Nguy kịch sau khi tiêm khớp tại phòng khám tư
Mới đây nhất, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận một ca bệnh đặc biệt nghiêm trọng sau khi tiêm khớp tại phòng khám tư. Bệnh nhân là nam, 70 tuổi, ở Quảng Ninh. Theo người nhà, trước đó bệnh nhân xuất hiện đau mỏi cổ vai gáy kéo dài nhưng không đến bệnh viện mà tự tiêm thuốc giảm đau tại một phòng khám tư nhân không rõ chuyên môn.
Sau tiêm, tình trạng không cải thiện mà ngày càng nặng: yếu chi, mất cảm giác, khó thở rồi liệt hoàn toàn từ cổ trở xuống, buộc phải chuyển tuyến khẩn cấp.

Bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng sau mũi tiêm khớp tại phòng khám tư. Ảnh: BVCC.
ThS.BS Lê Sơn Việt – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng liệt tứ chi hoàn toàn, cơ lực bằng 0, mất phản xạ, kèm suy hô hấp nặng do liệt cơ hô hấp. Chụp cộng hưởng từ cho thấy bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cổ nặng tại vị trí C2–C3, gây chèn ép tủy sống và dẫn đến viêm tủy cổ lan rộng.
Cũng phải nhập viện khẩn cấp hồi tháng 5 sau mũi tiêm khớp ở phòng khám tư là trường hợp của bà P.T.X (61 tuổi, ở Hải Dương cũ). Được biết, khoảng 10 ngày trước nhập viện, bà X. xuất hiện đau vùng khớp vai phải nên đến một phòng khám tư để tiêm thuốc trực tiếp vào khớp.
Tuy nhiên, triệu chứng không cải thiện mà còn đau tăng lên. Bà X. nhập viện tại cơ sở y tế địa phương với chẩn đoán áp-xe phần mềm nghi do nhiễm khuẩn. Dù đã dùng kháng sinh, tình trạng không cải thiện; huyết áp tụt và phải duy trì thuốc vận mạch để giữ huyết áp.
Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc vận mạch để duy trì huyết áp – dấu hiệu cho thấy tình trạng sốc nhiễm khuẩn nặng đe dọa tính mạng.
Gặp họa do lạm dụng corticoid kéo dài
Vào tháng 6/2025, ông T.V.M (77 tuổi, trú tại Thanh Hóa) được đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng nhiễm khuẩn huyết nặng trên nền suy thượng thận. Bệnh nhân nhập viện khi thể trạng suy kiệt nghiêm trọng.
Theo ThS.BS Hà Việt Huy, Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân có tiền sử đau khớp mạn tính hơn 10 năm, thường xuyên tự ý sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc có pha trộn corticoid để giảm đau.
Việc dùng thuốc kéo dài không theo đơn, không kiểm soát liều lượng đã dẫn đến tình trạng ức chế tuyến thượng thận, gây suy thượng thận và làm suy giảm hệ miễn dịch của bệnh nhân.
Cùng với đó, lạm dụng corticoid không chỉ gây suy tuyến nội tiết mà còn phá vỡ hệ thống miễn dịch, tạo điều kiện cho nhiễm trùng nặng và nhiều biến chứng nguy hiểm.
Nhập viện sau khi sử dụng cao thuốc không rõ thành phần, nguồn gốc
Cuối năm 2024, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nguy kịch sau khi uống cao chữa bệnh xương khớp. Bệnh nhân là nam (66 tuổi, ở Hà Nội) được đưa đến viện trong tình trạng chóng mặt buồn nôn, vã mồ hôi, co giật từng cơn, gồng cứng toàn thân sau khi uống cao thuốc có chứa cây mã tiền để chữa bệnh xương khớp, gout.
Bệnh nhân cho biết, trước đó đã từng sử dụng các loại cao thuốc nhưng lần đầu tiên bị phản ứng như vậy. Do đó, ông nghi ngờ có thể trong cao thuốc không chỉ có mã tiền mà còn nhiều loại chất không rõ nguồn gốc khác.
Hoại tử vì cho ong đốt để chữa bệnh khớp

Chân bệnh nhân bị hoại tử sau khi cho ong đốt để chữa bệnh khớp. Ảnh: BVCC.
Ngoài các trường hợp gặp họa do tiêm khớp, lạm dụng corticoid hay các bài thuốc dân gian không rõ nguồn gốc, một phụ nữ 43 tuổi ở Hà Tĩnh đã phải đến viện cấp cứu với đôi chân bị hoại tử do dùng ong đốt chữa bệnh khớp.
Được biết, bệnh nhân có tiền sử viêm khớp dạng thấp 20 năm, thường xuyên tự dùng thuốc tại nhà. Do vẫn đau nhiều và uống thuốc không đỡ, bệnh nhân đã dừng thuốc và chuyển sang điều trị ong châm khớp gối.
Sau khi cho ong châm, bệnh nhân có biểu hiện sưng nóng đỏ đau nhiều vùng cẳng và bàn chân phải. Nghe người mách, bệnh nhân tự đắp, bôi nhiều loại thuốc nam tại nhà. Tuy nhiên, vài ngày sau, cẳng chân phải chỗ đắp thuốc sưng đau hoại tử kèm sốt cao liên tục, khi sốt thì mê man, nói nhảm.
Tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán: Nhiễm khuẩn huyết - Viêm mô bào cẳng bàn chân phải/Viêm đa khớp dạng thấp.
Cách giúp cải thiện các bệnh về xương khớp
Theo các bác sĩ, khi gặp các vấn đề về xương khớp, người dân nên đến các bệnh viện, cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán bệnh một cách chính xác và đưa ra liệu trình điều trị phù hợp.
Bên cạnh đó, trong quá trình điều trị, cần lưu ý một số điều sau:
Dùng thuốc theo đơn của bác sĩ: Tuân thủ đúng theo đơn thuốc, không tự ý tăng liều, không tự ý bỏ thuốc và đến tái khám theo đúng lịch hẹn. Không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc nếu như chưa được bác sĩ kê đơn. Đặc biệt, tránh lạm dụng các loại thuốc giảm đau hoặc thói quen cứ đau là đi tiêm thuốc giảm đau vào khớp.
Đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh: Bổ sung các loại rau củ quả và các loại thức ăn tốt cho xương khớp. Hạn chế các loại thịt đỏ như thịt bò vì có hàm lượng axit uric cao, có thể khiến cơn đau khớp nghiêm trọng hơn.
Tập thể dục nhẹ nhàng: Tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn những bài tập thể dục phù hợp với tình trạng bệnh của mình. Tập đều đặn hàng ngày để hỗ trợ đem lại hiệu quả trong quá trình điều trị bệnh.

GĐXH - Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng liệt tứ chi, cơ lực bằng 0, mất phản xạ, kèm suy hô hấp nặng do liệt cơ hô hấp.