Ngày 14/11, Ủy ban Y tế Quốc gia báo cáo hơn 16.000 ca nhiễm trên toàn quốc, tăng từ 14.700 ca vào một ngày trước đó. Đây là con số cao nhất ở Trung Quốc kể từ ngày 25/4, khi nước này phải chống chọi với làn sóng dịch nghiêm trọng nhất, sau đợt dịch tại Vũ Hán.

Bắc Kinh, Trùng Khánh, Quảng Châu và Trịnh Châu đều ghi nhận ngày có nhiều ca nhiễm nhất. Trong đó, thủ đô công bố 407 trường hợp dương tính, gấp đôi so với một ngày trước.

Tương tự, Quảng Châu báo cáo hơn 4.000 ca nhiễm. Trung tâm sản xuất lớn của Trung Quốc là Trịnh Châu ghi nhận gần 3.000 trường hợp mắc bệnh. Số ca mắc ở Trung Khánh cũng tăng vọt lên hơn 2.200 người.

Tỷ lệ ca nhiễm là rất nhỏ so với mức độ lây lan ở các quốc gia khác. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn quyết định trung thành với chính sách "Không Covid", khoanh vùng và cách ly ổ dịch ngay khi xuất hiện các ca nhiễm đầu tiên.

w3aprgpf7jk3hjf4bx7kuoncpm-jpe-8729-9747-1668421843.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=SQSMqcg3miVv1cT9ZLQM4A

Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ bên ngoài một tòa nhà bị phong tỏa ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 12/11. Ảnh: Reuters

Hôm 11/11, Ủy ban Y tế Quốc gia nới lỏng các hạn chế dập dịch, gồm rút ngắn thời gian cách ly các ca F1 và người nhập cảnh xuống còn hai ngày. Các ca F2 hiện nay không còn cần cách ly. Giới chức cho biết các thay đổi này sẽ "tối ưu hóa" biện pháp dập dịch, giảm bớt tác động đến cuộc sống người dân.

Các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch được phân loại theo mức "cao" và "thấp", loại bỏ danh mục "trung bình" nhằm giảm thiểu số người phải sống trong cảnh hạn chế. Theo các chuyên gia, trong tình hình hiện tại, Trung Quốc khó có thể mở cửa trở lại trước tháng 3/2023.

Từ đầu dịch đến nay, Trung Quốc ghi nhận 273.000 ca mắc, 5.226 ca tử vong và 255.000 trường hợp mắc Covid khỏi bệnh.

Thục Linh (Theo Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022