Đề xuất được Bộ Y tế nêu trong tờ trình gửi Chính Phủ về việc sửa đổi Nghị định 09/2016 về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Hiện hồ sơ được Bộ tư pháp thẩm định, dự kiến trình Chính phủ thông qua vào tháng 11.

Ngày 5/11, bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ Trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết người dân toàn quốc, bao gồm cả các tỉnh ven biển Duyên hải miền Trung đều thiếu i ốt. Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019-2020, hộ gia đình sử dụng muối i ốt đủ tiêu chuẩn chỉ chiếm 27%, trong khi khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải trên 90%. Như vậy, số hộ gia đình sử dụng muối i ốt (đủ tiêu chuẩn phòng bệnh) đều đạt ở mức nguy cơ cận dưới và không đạt so với khuyến cáo của WHO.

"Tình trạng thiếu hụt i ốt tại Việt Nam nghiêm trọng tới mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng", bà Thủy nói, thêm rằng yêu cầu muối chế biến thực phẩm phải tăng cường i ốt là phù hợp với khuyến cáo của WHO và kinh nghiệm của quốc tế về phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng.

Thực tế, Việt Nam đã quy định bắt buộc muối dùng cho người ăn, bao gồm cả muối thực phẩm phải là muối i ốt từ năm 1994, theo bà Thủy. Nhờ đó, sau 6 năm triển khai, Việt Nam đã thanh toán được tình trạng thiếu i ốt và đạt được các tiêu chuẩn quốc tế vào năm 2005.

Cho rằng Việt Nam đã thanh toán được tình trạng thiếu hụt và người dân duy trì được thói quen sử dụng muối i ốt, năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163 thay thế Nghị định trước đó để chuyển sang cơ chế quản lý mới. Trong đó, quy định việc sử dụng muối i ốt trong chế biến thực phẩm không còn bắt buộc

Theo kết quả đánh giá 9 năm thi hành Nghị định số 163/2005, chưa đến 50% tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ muối i ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh. Năm 2014-2015, tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-10 tuổi đã tăng lên 8,3%.

Trước tình trạng này, năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị định 09 về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Trong đó, quy định "muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i ốt". Đến nay, việc tiêu thụ i ốt đã tăng, song vẫn dưới mức khuyến cáo của WHO.

1-jpeg-2293-1730783487.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ne3max2_5u3-KLFncY6x4g

Bộ Y tế khuyến nghị tăng cường sử dụng muối i ốt. Ảnh: Phạm Linh

Bà Thủy cho biết khi Chính phủ giao xây dựng hồ sơ sửa đổi Nghị định 09, Bộ Y tế nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp về việc bỏ quy định bắt buộc muối trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i ốt.

Lý do các doanh nghiệp đưa ra là "việc sử dụng muối tăng cường i ốt bị biến đổi về màu sắc, mùi vị hoặc ảnh hưởng không tốt sức khỏe người tiêu dùng" hay "gây khó khăn cho xuất khẩu vì Việt Nam bắt buộc còn các nước thì không",...

Tuy nhiên, Bộ Y tế cho rằng chưa nhận được bất kỳ bằng chứng khoa học nào liên quan các lý do trên. Tại buổi làm việc với doanh nghiệp ngày 30/10, lãnh đạo Bộ Y tế có ý kiến sẵn sàng phối hợp với các công ty để nghiên cứu, làm rõ ảnh hưởng của muối i ốt với sản phẩm của họ.

Trường hợp bằng chứng khoa học cho thấy việc sử dụng muối i ốt làm thực phẩm bị biến đổi về màu sắc, mùi vị hoặc ảnh hưởng không tốt sức khỏe người tiêu dùng, thì sẽ đề nghị Chính phủ loại trừ đối với các sản phẩm này trong Nghị định.

I ốt là một vi chất dinh dưỡng. Cơ thể sử dụng chất này để tổng hợp hormone tuyến giáp, rất cần cho sự phát triển của bào thai và trẻ em. Thiếu i ốt kéo dài có thể dẫn đến hư hại thần kinh ở thai và trẻ nhỏ. Ở phụ nữ mang thai, nó có thể dẫn đến sảy, thai chết lưu, đẻ non... Nguy cơ bướu cổ, hư hại chức năng thần kinh, tâm thần ở thanh niên, người lớn thiếu chất này.

Biểu hiện thiếu i ốt là mệt mỏi, lờ đờ, nên nhiều người không để ý. Theo Bộ Y tế, thiếu i ốt gây 5-10% trường hợp đần độn, 20-30% người mắc bệnh bướu cổ. Nhiều người bị thiếu năng lượng, giảm khả năng lao động, ảnh hưởng sức khỏe.

Thống kê trên cơ sở dữ liệu của Mạng lưới i ốt toàn cầu (IGN) cho thấy 126 quốc gia quy định bắt buộc tăng cường, trong đó 114 nước yêu cầu sử dụng muối đã tăng cường i ốt trong chế biến thực phẩm.

Trong ASEAN, 8 quốc gia áp dụng chính sách bắt buộc tăng cường i ốt vào muối ăn và muối dùng trong chế biến thực phẩm, gồm: Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Singapore, Indonesia, Malaysia và Philippines; chỉ có 2 quốc gia áp dụng chính sách khuyến khích là Singapore và Brunei.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022