1. Đái tháo đường và mối liên hệ nguy hiểm với tim mạch

Đái tháo đường không chỉ đơn thuần là bệnh lý về đường huyết mà còn là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra các bệnh lý tim mạch . Mối liên hệ giữa hai căn bệnh này phức tạp và có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng nếu không được kiểm soát tốt.

Khi mắc bệnh đái tháo đường, lượng đường trong máu cao kéo dài làm tổn thương các mạch máu, bao gồm cả động mạch vành nuôi dưỡng tim. Đường huyết cao thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch, hình thành các mảng bám trong lòng mạch, làm hẹp và cứng động mạch.

Đái tháo đường cũng thường đi kèm với tăng huyết áp, làm tăng áp lực lên thành mạch máu, gây tổn thương và tăng nguy cơ các bệnh lý tim mạch. Tình trạng viêm nhiễm mạn tính trong cơ thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và tổn thương mạch máu…

dai-thao-duong-2-1731401809283954353721-1731638559045-17316385594881066896961.png

Đái tháo đường là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây các bệnh lý tim mạch.

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, bệnh đái tháo đường và bệnh tim thường đi đôi với nhau. Trên thực tế, người lớn mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ cao gấp đôi so với người không mắc bệnh này.

Dạng bệnh tim phổ biến nhất là bệnh động mạch vành , phát triển theo thời gian khi các động mạch cung cấp máu cho tim bị lấp đầy bởi mảng bám. Mảng bám, được tạo thành từ cholesterol và các chất khác, khiến động mạch trở nên cứng lại. Thuật ngữ y khoa gọi tình trạng này là xơ vữa động mạch. Khi mảng bám tiếp tục tích tụ, các động mạch sẽ hẹp lại, do đó làm giảm lưu lượng máu giàu oxy đến tim. Điều này khiến cơ tim yếu đi, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đau tim, đột quỵ và thậm chí là suy tim.

2. Người bệnh đái tháo đường cần thận trọng với đường bổ sung trong thực phẩm

Để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, các chuyên gia khuyên người bệnh đái tháo đường cần duy trì đường huyết ổn định bằng cách tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và sử dụng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Một trong những mối nguy hại nhất đối với người bệnh đái tháo đường là các loại thực phẩm chứa đường bổ sung. Nhiều người bệnh đái tháo đường đang tiêu thụ nhiều đường bổ sung hơn họ nghĩ. Đường bổ sung không mang lại lợi ích dinh dưỡng nào nhưng lượng calo rỗng từ đường bổ sung trong món tráng miệng, đồ uống có đường và kẹo có thể dẫn đến tăng cân và tăng đột biến lượng đường trong máu.

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, đường bổ sung là đường và xi-rô được cho vào thực phẩm trong quá trình chế biến hoặc được thêm vào khi ăn.

Những loại thực phẩm và đồ uống phổ biến có thêm đường bao gồm:

  • Nước giải khát thông thường
  • Trà và cà phê có đường
  • Đồ uống tăng lực
  • Nước trái cây
  • Kẹo
  • Kem
  • Bánh ngọt và bánh nướng
  • Sữa có hương vị hoặc có đường
  • Ngũ cốc ăn sáng…

Tốc độ hấp thụ đường bổ sung nhanh hơn đường tự nhiên. Ví dụ, cơ thể chúng ta cần nhiều thời gian hơn để tiêu hóa một quả táo so với soda thông thường. Quả táo chứa chất xơ , vì vậy đường tự nhiên hấp thụ chậm hơn. Trong khi đó một lon soda chứa 10 thìa cà phê (42 gam) đường bổ sung, gần gấp đôi lượng khuyến nghị một ngày đối với phụ nữ và nhiều hơn tổng lượng hàng ngày đối với nam giới.

Đối với một người bình thường, nếu chúng ta chỉ uống một trong những đồ uống có đường này mỗi ngày và không cắt giảm lượng calo bằng cách khác, ngoài việc tăng cân còn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2, bệnh tim và các bệnh mạn tính khác. Đối với người bệnh đái tháo đường, cách tiêu thụ đường như này nguy hiểm hơn rất nhiều.

Vì vậy chúng ta cần cắt giảm lượng đường để kiểm soát lượng đường bổ sung trong chế độ ăn uống. Tham khảo cách dưới đây:

dai-thao-duong-1-17314018303161667760119-1731638563132-1731638563359966595307.png

Đường bổ sung trong món tráng miệng và đồ uống làm tăng đột biến lượng đường trong máu.

3. Cách đơn giản để cắt giảm lượng đường bổ sung

Theo hướng dẫn của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, mọi người có thể cắt giảm lượng đường bổ sung theo các cách sau:

Giảm tối đa đường ăn

Giảm lượng đường mà chúng ta thường xuyên thêm vào đồ uống và thực phẩm bao gồm ngũ cốc, bánh, cà phê hoặc trà. Đầu tiên cắt giảm một nửa lượng đường bạn thường thêm vào. Tiếp tục giảm lượng đường cho đến khi vị giác của bạn thích nghi.

Thay thế các loại đồ uống có đường

Uống nước lọc là tốt nhất. Nếu bạn muốn uống thứ gì đó ngọt hoặc đang cố gắng giảm cân, đồ uống ăn kiêng, trà đá không đường và các loại đồ uống không đường khác có hương vị có thể là lựa chọn tốt hơn so với đồ uống có đường.

Mua sắm một cách khôn ngoan

Khi mua thực phẩm nên kiểm tra thành phần dinh dưỡng và chọn chọn sản phẩm có lượng đường bổ sung thấp nhất. Các sản phẩm từ sữa và trái cây sẽ chứa một số loại đường tự nhiên.

Chuyển sang đường tự nhiên

Thay vì thêm đường vào thực phẩm và đồ uống, hãy thưởng thức vị ngọt từ đường tự nhiên có trong trái cây. Mua trái cây đóng hộp hoặc nước ép tự nhiên không thêm đường. Tránh trái cây đóng hộp trong xi-rô, đặc biệt là xi-rô đặc. Nhiều loại trái cây sấy khô có thể được làm ngọt nên hãy đọc nhãn cẩn thận và chọn các loại không đường.

Sử dụng chất tạo ngọt ít calo khi cần thiết

Chất thay thế đường ít calo và không calo mô phỏng vị ngọt của đường, khiến chúng trở thành cầu nối tốt nếu bạn đang cố gắng cắt giảm lượng đường bổ sung. Những chất thay thế đường này có thể là một giải pháp tạm thời khi bạn dần dần rèn luyện khẩu vị của mình để thích nghi với các loại thực phẩm và đồ uống ít ngọt hơn.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022