"Tôi thấy hạnh phúc vô cùng khi nhìn mọi thứ thật rõ rệt. Tôi chỉ mong được về quê để gặp và nhìn lại từng khuôn mặt của người thân mình", người phụ nữ nói khi được các bác sĩ, nhân viên y tế tặng bánh sinh nhật tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, chiều 30/9.

Bệnh nhân quê Yên Bái, bị loạn dưỡng giác mạc - một căn bệnh có tính chất di truyền. Bệnh làm mất đi tính trong suốt của giác mạc do bị lắng đọng chất màu trắng đục, gây giảm thị lực nghiêm trọng. Hơn 10 năm qua, bà không thể nhìn thấy người và vật xung quanh. Giải pháp duy nhất là ghép giác mạng, song hy vọng mong manh bởi người hiến rất ít.

Bất ngờ, hôm 25/9, bệnh nhân được các bác sĩ thông báo có người qua đời hiến giác mạc, có thể thực hiện ca ghép cho bà. Người hiến là cụ bà 75 tuổi, làm việc trong ngành y tế. TS.BS Nguyễn Lê Trung, Phó chủ nhiệm Khoa Mắt, Bệnh viện Quân y 103 - là con trai của cụ, đã gọi điện đến Ngân hàng Mô, bày tỏ muốn hiến giác mạc, theo nguyện vọng của mẹ mình trước khi qua đời.

img-0357-jpg-1727686741-172768-8271-3464-1727686991.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=SIv-RhsEfL0CZ55wMT5JvA

Bệnh nhân được ghép giác mạc được nhân viên y tế tặng bánh sinh nhật. Ảnh: Đức Tâm

Ngay sau nhận được tin báo, kỹ thuật viên của bệnh viện đã có mặt tại nhà tang lễ để lấy giác mạc. Một giác mạc được được đưa đến Bệnh viện Quân y 103, phần còn lại chuyển đến Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 để ghép. Sau 45 phút, ca phẫu thuật thành công, khi được bác sĩ gỡ băng gạc ở mắt, người phụ nữ vỡ òa vì thấy được ánh sáng.

"Tôi mở mắt và nhìn thấy mọi người trước mặt, mọi thứ thật lạ lẫm. Đến nay, sau 4 ngày, độ nét tăng lên rõ rệt. Tôi chỉ biết cảm ơn người đã hiến giác mạc, giúp tôi tìm lại ánh sáng cuộc đời", bệnh nhân nói.

PGS.TS Hoàng Minh Châu, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, đánh giá hiện tình trạng người nhận ổn, có thể tự đi lại được. Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả ban đầu, cần phải theo dõi thường xuyên trong thời gian dài. Người được ghép phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định tái khám cũng như chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt như không vận động nặng, tránh tác động từ môi trường khói bụi, va đập vào mắt...

2-1727686934-3726-1727686991.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=06JI9kDl1xQDml5phXmAAw

Các bác sĩ thực hiện ghép giác mạc cho bệnh nhân. Ảnh: Đức Tâm

Ngân hàng Mô của Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 được thành lập từ tháng 2/2024, hiện đã ghép giác mạc cho 42 trường hợp, nhưng đây là ca đầu tiên nhận giác mạc từ trong nước. Nguồn giác mạc còn lại được lấy (nhập khẩu) từ các ngân hàng mô (giác mạc) quốc tế.

PGS Châu mong muốn qua trường hợp này sẽ nâng cao ược nhận thức người dân về việc hiến mô, tạng và bộ phận cơ thể người. Đặc biệt là giác mạc hoàn toàn có thể hiến sau khi đã chết, chứ không chỉ lấy với trường hợp chết não. Thời gian tốt nhất để lấy giác mạc là trong khoảng 6-8 giờ sau khi người hiến mất. Từ đó, một người hiến giúp mang lại ánh sáng cho hai trường hợp bị mù lòa khác.

Thống kê tại Việt Nam có hơn 30.000 người mù vì bệnh lý giác mạc, cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng. Trong giai đoạn 2007-2023, cả nước có 45.000 đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó đã có 963 người tặng giác mạc sau khi qua đời. Người hiến nhỏ tuổi nhất là cháu bé 4 tuổi và lớn tuổi nhất là cụ già hơn 107 tuổi.

Lê Nga - Diệu Tâm

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022