Vaccine có sử dụng các thành phần có trong mũi tiêm ngừa Covid-19 nguyên bản, kèm theo một số thành phần từ biến chủng phụ BA.1. Vaccine được phỏng đoán hạn chế sự lây lan của BA.5 đang phổ biến ở Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới.
Đây là sản phẩm mới do hãng dược Pfizer và Moderna phát triển. Theo báo cáo, trong thử nghiệm lâm sàng, vaccine được cho là làm tăng lượng kháng thể trung hòa chống lại biến chủng phụ BA.1, hiệu quả đối với BA.5 ở một mức độ nào đó.
Chính phủ có kế hoạch cung cấp vaccine cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền, có nguy gặp các triệu chứng nghiêm trọng sau khi mắc Covid-19. Người trẻ hơn cũng có thể tiêm chủng, tùy thuộc vào mức độ hiệu quả của vaccine.
Kế hoạch này đã nhận được sự chấp thuận của hội đồng chuyên môn Bộ Y tế, tung ra vào thời điểm Nhật Bản đang trải qua đợt bùng phát thứ 7. Sự "hồi sinh" của virus khiến chính phủ mở rộng phạm vi đối tượng đủ điều kiện nhận liều vaccine Covid-19 thứ 4.
Tại cuộc họp của nhóm chuyên gia Bộ Y tế, một số thành viên bày tỏ lo ngại rằng nhiều người có thể chờ vaccine mới ra mắt, thay vì tiêm vaccine hiện có.
Người dân được tiêm vaccine Covid-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters
Pfizer và Moderna bắt đầu nghiên cứu về vaccine đặc hiệu ngừa các biến chủng kể từ khi Omicron xuất hiện. Nhật Bản là một trong những quốc gia đầu tiên hai hãng nộp đơn xin cấp phép. Pfizer và Moderna đã có động thái tương tự tại Mỹ, dự kiến triển khai vào tháng 9. Tại châu Âu, hai hãng đã hoàn tất thủ tục cấp phép cho vaccine, chuẩn bị tiêm chủng bổ sung vào mùa thu.
Hiện số ca nhiễm của Nhật Bản đã lên mức kỷ lục, gần 250.000 trường hợp mỗi ngày. Con số tăng liên tục kể từ đầu tháng 7, trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh thứ 7 trở nên nghiêm trọng hơn. Đợt lây nhiễm mới chủ yếu bắt nguồn từ biến chủng BA.5.
BA.5 có chung nguồn gốc di truyền với các chủng Omicron trước đó. Nó sở hữu những đột biến riêng biệt là L452R và F486V trong protein gai, giúp virus bám vào vật chủ hiệu quả và né tránh được phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Paul Bieniasz, giáo sư tại Đại học Rockefeller, cho biết BA.5 có thể vượt qua hàng rào kháng thể do tiêm chủng hoặc nhiễm bệnh tự nhiên trước đó. Để xác nhận điều này, các nhà khoa học tại Đại học Columbia đã thử nghiệm kháng thể từ người từng nhiễm Omicron trước đây với các biến chủng phụ. Họ phát hiện chúng hiệu quả ngăn ngừa BA.1 và BA.2, song giảm tác dụng nhiều lần trước BA.5.
Dù vậy, BA.5 dường như ít gây triệu chứng nguy hiểm. Theo một số chuyên gia, nguyên nhân là do biến chủng mới lây lan hiệu quả ở đường hô hấp trên (mũi và họng) hơn là phổi, ít gây ra các ca tử vong so với giai đoạn trước của đại dịch.
Thục Linh (Theo Japan Times)