Bé chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khi mới 26 tuần thai, siêu nhẹ cân, suy hô hấp rất nặng phải thở máy. Ống động mạch của bé chưa đóng lại được, các bác sĩ Bệnh viện phụ sản Hà Nội ba lần dùng thuốc giúp ống tự đóng nhưng đều thất bại. Tròn 32 ngày tuổi, bé được chuyển sang Bệnh viện Tim Hà Nội để phẫu thuật.
Bác sĩ Tuấn Anh, khoa Hồi sức tích cực Nhi, Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết khi chuyển viện bé khó thở, tím tái, phải dùng máy hỗ trợ hô hấp. Đánh giá đây là trường hợp phức tạp và nhiều nguy cơ do trẻ còn quá nhỏ, quá nhẹ cân, các bác sĩ quyết định phẫu thuật theo phương pháp cắt, khâu ống động mạch.
Ca mổ tiến hành vào ngày 10/11 thành công, hậu phẫu bé được theo dõi và điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực.
Các bác sĩ phẫu thuật cắt, khâu ống động mạch cho trẻ sinh non. Ảnh: Quang Hùng
Bác sĩ Nguyễn Đăng Hùng, Trưởng kíp phẫu thuật, phụ trách Khoa phẫu thuật Tim mạch trẻ em, cho biết bình thường khi trẻ chào đời thì ống động mạch tim tự động đóng lại. Nếu ống không đóng, các bác sĩ sẽ dùng thuốc, trẻ đáp ứng thuốc sẽ tự đóng ống sau 1-2 tuần. Trường hợp ống vẫn không đóng được, bác sĩ phải phẫu thuật tim mạch để sửa dị tật và đóng ống lại.
Theo bác sĩ Hùng, bệnh viện đã mổ nhiều ca tương tự, mỗi ca mổ có độ khó khác nhau. Với em bé này, cơ thể quá nhỏ, các bác sĩ khó tiếp cận mạch máu. Ngoài ra, hệ hô hấp, hệ thần kinh của bé phát triển chưa hoàn thiện, nếu có sai sót trong phẫu thuật dù rất nhỏ cũng gây ra các tai biến.
"Nhưng nếu không phẫu thuật, trẻ sẽ suy tim, nguy cơ tử vong", bác sĩ Hùng nói, thêm rằng có nhiều biến chứng trên cơ thể một trẻ sinh non, nên ca phẫu thuật trên những bé như thế này là rất khó khăn. Đặc biệt, việc hồi sức cho trẻ sau phẫu thuật cũng là bài toán khó. Trẻ đẻ thiếu tháng sau khi mổ có nguy cơ nhiễm trùng cao, cùng với lá phổi chưa hình thành nên dễ dẫn đến viêm phổi mạn tính.
Em bé được chăm sóc, chuẩn bị trước khi phẫu thuật. Ảnh: Quang Hùng
Mỗi năm, Bệnh viện Tim Hà Nội can thiệp khoảng 10 trường hợp trẻ sinh non, nhẹ cân bị bẩm sinh còn ống động mạch, tỷ lệ thành công là 100%. Em bé trên là trường hợp nhẹ cân nhất được phẫu thuật.
Còn ống động mạch chiếm 5-10% các dị tật tim bẩm sinh, thường gặp ở nữ nhiều hơn nam, phổ biến ở trẻ sinh non tháng. Bệnh có thể dẫn đến suy tim, xuất huyết phổi, suy thận, không dung nạp thức ăn, viêm ruột hoại tử, tử vong.
Theo bác sĩ Hùng, trẻ sau phẫu thuật tim bẩm sinh cần có chế độ chăm sóc, dinh dưỡng đặc biệt, tái khám định kỳ cho tới khi sức khỏe hoàn toàn ổn định.
Lê Nga