Courtney Smith là chuyên gia dinh dưỡng tại Ủy ban Y tế Quốc gia, người sáng lập Keys to Nutrition, với nhiều năm kinh nghiệm về việc giảm cân. Bà cho biết chìa khóa để giữ dáng một cách bền vững là từ bỏ rượu bia.
Thực tế, người Mỹ thường từ bỏ các mục tiêu sức khỏe của mình sau khoảng 7 tuần đầu năm mới. Bà Smith cho rằng từ loại bỏ các đồ uống có cồn khỏi chế độ ăn uống sẽ hỗ trợ giảm cân, khiến mọi người có thêm động lực và sức bền trong quá trình giảm cân.
"Hạn chế nạp calo từ rượu bia sẽ hỗ trợ giảm cân. Hàm lượng calo trên mỗi gam rượu bia là rất lớn", bà nói.
Tiến sĩ Smith giải thích, mỗi gam protein và carbohydrate chứa 4 calo, mỗi gam chất béo chứa 9 calo. Hai chất này cung cấp chất dinh dưỡng, tạo cảm giác no cho cơ thể. Trong khi đó, mỗi gam rượu bia chứa tới 7 calo và không đem lại bất cứ lợi ích sức khỏe nào.
"Rượu bia chứa lượng calo ngang với các loại mỡ, có thể cản trở việc giảm cân", bà Smith lưu ý.
Ngoài việc tiêu thụ calo, uống rượu còn kích thích thói quen ăn uống không kiểm soát. Mọi người có xu hướng đói hơn, muốn ăn thêm đồ ăn vặt hoặc một bữa nữa khi ra ngoài uống rượu. Smith lưu ý, gọi đồ uống có cồn khi ăn tối sẽ khiến mọi người lựa chọn các loại thực phẩm không lành mạnh.
"Chẳng hạn, uống margarita vào bữa tối, bạn có thể sẽ chọn khoai tây chiên thay vì salad", bà chỉ ra.
Bỏ rượu có thể là cách để giảm cân bền vững. Ảnh: Pexel
Theo Smith, những lựa chọn này tạo ra hiệu ứng domino, khiến mọi người tiếp tục ăn các loại đồ ăn có nhiều dầu mỡ, đường vào sáng hôm sau để cải thiện cơn say xỉn.
Ngoài lựa chọn thực phẩm, tiến sĩ Smith cho biết rượu bia cũng có thể ảnh hưởng đến việc tập thể dục. Sau một đêm uống rượu, mọi người trở nên lười biếng, không có động lực đi tập.
Tiến sĩ Smith khuyến khích những người đang giảm cân hoặc muốn cải thiện sức khỏe nên thực hiện thử thách "Dry January" (Tháng Giêng khô hạn), kiêng uống rượu trong suốt tháng 1 và duy trì mức tiêu thụ vừa phải trong cả năm.
Các chuyên gia trước cho biết, giảm rượu một tháng có thể cải thiện giấc ngủ, giảm nguy cơ ung thư.
Theo tiến sĩ Aimee Chiligiris, nhà tâm lý học lâm sàng tại Trung tâm Y tế Irving, Đại học Columbia, việc giảm uống rượu, dù chỉ trong thời gian ngắn, có thể cải thiện chức năng tổng thể các cơ quan, đặc biệt chức năng gan.
Một nghiên cứu của Đại học Sussex cho thấy, 71% người tham gia thử thách Dry January ngủ ngon hơn, 67% cho biết họ có nhiều năng lượng, 58% đã giảm cân thành công và 54% tự hào có làn da đẹp hơn.
Sau khi thực hiện xong thử thách tháng Giêng không rượu bia, tiến sĩ Smith khuyên mọi người cân nhắc việc giảm vĩnh viễn lượng rượu tiêu thụ, coi đó là cách thay đổi lối sống.
Thục Linh (Theo NY Post)