chú trọng chăm sóc sức khỏe chủ động, Tuấn ăn uống khoa học, chăm chỉ luyện tập cả sức bền, cơ bắp và chánh niệm. Anh thường xuyên tham gia các giải chạy và từng chinh phục cột mốc 42 km (full marathon). Ngoài ra, Tuấn còn đi bộ; bơi; tập các bài chống đẩy, HIIT, Tabata, thiền, khí công... để khỏe cả thể chất lẫn tinh thần.

Đầu tháng 5 năm ngoái, Tuấn bỗng khó thở tăng dần. Thấy tình trạng ngày càng nghiêm trọng, mẹ giục anh đến viện kiểm tra. Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bác sĩ chẩn đoán Tuấn bị tràn dịch màng phổi, u hạch thượng đòn, u hạch trung thất, yêu cầu nhập viện. Các kết quả sinh thiết cho thấy người đàn ông mắc u Lympho Hodgkin (một trong hai loại chính của ung thư hạch), giai đoạn 4, khối u dài 16 cm.

462549663-595862376511323-4843-7835-8335-1736131368.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=etsDeN2Mi9M1pTjLA2XfCQ

Tuấn trong thời gian còn điều trị tại viện. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lympho Hodgkin là một trong những bệnh ung thư đặc trưng bởi sự tăng sinh tế bào ác tính xảy ra trong một hoặc nhiều hạch bạch huyết. Điển hình là u xuất hiện ở một hạch bạch huyết rồi sau đó lan dần theo thứ tự đến các hạch khác, lách, gan và tủy xương. Bệnh có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm và người bệnh đáp ứng tốt với các phương pháp chữa bệnh như hóa trị, xạ trị.

"Tôi sốc nhưng chỉ trong 4-5 giây, rồi bình tĩnh lại ngay", Tuấn kể. Anh cho rằng tinh thần chiếm 80% thành công trong cuộc chiến chống bệnh tật, vì thế cần lạc quan, bình thản. Ngoài ra, người đàn ông biết bản thân mắc ung thư, nhưng sau tìm hiểu, anh thấy có nhiều hy vọng do căn bệnh có khả năng chữa khỏi cao. Sức khỏe thể chất và tinh thần của anh cũng tốt hơn so với rất nhiều bệnh nhân ung thư khác.

Người đàn ông bắt đầu đợt hóa trị đầu tiên vào chiều 17/6 năm ngoái tại Bệnh viện K - Cơ sở Tân Triều. Tuy nhiên, trong những đợt truyền đầu tiên, Tuấn gặp nhiều tác dụng phụ, buồn nôn, mất ngủ, tê bì chân tay, teo cơ, thối móng, chóng mặt, đau mỏi cơ xương khớp, ốm liên tục.

"Hồi trước, mỗi lần tập, tôi chống đẩy được khoảng 300 cái, khi bệnh thì chống 10 cái còn chật vật", Tuấn kể.

Lúc này, những suy nghĩ tiêu cực nhen nhóm xuất hiện, Tuấn dần suy sụp tinh thần. Anh cảm thấy chán nản, u sầu, sợ chết cũng như sợ bị mọi người bỏ rơi và lãng quên. Không chỉ vậy, người đàn ông còn xấu hổ với biệt danh "chiến binh" được mọi người đặt cho. Cảm giác tuyệt vọng gặm nhấm sức mạnh tinh thần của Tuấn từng ngày. Anh bỏ mạng xã hội, thu mình cô độc, từ chối mọi sự quan tâm của mọi người.

Nghiên cứu của Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) thực hiện trong 9 tháng, trên 264 bệnh nhân ở khoa Ung bướu, kết quả gần 58% người bị trầm cảm. Một bệnh nhân có thể cảm thấy mất kiểm soát cuộc sống do những thay đổi trong cơ thể. Họ đau khổ, lo sợ, nghĩ đến cái chết, hoặc những điều chưa biết phía trước, theo nhóm nghiên cứu của Bệnh viện 103. Do đó, bên cạnh điều trị bằng phẫu thuật, hóa xạ trị, các bác sĩ cho rằng tâm lý lạc quan, tích cực chiếm vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi và khỏi bệnh.

Trong những ngày tuyệt vọng nhất, Tuấn dần nhận ra sự thật "luôn có ánh sáng ở nơi cuối con đường". Anh cảm nhận "không ai cô đơn như họ tưởng tượng", nhờ đó tiếp thêm khả năng vực dậy tinh thần cũng như thể chất. Bên cạnh đó, nhờ đọc và suy ngẫm các tư tưởng tôn giáo, người đàn ông học cách không đổ lỗi bản thân và hoàn cảnh, chấp nhận mọi nghịch cảnh, đau khổ trong bình an.

"Tôi nghĩ bằng mọi giá phải khỏe lại để còn có sức kiến tạo giá trị tốt đẹp và truyền cảm hứng cho nhiều người hơn", người đàn ông kể lại.

picsart-25-01-05-08-40-09-111-5346-3775-1736131368.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zOFQ95Th-9PRTCdR7QoWGg

Kết quả chụp PET/CT cho thấy khối u còn 42x53 mm, không tăng chuyển hóa FDG, đáp ứng tốt với điều trị. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hôm 24/12/2024, TS. BS Đỗ Huyền Nga, Trưởng Khoa Nội Hệ Tạo Huyết, bác sĩ điều trị cho Tuấn, thông báo anh đã chính thức khỏi bệnh u lympho Hodgkin giai đoạn 4 và được ra viện.

Nhận được kết quả mới nhất về bệnh tình của Tuấn, người bố Hà Mạnh Thắng, 65 tuổi, không khỏi xúc động. Theo ông, cột mốc này không chỉ mang lại niềm vui cho gia đình mà còn thắp sáng thêm niềm tin cho cộng đồng, đặc biệt những người có cùng hoàn cảnh với Tuấn.

"Khi một ai đó chẳng may mắc căn bệnh này, hãy dũng cảm đón nhận một cách bình thản với tinh thần lạc quan, tin tưởng vào nền y học hiện đại, trình độ của bác sĩ", ông Thắng nói.

Tuấn cho biết sắp tới sẽ dành thời gian nhiều hơn cho những người quan trọng nhất cuộc đời mình. Bởi lẽ trong khoảnh khắc đối diện với thần chết, Tuấn nhận ra một điều: "Hạnh phúc lớn nhất đến từ việc làm cho người khác hạnh phúc, chứ không đến từ vật chất hay danh vọng".

Theo Tổ chức Ung thư Toàn cầu, mỗi năm Việt Nam phát hiện thêm 180.000 ca mắc mới và trên 123.000 ca tử vong do ung thư. Tại Việt Nam, ung thư là nguyên nhân gây tử vong xếp thứ hai, sau các bệnh lý về tim mạch. Gánh nặng bệnh tật do ung thư chiếm 10% tổng gánh nặng bệnh tật, lớn nhất trong số các nước ASEAN. Phần lớn người bệnh ung thư phát hiện ở giai đoạn muộn, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân nâng cao ý thức phòng ngừa bằng lối sống lành mạnh, ăn uống hợp lý, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, bỏ thuốc lá, giảm rượu bia, tập luyện thể dục đều đặn... Tiêm vaccine phòng bệnh. Khám sức khỏe định kỳ hàng năm và đi khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường. Chủ động tầm soát ung thư sớm theo khuyến cáo về nhóm tuổi và nhóm nguy cơ.

Mỹ Ý

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022