Ý kiến trên được ông Tuyên nêu tại hội nghị trực tuyến của Bộ Y tế với gần 1.300 điểm cầu là sở y tế, bệnh viện, doanh nghiệp trên cả nước, triển khai Nghị quyết 30 và Nghị định 07 của Chính phủ.

Thứ trưởng Tuyên cho rằng hai văn bản này bước đầu tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, những khó khăn, vướng mắc không thể giải quyết triệt để ngay mà giải quyết từng bước.

"Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để sửa Luật Giá, Luật Đấu thầu. Nếu không đồng được tất cả văn bản thì không thể giải quyết được vướng mắc", Thứ trưởng Tuyên nói, thêm rằng tiến tới phải sửa Luật Dược sửa đổi, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, đồng thời xây dựng luật về trang thiết bị y tế.

1-1678436719-2069-1678437415.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=cPppSXnKXVq1o4APaljj6Q

Bộ Y tế tại hội nghị trực tuyến với 1.300 điểm cầu cả nước, ngày 10/3. Ảnh: Trần Minh

Đại diện các Sở Y tế và bệnh viện đánh giá hiện 80-90% vướng mắc đã giải quyết, song các quy định mới chỉ có tính ngắn hạn. Đơn cử, việc gia hạn giấy phép đến hết năm 2024 hay cho phép các cơ sở y tế được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023. Như vậy, nếu hết năm 2023 hay năm 2024 thì các khó khăn trong đấu thầu, mua sắm thuốc trang thiết bị y tế có thể lại tái diễn.

Ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa, đề xuất cần có cơ chế, quy định dài hơi hơn, không thể để hết năm 2023 lại khiến các bệnh viện rối bời trong việc mua sắm trang thiết bị y tế. Ngoài ra, đối với một số máy móc, hóa chất độc quyền chỉ có 1-2 doanh nghiệp cung ứng thì nên bỏ đấu thầu mà hướng tới việc đàm phán giá. "Giống như đấu thầu thuốc biệt dược gốc, anh em rất lo sợ vì chỉ có một loại như thế, đấu thầu tại cơ sở là gần như trúng thầu", ông Hùng giải thích.

Còn ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho rằng khó khăn trong thanh toán bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ thực hiện bằng máy đặt, máy mượn, đã được gỡ. Tuy nhiên cần đưa nội dung này vào luật để ổn định, không thể để vướng mắc như thời gian vừa qua khiến các bệnh viện hoang mang. Các giám đốc bệnh viện tại TP HCM cũng phản ánh vẫn còn khó khăn như chưa xác định giá, sửa chữa máy móc hỏng.

8-JPG-2791-1678446755.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=d4SYcDU4RGpo6LqZPoRQXA

Kỹ sư y học vật lý, thạc sĩ Mai Thái Học bật thử chức năng của máy Gama sau hai năm đắp chiếu tại Bệnh viện Bạch Mai, tháng 11/2022. Ảnh: Ngọc Thành

Đại diện Sở Y tế Quảng Ninh đề nghị hướng dẫn cụ thể "tình huống nào là cấp bách" trong đơn vị y tế. "Không có thuốc, vật tư y tế cấp cứu bệnh nhân đã được coi là cấp bách chưa", vị đại diện này nói. Định nghĩa này liên quan đến chỉ định thầu, chỉ định thầu rút gọn. Nếu không hướng dẫn rõ, dù các văn bản thông suốt thì việc mua sắm cũng sẽ mất thời gian 3-6 tháng, thậm chí lâu hơn.

Lãnh đạo các bệnh viện cũng đề nghị khẩn trương sửa đổi luật Đấu thầu để giải quyết căn cơ vấn đề thiếu thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế. Cụ thể, Luật Đấu thầu cần có những quy định riêng dành cho thuốc và trang thiết bị y tế.

Đáp lại đề nghị này, ông Lê Thành Công, Phó Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), cho biết cơ quan này đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi Luật Đấu thầu, theo hướng được phép mua sắm trang thiết bị phân nhóm các nước sản xuất, được phép chỉ định trong trường hợp máy đóng.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022