Nghiên cứu đăng trên tạp chí Frontiers in Endocrinology, công bố ngày 2/1. Hormone có tên gọi INSL3, sản sinh lần đầu ở tuổi dậy thì, giảm mức độ khi về già. INSL3 do tế bào tinh hoàn sản xuất testosterone tạo ra. Tuy nhiên khác với testosterone, INSL3 không dao động khi nam giới trưởng thành. Tính nhất quán và thời gian xuất hiện khiến INSL3 có nhiều giá trị về mặt khoa học và sức khỏe nam giới.
Nghiên cứu cho thấy người có lượng INSL3 thấp khi còn trẻ sẽ duy trì mức độ này khi về già. Mức INSL3 thấp khiến nguy cơ biến chứng về sức khỏe cao hơn. Như vậy, dựa vào nồng độ INSL3 trong cơ thể, các nhà khoa học có thể dự đoán và xử lý các vấn đề sức khỏe sớm hơn nhiều năm.
"Hiểu được nguyên nhân một số người có khả năng cao mắc bệnh khi về già rất quan trọng để tìm cách can thiệp, đảm bảo tuổi thọ và cả chất lượng cuộc sống", Ravinder Anand-Ivell, nhà nghiên cứu sinh sản tại Đại học Nottingham, Vương quốc Anh, cho biết.
Để theo dõi mức độ INSL3 trong máu, các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu của hơn 2.200 nam giới trưởng thành tại 8 quốc gia châu Âu. Mức INSL3 của họ ổn định theo thời gian, nhưng khác biệt đáng kể giữa các cá nhân.
Các nhà nghiên cứu cho rằng nồng độ INSL3 trong máu tương quan với số lượng tế bào Leydig trong tinh hoàn. Càng ít tế bào Leydig và testosterone, nam giới càng dễ gặp các vấn đề sức khỏe trong cuộc sống.
Một người đàn ông đang tập tạ. Ảnh: Freepik
Theo ông, khám phá về hormone là bước quan trọng để giảm bớt gánh nặng, giải quyết cuộc khủng hoảng chăm sóc sức khỏe.
"Giờ đây, chúng tôi đã biết vai trò của hormone này trong việc dự đoán bệnh tật, sự thay đổi của nó ở nam giới. Chúng tôi đang tập trung tìm hiểu về những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến mức INSL3 trong máu", tiến sĩ Ivell nói.
Phân tích sơ bộ cho thấy dinh dưỡng trong những năm đầu đời đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, các yếu tố khác như di truyền, chất rối loạn nội tiết tố trong môi trường cũng có liên quan.
INSL3 có liên quan đến nguy cơ mắc 8 loại bệnh, bao gồm ung thư, tim mạch và tiểu đường. Các nhà nghiên cứu cho biết các yếu tố khác như lối sống, chỉ số khối cơ thể (BMI), thói quen hút thuốc không liên quan đến kết quả.
Thục Linh (Theo Science Alert)