Một năm trước, Giang, ở Ba Đình, Hà Nội, suy sụp khi nhận chẩn đoán mắc ung thư, dù trước đó không có biểu hiện bất thường. Cô chỉ thấy cổ hơi sưng, to, nuốt vướng, nghĩ đau họng nên đi khám. Kết quả chẩn đoán ung thư biểu mô nhú tuyến giáp, đã di căn hạch bạch. Ê kíp yêu cầu bệnh nhân nhập viện sớm để phẫu thuật, xử lý khối u.

Rời phòng khám, Giang đi lòng vòng trên phố, không dám về nhà. Người phụ nữ được bác sĩ động viên u tuyến giáp tiên lượng điều trị rất tích cực, song việc đột ngột trở thành bệnh nhân ung thư khiến cô không thể gượng dậy. Bên cạnh gánh nặng bệnh tật, cô còn mang áp lực tài chính khi mức lương chỉ hơn 10 triệu đồng, phải nuôi hai con nhỏ, bố mẹ hai bên đều khó khăn.

Tháng 5/2023, bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp để tránh tế bào ác tính chạy sang các bộ phận khác. Sau mổ, bác sĩ không phát hiện bất thường, không thấy hạch to vùng cổ và dưới hàm hai bên. "Song, tôi vẫn không ngừng lo lắng, luôn thấp thỏm trong nỗi lo ung thư tái phát", Giang chia sẻ.

Tương tự, Trường Sơn, 35 tuổi, nhận chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn 1 vào năm 2014. Sau đó, anh được mổ cắt khối u, hóa trị, các đợt kiểm tra hằng năm cho kết quả bình thường. Dù vậy, trước mỗi lần chụp cắt lớp vi tính (CT) ngực để kiểm tra liệu ung thư có trở lại, Sơn luôn căng thẳng, lo lắng, mất ăn mất ngủ.

10 năm qua, bất cứ khi nào vào viện, nhìn thấy máy móc, bác sĩ, người đàn ông lại run tay chân, mồ hôi đổ ra như tắm. Chỉ khi nhận kết quả bệnh ung thư không tái phát, anh mới thở phào nhẹ nhõm. Song triệu chứng này lại lặp lại vào lần khám tiếp theo.

"Từ khi nhận bản án ung thư, tôi không còn sống vô tư như trước", người đàn ông tâm sự, thêm rằng cuộc sống trở nên ngột ngạt khi mỗi ngày anh đều phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ trong ăn uống, sinh hoạt "như một ông già ở độ tuổi đôi mươi".

IMG-0691-JPG-6136-1732526944.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MXGRE7w9qTcGzs4uYRiLDw

Kết quả khám bệnh một năm trước của người bệnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thực tế, tin dữ mắc ung thư là cú sốc, khiến nhiều người suy sụp, chán nản. Đặc biệt, nhóm người trẻ khi nhận tin dữ có xu hướng sốc dữ dội, tức giận, cảm giác như "cả tương lai đóng sập", bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K, nói. Nguyên nhân là họ ở độ tuổi không nghĩ đến ung thư và cho rằng đây là bệnh của người già, nhất là khi gia đình không có tiền sử mắc bệnh.

"Tuổi trẻ là giai đoạn nhiều hoài bão và ước mơ, càng khó chấp nhận khi biết cuộc sống bị rút ngắn, phụ thuộc vào bệnh viện. Họ cũng có nhiều mối lo hơn như sợ trở thành gánh nặng của gia đình", bác sĩ cho hay.

Nhóm người trẻ cũng bị ám ảnh bởi nỗi lo ung thư tái phát. Nếu thời gian tái phát càng ngắn, ba tháng hoặc 6 tháng chứng tỏ bệnh nhân đang không đáp ứng điều trị tốt. Người trẻ đọc nhiều thông tin, nghĩ rằng ung thư là bệnh không thể khỏi, luôn đặt câu hỏi ăn gì, uống gì để không tái phát làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. "Thậm chí, khi bác sĩ ngập ngừng, người bệnh đã nghĩ bệnh đã tái phát. Nỗi lo khiến họ không thể sống tốt, luôn bị bất an", bác sĩ nói.

