Sarah Jessica Parker (sinh ngày 25 tháng 3 năm 1965) là một nữ diễn viên và nhà sản xuất truyền hình người Mỹ. Trong sự nghiệp kéo dài hơn 5 thập kỷ, cô đã xuất hiện trong nhiều tác phẩm trên màn ảnh và sân khấu.
Parker trở thành ngôi sao nổi tiếng toàn cầu với vai diễn Carrie Bradshaw trong loạt phim hài kịch "Sex and the City" (1998–2004) của HBO, nhờ đó cô đã giành được hai giải Primetime Emmy, bốn giải Quả cầu Vàng.
Nhân vật Carrie thành công rực rỡ và được coi là một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử truyền hình Mỹ. Năm 2022, tạp chí Time thậm chí còn vinh danh Parker là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới.
Parker trở thành ngôi sao nổi tiếng toàn cầu với vai diễn Carrie Bradshaw trong loạt phim "Sex and the City".
Sao phim “Sex and the City” từ xưa đến nay luôn được biết đến với vóc dáng nhỏ nhắn và cân đối. Ngay cả khi đã 59 tuổi, Parker vẫn giữ được thân hình mảnh mai, nhận được nhiều lời khen của fan hâm mộ trên Instagram.
Sao phim “Sex and the City” có vóc dáng thanh mảnh ở tuổi U60.
Parker thường xuyên khoe những bộ ảnh chụp cho tạp chí trên Instagram.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Parker tiết lộ một điều ít ai ngờ - cô không hề thích thân hình mảnh khảnh của mình.
Sao phim "Sex and the City" không thích thân hình mảnh khảnh của mình
"Rất nhiều người phải mang trên mình gánh nặng về hình thể", Parker chia sẻ với chuyên gia làm đẹp Caroline Hirons trên podcast Glad We Had This Chat vào tháng 5 năm nay.
"Tôi không thích thân hình mảnh khảnh của mình. Và nếu bạn gặp anh chị em tôi, bạn sẽ biết đó là do cấu tạo di truyền, và tôi không ăn mừng việc mình có vóc dáng thanh mảnh. Tôi thích tăng cân hơn, nhưng đó là cách cơ thể tôi hoạt động".
Sao phim "Sex and the City" trong một bức ảnh chụp tháng 8 năm 2024.
Parker nói thêm rằng "rất khó để giữ cân" khi cô đóng kịch cùng chồng mình, Matthew Broderick, trong vở Plaza Suite. Vở kịch này được trình chiếu tại London từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, “yêu cầu quá nhiều về mặt thể chất” đến mức gần như không thể giữ được cân nặng như cũ, theo Parker.
Parker nói các anh chị em của cô cũng có vóc dáng thanh mảnh tương tự.
Theo báo Anh Independent, Parker không phải là người nổi tiếng duy nhất tiết lộ rằng việc có vóc dáng mảnh mai không phải giấc mơ như nhiều người vẫn nghĩ.
Năm 2013, người mẫu Mỹ Kendall Jenner chia sẻ với Harper’s Bazaar Arabia: “Tôi đang cố gắng tăng cân nhưng cơ thể tôi không cho phép. Điều mọi người không hiểu là khi bạn nhận xét ai đó quá gầy thì cũng giống như nhận xét họ quá béo. Đó không phải là cảm giác dễ chịu”.
Một sao nữ khác của phim “Sex and the City”, Kristin Davis, cũng từng chia sẻ bản thân rất căng thẳng vì những lời nhận xét về ngoại hình. Kristin (hiện 59 tuổi) cho biết giới truyền thông từng nhận xét cô có "dáng quả lê", trái ngược với "dáng thon gọn" của bạn diễn Parker.
"Tôi trở nên nổi tiếng khi tạp chí còn thịnh hành, và tuần nào cũng có một bài báo nói rằng tôi có "dáng quả lê". Điều đó thật khó khăn, không có bài tập nào có thể thay đổi được vóc dáng của tôi hoặc thay đổi được cách viết những bài báo đó...”, Kristin chia sẻ.
Kristin Davis cũng từng rất căng thẳng vì những lời nhận xét về ngoại hình.
Đây không phải lần đầu tiên các ngôi sao nói về áp lực ngoại hình họ phải chịu đựng khi là người nổi tiếng. Tuy nhiên, nhiều ngôi sao đã thành công trong việc cải thiện body image (cách tự cảm nhận ngoại hình cơ thể) để cảm thấy tốt hơn và tự tin hơn trong cuộc sống.
