"Cả nước mong chờ Bộ Y tế sớm triển khai trung tâm này, giúp các bệnh viện đảm bảo thuốc điều trị", ông Thượng nói khi làm việc về phòng chống dịch sởi với Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và UBND TP HCM, chiều 29/8. Trong đó, thuốc hiếm gồm thuốc trị bệnh hiếm gặp (rất ít dùng) và thuốc trị bệnh thường gặp (nhưng lại ít khi có thuốc).

Ý kiến trên được ông Thượng nêu ra trong bối cảnh TP HCM đang thiếu thuốc Dopamine cấp cứu trẻ bệnh nặng. Đây là thuốc vận mạch dùng để cấp cứu trẻ mắc bệnh sởi nặng hay sốc sốt xuất huyết, tay chân miệng nặng, sốc nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh... Thuốc có đặc thù chỉ dùng chủ yếu ở trẻ, một công ty dược nhập 30.000 lọ nhưng các viện nhi ở miền Nam không dùng hết, phải hủy bỏ.

Lô thuốc Dopamine cuối cùng hết hạn từ ngày 15/8, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã họp hội đồng chuyên môn tìm một số thuốc thay thế. Thời gian qua, công ty dược lo thủ tục nhập khẩu, dự kiến thuốc về tới vào tháng 9.

"Có những năm, Bệnh viện Nhi đồng 1 mua thuốc cao phân tử Dextran để trị sốt xuất huyết mà năm đó dịch không nhiều, không dùng đến nên phải hủy thuốc, trong khi không mua thì bùng dịch lại thiếu thuốc", ông Thượng nói.

Người đứng đầu ngành y tế TP HCM cho biết trong khi chờ đợi, Sở sẽ tham mưu UBND thành phố thành lập tủ cơ số thuốc hiếm từ nguồn ngân sách. Dự kiến, tháng sau TP HCM sẽ công bố ứng dụng tra cứu thuốc hiếm cho các bệnh viện, khi cần thuốc có thể tra cứu để biết bệnh viện nào đang có. Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ 8 ống Blue Methylene kịp thời cứu bệnh nhân ngộ độc MetHemoglobin nặng.

ta-ng-chi-thu-o-ng-copy-4875-1724925367.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=YYF4zGelhzeySBOHNLKtAg

Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng phát biểu tại họp chống dịch, chiều 29/8. Ảnh: Song Khuê

Ông Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Quản lý Dược, cho biết quy định pháp luật ngày càng tạo điều kiện cho các địa phương, bệnh viện mua sắm, dự trữ thuốc hiếm. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn xảy ra tình trạng thiếu thuốc cục bộ ở một số nơi. Quá trình xây dựng, dự trữ thuốc hiếm còn gặp khó trong việc xác định nhu cầu, dự báo số lượng dự trữ cũng như khó khăn trong tìm kiếm nguồn cung vì số lượng quá ít, nhà cung ứng không muốn nhập về.

Ngoài ra, một trở ngại khác là bảo hiểm y tế chỉ thanh toán trên số lượng thuốc sử dụng thực tế cho người bệnh. Nếu thuốc quá hạn, bắt buộc phải hủy, cơ sở phải tự chịu hoàn toàn chi phí, bảo hiểm không thanh toán. Chưa kể, thuốc hiếm được danh mục bảo hiểm y tế thanh toán cũng ít, vì thường nhập khẩu đặc biệt, không có số đăng ký.

"Chúng tôi đang đề xuất cơ chế dự trữ thuốc hiếm ở ba miền, có phương thức tạo thành mạng lưới cả nước vì mỗi nơi có những nhu cầu khác nhau", ông Dũng nói, thêm rằng cần có có chế điều phối thuốc hiếm, đảm bảo nguyên tắc để người bệnh tiếp cận nhanh nhất. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp TP HCM xây dựng mạng lưới đảm bảo cung ứng thuốc hiếm toàn quốc, kết nối với các cơ sở điều trị trên thế giới như Thái Lan, Malaysia... để cung ứng nhanh khi cần.

UBND TP HCM chiều 27/8 công bố dịch sởi nhằm triển khai các biện pháp phòng chống, tổ chức tiêm vaccine. Từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận hơn 430 ca sởi, trong khi từ năm 2021 đến 2023 chỉ có một ca xét nghiệm dương tính. Trong hai ngày tới, khoảng 300.000 liều vaccine sởi - rubella (MR) sẽ về tới thành phố để triển khai chiến dịch tiêm chủng.

Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng... Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa.

Trẻ mắc bệnh được điều trị triệu chứng, đa phần tự khỏi. Tuy nhiên, một số nhóm như trẻ suy giảm miễn dịch, ung thư, bệnh mạn tính, tim bẩm sinh... nguy cơ diễn tiến nặng, có thể tử vong. Bệnh sởi cũng làm suy yếu sức đề kháng, khiến trẻ dễ mắc các bệnh khác.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022