Được nghe về các trải nghiệm nuôi con bằng sữa mẹ tích cực từ người thân trong gia đình, Yap từng nghĩ việc cho con bú sẽ dễ dàng. Tuy nhiên, do sữa chưa về khi con trai chào đời, Yap buộc phải cho cậu bé dùng sữa công thức một thời gian.
"Đó là một cú sốc lớn đối với tôi, bởi trong hai ngày đầu sau sinh, sữa của tôi vẫn chưa về. Con tôi bị vàng da, nước tiểu kết tinh và tất cả những điều khủng khiếp khác", Yap chia sẻ.
Sau đó, ngay cả khi sữa bắt đầu về, Yap vẫn gặp khó khăn khi cho con bú trực tiếp. Việc phải vắt sữa qua bình khiến cô cảm thấy buồn và bất lực. Dù đã kết hợp cho con bú trực tiếp và bú bình, Yap vẫn cảm thấy bản thân là một người mẹ "thất bại".
"Lý do duy nhất con trai tôi còn sống là thằng bé sinh ra ở thời hiện đại, khi sữa công thức và máy hút sữa đã được phát minh. Nhưng nếu tôi sinh con ở thế hệ trước, có lẽ thằng bé đã chết vì không thể bú trực tiếp. Tôi ngày đêm dằn vặt mình trong suy nghĩ này", cô day dứt.
Áp lực của Yap một phần đến từ mạng xã hội, nơi những bà mẹ chia sẻ về hành trình nuôi con thuận lợi. Họ đăng tải những bức ảnh về kho sữa lớn trữ trong các túi zip, đặt ngay ngắn ở tủ đông; hình ảnh con đang bú mẹ trực tiếp - thể hiện "mối liên kết mẫu tử đẹp đẽ". Yap cho rằng khoảnh khắc vật lộn nuôi con đã dẫn đến chứng trầm cảm và lo âu sau sinh giai đoạn đầu ở tháng thứ 18.
Khảo sát Quốc gia lần thứ ba về Nuôi con bằng sữa mẹ và Cho con ăn do Hội đồng Xúc tiến Sức khỏe (HPB) thực hiện từ tháng 10/2021 đến tháng 2/2022 cho thấy 97% bà mẹ ở Singapore từng nuôi con bằng sữa mẹ. Con số năm 2011 là 86% và 2001 là 95%.
Dù vậy, số bà mẹ cho con bú hoàn toàn hoặc vẫn đang cho con bú 6 tháng sau sinh thấp hơn đáng kể. Năm 2021, 46% bà mẹ tham gia khảo sát con bú hoàn toàn từ 0 đến 3 tháng tuổi. Tỷ lệ này giảm xuống 35% khi trẻ sang tháng thứ 4 hoặc 5. 6 tháng sau sinh, con số giảm xuống còn 3%.
Nhiều bà mẹ nhận thức được lợi ích của việc cho con bú, song họ cho biết đây là hành trình không dễ dàng. Một số người gặp tình trạng ít sữa, tắc tuyến sữa. Số khác khó khăn nếu vắt sữa khi đã đi làm trở lại. Đặc biệt, tất cả chia sẻ cùng cảm giác tội lỗi khi họ ngừng cho con bú.
Tsuraiya Zakaria cho biết cô cảm thấy áp lực khi gặp khó khăn trong hành trình nuôi con bằng sữa mẹ. Doanh nhân 33 tuổi bị tắc tuyến sữa khi sinh con đầu lòng. Cô nhớ lại cảm giác bất lực khi y tá thông báo tã của con cô còn khô, có nghĩa lượng sữa không đủ.
"Điều này thực sự ảnh hưởng đến tinh thần tôi. Khi ấy, tôi vẫn đang cố hồi phục sau ca sinh", cô nói.
Tsuraiya Zakaria, doanh nhân 33 tuổi và con gái. Ảnh: CNA
Kể từ những năm 1990, xu hướng toàn cầu ủng hộ nuôi con bằng sữa mẹ dẫn đến niềm tin "sữa mẹ là tốt nhất". Nhiều phụ nữ ngầm cảm thấy áp lực, sau đó là tội lỗi nếu hành trình nuôi con không suôn sẻ, không đạt được "tiêu chuẩn lý tưởng".
