Thông tin được GS.TS.BS Lê Thị Hợp, nguyên Viện trưởng Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam, chia sẻ tại hội thảo quốc tế về dinh dưỡng thực vật, ngày 12/7. Theo đó, mức tiêu thụ thịt, tỷ lệ đạm động vật ngày càng cao trong bữa ăn của người Việt, đặc biệt là ở thành thị, trái ngược với thực tế những năm 1980, khi còn nhiều khó khăn về kinh tế. Tỷ lệ tiêu thụ rau củ, trái cây, các loại hạt gần đây bắt đầu tăng trở lại nhưng vẫn còn thấp hơn so với khuyến nghị.
"Đây là biểu hiện không tốt cho khẩu phần người Việt, có thể là nguyên nhân gia tăng bệnh mạn tính không lây nhiễm trong thời gian qua", giáo sư Hợp nói.
GS.TS.BS Lê Thị Hợp, nguyên Viện trưởng Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Anh
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 100 người tử vong ở Việt Nam, có 81 người do bệnh mạn tính không lây nhiễm. Đây là những bệnh không do nguyên nhân nhiễm trùng cấp tính, không lây từ người sang người, diễn biến kéo dài, tiến triển chậm, không tự khỏi và hiếm khi được chữa khỏi. Bốn nhóm chính của bệnh mạn tính không lây là tim mạch, đái tháo đường, hô hấp mạn tính và ung thư.
Trong những yếu tố dẫn đến bệnh mạn tính không lây, chế độ ăn không hợp lý đóng vai trò chính, bên cạnh việc hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, thiếu vận động thể lực. Chế độ ăn nhiều đạm động vật, đặc biệt là thịt đỏ, dư thừa chất béo, nhiều đường, nhiều muối..., thúc đẩy phản ứng gốc tự do gây hại, tăng huyết áp, cholesterol máu, đường máu, khiến cơ thể rơi vào bệnh tật.
Ăn uống không hợp lý cũng là nguyên nhân căn bản dẫn đến gánh nặng dinh dưỡng kép của Việt Nam, tức tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng và thừa cân béo phì đều ở mức cao, theo PGS.TS.BS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Dinh dưỡng Quốc gia. Năm 2010, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ 5-19 tuổi là 8,5%, người trưởng thành là 12%, hiện con số này tăng lên 19 và 19,6%.
Theo phó giáo sư Mai, việc giữ chế độ ăn dinh dưỡng cân bằng, hợp lý, đảm bảo an toàn thực phẩm, giúp cơ thể khỏe mạnh, giảm nguy cơ bệnh mạn tính không lây nhiễm. Trong đó, cần cân đối đạm thực vật và động vật trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Người trưởng thành nên sử dụng nhiều đạm thực vật hơn, với khoảng 100 gram đậu, đỗ, hạt mỗi ngày, đặc biệt là đậu nành. Tăng cường rau củ tươi, quả chín, sữa và các sản phẩm từ sữa, giảm thịt đỏ, tránh các món ăn nhiều dầu mỡ (trừ mỡ cá) để kiểm soát cholesterol trong máu. Hạn chế đường, bánh kẹo, nước ngọt, hạn chế rượu bia. Giảm tiêu thụ muối (dưới 5 g/ngày).
Theo tiến sĩ Andrea Glenn, Đại học Harvard, Mỹ, dinh dưỡng từ thực vật thường giàu chất xơ, ít chất béo bão hòa, không chứa cholesterol, giàu carbohydrate, chứa hàm lượng cao một số chất dinh dưỡng vi lượng (vitamin C, folate, magie), giàu acid béo không bão hòa, chứa hoạt chất thực vật... Các nghiên cứu cho thấy thay thế đạm động vật bằng thực vật giúp giảm cholesterol xấu, hạn chế các yếu tố nguy cơ tim mạch về bệnh tim mạch, giữ ổn định đường huyết, mỡ máu, béo phì, huyết áp.
"Không phải cứ ăn thực vật là tốt mà cần chế độ ăn thực vật lành mạnh với ngũ cốc nguyên cám, rau củ, trái cây... Nhóm thực phẩm không lành mạnh như ngũ cốc tinh chế, khoai tây chiên, đồ ăn thức uống nhiều đường vẫn có nguy cơ bệnh tật cao", tiến sĩ Andrea Glenn nói.
Lê Phương