Các bác sĩ cho biết trời lạnh khiến số bệnh nhân bị đột quỵ tăng đột biến, trong đó nhiều trường hợp đưa đến viện muộn. Tình hình tại Bệnh viện Bạch Mai tương tự các bệnh viện khác. Như Bệnh viện E, mỗi ngày cấp cứu khoảng hơn 10 ca đột quỵ nhưng chỉ có hai bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện trong "thời gian vàng", còn lại là muộn.

PGS. TS. Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cũng cho biết gần đây số lượng bệnh nhân khám ngoại trú tăng 5-10% so với tháng trước, chủ yếu là các bệnh lý tăng huyết áp, đột quỵ, lóc tách động mạch chủ.

Đặc biệt, Lạng Sơn đang chìm sâu trong giá lạnh, rét buốt. Theo bác sĩ Nguyễn Thành Đô, Khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Số bệnh nhân nhập viện do đột quỵ não tăng khoảng 15-20% so với thông thường. Đơn cử, một người đàn ông 40 tuổi ở Thái Nguyên, đang chơi thể thao đột ngột ngã khuỵu, bác sĩ phải can thiệp mạch, đặt stent cứu sống.

Theo các chuyên gia, vào mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè khoảng 5 mmHg, kéo theo tăng 21% các biến chứng tim mạch. Ngoài ra, thời tiết lạnh còn làm tăng tiết các catecholamin (một loại nội tiết tố) trong máu, dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp. Trong khi đó, đa số người dân không biết hoặc chưa kiểm soát tốt huyết áp của mình.

Huyết áp cao có thể gây đột quỵ, mất chức năng não đột ngột do thiếu máu cung cấp cho não. Tăng huyết áp cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim và mạch máu khác. Thậm chí nó dẫn đến đau tim hoặc suy tim với các triệu chứng như đau đầu dữ dội, đau ngực và tê hoặc ngứa ran ở mặt hoặc cánh tay.

Đối với những người đã có biến chứng xơ vữa động mạch hay huyết khối, mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ, nguy cơ tử vong cao hoặc để lại các biến chứng vô cùng nặng nề.

1-1969-1672565796.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=sxfOZKMTcguOCP7FVn0W7A

Một ca phẫu thuật tim mạch tại Bệnh viện 108. Ảnh:Bệnh viện cung cấp

Đột quỵ não có hai thể là xuất huyết não và nhồi máu não, trong đó đột quỵ nhồi máu não chiếm gần 80% trường hợp. Đột quỵ nhồi máu não nếu được phát hiện sớm, cấp cứu và điều trị trong khoảng thời gian vàng (trong 4,5 giờ đầu từ khi khởi phát), người bệnh có thể được cứu sống và hồi phục hoàn toàn nhờ dùng thuốc tiêu sợi huyết.

"Đột quỵ não gây ra tình trạng liệt, hôn mê, di chứng nặng nề, tỷ lệ tử vong còn khá cao. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ cứu sống người bệnh và có thể hồi phục hoàn toàn", bác sĩ Đô nói.

Các bác sĩ cho biết đột quỵ xảy ra trên nền bệnh nhân có yếu tố nguy cơ đái tháo đường, huyết áp cao, mỡ máu cao, bệnh lý nhịp tim, người hút thuốc lá, người thừa cân béo phì... Khi gặp thời tiết giá rét, những người này rất dễ gặp bất ổn về sức khỏe, quên dùng thuốc cũng làm cho các yếu tố nguy cơ càng khó kiểm soát.

Vì thế, bác sĩ Hiền khuyến cáo người bệnh không được bỏ thuốc, uống đều đặn theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Chú ý đo huyết áp thường xuyên, duy trì thói quen tập thể dục, chế độ ăn uống phù hợp với bệnh lý. Không nên tập thể dục ngoài trời trước 6h30 để tránh bị nhiễm lạnh.C

Cần uống đủ nước để quá trình chuyển hóa, trao đổi chất không bị ngưng trệ. Tránh đi ra ngoài vào ban đêm, không nên dậy vào lúc 4-5h vì lúc đó huyết áp hay tăng. Khi ngủ dậy cần ra khỏi giường từ từ, đồng thời mặc đủ quần áo ấm.

Khi người thân có một trong các triệu chứng đột quỵ như nói ngọng, tay chân yếu, nhân trung lệch sáng một bên... gia đình cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để cấp cứu, điều trị kịp thời.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022