Gwendolyn Toh chia sẻ "thử thách" khi nuôi con đầu lòng. Hơn một tuần sau sinh, sữa cô mới về. "Tôi căng thẳng khi nghe tiếng con khóc", nhà nghiên cứu 30 tuổi nói. Cuối cùng, Toh phải xin sữa từ sản phụ khác. Điều này khiến cô cảm thấy như bà mẹ "vô dụng". Sau thời gian trầm cảm, cô cuối cùng đã vượt qua các suy nghĩ tiêu cực, tìm thấy sự bình yên trong hành trình cho con bú theo tốc độ của riêng mình.
"Tôi nghĩ rằng xã hội đang tạo nên định nghĩa "Người mẹ tốt là phải cho con bú trực tiếp". Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng hành trình cho con bú là của riêng tôi, không phụ thuộc vào ánh mắt của người khác", cô nói.
Các chuyên gia tư vấn nhận định, phụ nữ có con lần đầu thường khắt khe với bản thân hơn. Họ quên rằng đây là điều hoàn toàn mới, họ chưa từng trải nghiệm trước đây. Theo Eliza Koo, chuyên gia tư vấn về sữa mẹ từ Tender Loving Milk, nhiều người có quan niệm sai lầm rằng việc cho con bú sẽ diễn ra dễ dàng và tự nhiên.
"Sự thật là quá trình này có thể gây sốc với rất nhiều bà mẹ. Chúng ta chưa từng được dạy về điều này. Chúng ta lớn lên mà không biết thế nào là cho con bú đúng, thế nào là sai", bà nói.
Đối với hầu hết bà mẹ, việc sản xuất sữa có thể diễn ra tự nhiên. Tuy vậy, số khác được chẩn đoán mắc các tình trạng sức khỏe làm tăng nguy cơ thiếu sữa như mất cân bằng nội tiết tố, bệnh tự miễn. Hình dạng của vú, núm vú cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình nuôi con bằng sữa mẹ.
Theo các chuyên gia, phụ nữ cảm thấy lo lắng, áp lực vì bị ảnh hưởng bởi các định nghĩa về tình mẫu tử đọc được trên mạng. Họ vô tình so sánh hành trình của bản thân với trải nghiệm cho con bú tích cực khác trên nền tảng truyền thông xã hội.
Ong Hui Tze, chuyên gia tư vấn về sữa mẹ tiếp nhận khoảng 20 khách hàng mỗi tháng. Hầu hết họ choáng ngợp vì việc cho con bú không như những gì họ hình dung. Họ thừa nhận bản thân cảm thấy buồn khi nhìn các bà mẹ khác thoải mái nuôi con những tháng đầu, tích trữ nhiều sữa đã vắt sẵn trong tủ đông. Sự so sánh gây ra cảm giác căng thẳng không cần thiết, bà Ong kết luận.
Nếu không được giải quyết, áp lực tích tụ có thể dẫn đến vấn đề sức khỏe tinh thần. Tháng 12 năm ngoái, một phụ nữ Singapore 33 tuổi đã ông con nhảy xuống từ tầng cao một tòa chung cư. Theo điều tra viên, có thể cô bị trầm cảm sau sinh, lo lắng vì tình trạng vàng da của con và vật lộn vì không hút được sữa.
Tiến sĩ Chua Tze-Ern, chuyên gia tư vấn cấp cao, người đứng đầu dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần phụ nữ tại Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em KK, cho biết cái "giá" phải trả cho việc nuôi con bằng sữa mẹ lớn hơn những gì người ngoài nhìn thấy.
"Nó vắt cạn người mẹ về cả thời gian, năng lượng, đồng thời gây ra nhiều đau đớn. Cơn đau thể chất do ngực căng tức và núm vú nứt nẻ, cơn đau về mặt cảm xúc do lo lắng, tự nghi ngờ thiên chức của bản thân", bà nói.
Theo tiến sĩ Cornelia Chee, trưởng Khoa Tâm lý Bệnh viện Quốc gia Singapore, lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ rất rõ ràng. Tuy nhiên, khuyến nghị này nên được xem xét một cách toàn diện trong bối cảnh rộng lớn hơn về sức khỏe tổng thể của người mẹ.
Thục Linh (Theo CNA)