Body image quan trọng như thế nào với sức khỏe?
Theo chuyên trang y tế Medical News Today, body image là thái độ, cảm xúc, niềm tin và nhận thức của một người về cơ thể của chính họ. Các chuyên gia mô tả đây là một trải nghiệm cảm xúc phức tạp.
Cách một người cảm nhận về cơ thể mình có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau. Theo Hiệp hội Rối loạn Ăn uống Quốc gia Mỹ (NEDA), một loạt các niềm tin, kinh nghiệm và khái niệm góp phần tạo nên body image của một người.
Trong suốt chiều dài lịch sử, con người luôn coi trọng vẻ đẹp của cơ thể. Xã hội, phương tiện truyền thông, mạng xã hội và văn hóa đại chúng thường định hình những quan điểm này và điều này có thể ảnh hưởng đến cách một người nhìn nhận cơ thể của chính mình.
Tuy nhiên, các tiêu chuẩn phổ biến không phải lúc nào cũng hữu ích.
Việc liên tục tiếp nhận những hình ảnh trên phương tiện truyền thông và áp lực xã hội có thể khiến mọi người cảm thấy không thoải mái về cơ thể mình, dẫn đến buồn khổ và suy giảm sức khỏe. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến công việc, đời sống xã hội và các khía cạnh khác của cuộc sống.
Body image tiêu cực liên quan đến sự không hài lòng và muốn cơ thể của mình khác đi. Điều này có thể góp phần gây ra chứng rối loạn lo âu về ngoại hình, rối loạn ăn uống và các tình trạng khác.
Còn khi một người có body image tích cực, họ cảm thấy thoải mái với cơ thể của mình và có mối quan hệ lành mạnh với cơ thể của chính họ.
Khi một người có body image tích cực, họ cảm thấy thoải mái với cơ thể của mình và có mối quan hệ lành mạnh với cơ thể của chính họ.
Văn phòng Sức khỏe Phụ nữ Mỹ báo cáo rằng body image tích cực có liên quan đến sức khỏe tinh thần và thể chất tốt hơn.
Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy đối với cả nam và nữ, body image tích cực có liên quan đến giảm nguy cơ trầm cảm và giảm nguy cơ có một chế độ ăn uống không lành mạnh. Những người có body image tích cực cũng có lòng tự trọng cao hơn.
Cách cải thiện body image
Body image tích cực có nghĩa là:
- chấp nhận và đánh giá cao cơ thể của một người
- có một khái niệm rộng về cái đẹp
- thực hiện các bước để chăm sóc cơ thể và ngoại hình của một người theo cách khiến họ cảm thấy khỏe mạnh và trọn vẹn
- phấn đấu vì một mối quan hệ tốt với cơ thể của chính mình, không phụ thuộc vào ảnh hưởng bên ngoài hoặc thông điệp của xã hội.
Sau đây là một số mẹo được NEDA chứng mình có thể giúp một người cảm thấy tích cực hơn về cơ thể của mình:
- Dành thời gian với những người có quan điểm tích cực về cơ thể.
- Thực hành nói chuyện tích cực với bản thân. Hãy nói "Cánh tay của tôi khỏe" thay vì "Cánh tay của tôi quá to".
- Mặc quần áo thoải mái, khiến bạn cảm thấy thoải mái.
- Hãy nhớ rằng vẻ đẹp không chỉ là ngoại hình.
- Hãy trân trọng những gì cơ thể bạn có thể làm, chẳng hạn như cười, nhảy và sáng tạo.
- Hãy lập danh sách 10 điều bạn thích ở bản thân mà không liên quan đến ngoại hình.
- Hãy nhìn nhận bản thân với tư cách là một con người toàn diện, đừng quá tập trung vào một bộ phận cơ thể nào đó.
- Hãy làm điều gì đó tốt đẹp cho cơ thể bạn, chẳng hạn như mát-xa hoặc cắt tóc.
- Thay vì dành thời gian nghĩ về cơ thể, hãy bắt đầu một sở thích, trở thành tình nguyện viên hoặc làm điều gì đó khác khiến bạn cảm thấy hài lòng về bản thân.
Trên thực tế, một số nhà nghiên cứu Mỹ chuyên tìm hiểu các vấn đề về body image cho rằng giáo dục sức khỏe nên tập trung vào sự tự tin và body image tích cực.