Theo Medical News Today, nỗi sợ tái phát ung thư (Fear of cancer recurrence - FCR) là hội chứng thường gặp ở bệnh nhân đang hoặc đã điều trị khỏi, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và chất lượng sống. Tình trạng này có thể xuất hiện tự nhiên và không phải lúc nào cũng cần điều trị. Người mắc hội chứng luôn mang nỗi lo dai dẳng, dữ dội, trường hợp nặng phải can thiệp y tế.

Một nghiên cứu năm 2022 từ hơn 13.000 người mắc bệnh ung thư tại Mỹ cho thấy, hội chứng này phổ biến hơn ở những người từng có dấu hiệu trầm cảm, lo lắng, người bị căng thẳng tâm lý hoặc có sang chấn mạnh mẽ trước đó. Trong đó, nhóm mắc bệnh ung thư ác tính, trình độ hiểu biết thấp, kinh tế hạn hẹp thường lo lắng và mức độ căng thẳng cao hơn.

Trên thực tế, bác sĩ Nam cho rằng bệnh nhân ung thư sau khi phẫu thuật "không có nghĩa là chấm dứt điều trị mà cần theo dõi trong thời gian dài, tái khám hai ba tháng một lần. Bởi, đặc tính của ung thư là tái phát và di căn".

Hiện, Việt Nam chưa có thống kê về tỷ lệ số ca tái phát, nhưng "ung thư ở người trẻ thường có xu hướng tái phát sớm và ác tính hơn so với nhóm cao tuổi", ông Nam nói.

285961943-1223228721829722-184-7087-7693-1732526944.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Mz9uJauafjaufNIxMVWsXQ

Kíp bác sĩ đang phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân ung thư dạ dày. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Viện Ung thư Quốc gia (NCI) Mỹ khuyến cáo hội chứng này là một vấn đề phức tạp, trường hợp lo lắng quá mức sẽ cần can thiệp về mặt tâm lý, y tế và xã hội. Trong một số ca bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để điều trị chứng trầm cảm hoặc lo âu.

Bác sĩ Lê Văn Thành, Bệnh viện K, khuyến cáo mọi người, bao gồm bệnh nhân ung thư cần giữ cơ thể khỏe mạnh, tập thể dục, vận động hàng ngày. Ăn đa dạng các loại rau quả và trái cây có màu sắc khác nhau như màu xanh đậm, đỏ và cam mỗi ngày. Lựa chọn thức ăn chứa những chất béo có lợi như a-xít béo omega-3 (thường chứa trong cá và hạt óc chó). Chọn các loại protein có ít chất béo bão hòa, chẳng hạn như cá, thịt nạc, trứng, hạnh nhân, hạt và đậu. Sử dụng các nguồn tinh bột tốt cho sức khỏe như ngũ cốc nguyên hạt thay tinh bột tinh chế, đường. Tránh đồ uống có đường, hạn chế ăn thịt đỏ (bò, lợn, cừu) và sản phẩm chế biến từ chúng (lẩu, xúc xích, thịt hộp).

Quá trình điều trị ung thư khiến nhiều bệnh nhân không duy trì được cân nặng bình thường. Sau khi kết thúc điều trị, bạn cần tham khảo bác sĩ để duy trì cân nặng hợp lý. Duy trì giấc ngủ, giảm căng thẳng, không uống rượu bia, thuốc lá...

Đặc biệt, bác sĩ khuyên người bệnh thực hành kỹ thuật chánh niệm, thiền để đẩy lùi các suy nghĩ, lo lắng thái quá, không đúng sự thật. Ví dụ, mỗi khi xuất hiện ý nghĩ ung thư quay trở lại, bệnh nhân nên quan sát thân - tâm, tập trung vào hơi thở cũng như khoảnh khắc hiện tại, tự trấn an "đó là suy nghĩ không đúng thực tế". Kỹ thuật này sẽ giúp mọi người đẩy lùi lo âu, trầm cảm đến từ việc suy nghĩ overthinking.

Thùy An

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022