Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, đơn vị này đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nhiễm cùng lúc 6 loại ký sinh trùng trong cơ thể.

Cụ thể, bệnh nhân nữ 38 tuổi (Hà Nội) đến viện kiểm tra sức khỏe định kỳ. Sau khi được siêu âm ổ bụng và làm các xét nghiệm máu cơ bản, bệnh nhân được phát hiện có tổn thương gan. Ngoài ra, xét nghiệm tìm giun sán cho kết quả dương tính với 6 loại ký sinh trùng, bao gồm: Giun đũa, giun tròn, giun lươn, giun đũa chó mèo, sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ.

Các xét nghiệm, chụp chiếu chuyên sâu hơn phát hiện thêm nhiều tổn thương dạng nốt tại gan, lách, đáy phổi trái. Người bệnh được chẩn đoán tổn thương nội tạng do ký sinh trùng, chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị. 

Người phụ nữ cho biết, bản thân có thói quen ăn rau sống và thường xuyên tiếp xúc với chó, mèo.

nhiem-ky-sinh-trung-banner-1719574031932-17195740322031121202367.jpg

Theo các chuyên gia, các bệnh lý ký sinh trùng ngày càng có xu hướng gia tăng. Ảnh minh họa.

Theo các bác sĩ, trường hợp này không phải là hiếm. Trên thực tế, tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước vẫn ghi nhận các ca bệnh nhập viện do nhiễm ký sinh trùng.

Trước đó, chị N.T.H. cũng sinh sống tại Hà Nội tá hỏa khi nhận được kết quả dương tính với sán dây chó trong khi nhà không nuôi chó, mèo. Đến khám tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương với các triệu chứng da nổi nốt, ngứa, chóng mặt, khó thở… chị H. mới rõ nguyên nhân mắc bệnh do thói quen hay ăn rau sống.

Hay tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trước đó không lâu cũng đã phẫu thuật thành công một trường hợp bệnh nhân nhiễm ấu trùng sán dây chó ký sinh tại phổi. Nguyên nhân là do người này có thói quen ăn các thực phẩm tái hoặc sống nhiều lần như: thịt cừu nướng chưa chín, tiết canh dê, rau sống và gỏi cá mai. Bệnh nhân phát hiện bệnh trong tình trạng mệt mỏi, đau vùng ngực phải âm ỉ, thỉnh thoảng khó thở.

Thận trọng với các bệnh ký sinh trùng

Theo TS Hoàng Đình Cảnh - Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, các bệnh ký sinh trùng có tỷ lệ nhiễm, lưu hành cao ở một số vùng, gây tác hại lớn đến sức khỏe. Tuy nhiên các bệnh ký sinh trùng thường có triệu chứng lâm sàng nhẹ, một số có biểu hiện cấp tính nên chưa được người dân và xã hội quan tâm.

Trong đó, các bệnh ấu trùng giun đầu gai, bệnh giun lươn, giun xoắn, giun rồng … ngày càng gặp nhiều gây ra các tổn thương tại gan, não, phổi, thận, đường tiêu hoá, gây ảnh hưởng cấp tính và lâu dài đến sức khỏe của người dân, tác động xấu và gây ra những gánh nặng bệnh tật rất lớn tại cộng đồng.

Các chuyên gia y tế từng cảnh báo, hơn 90% nguyên nhân mắc bệnh ký sinh trùng đến từ thói quen ăn uống. Hay nói cách khác thói quen ăn uống của người Việt đang khiến các bệnh ký sinh trùng gia tăng nhanh chóng. Trong đó, thói quen ăn thịt lợn tái, bò tái, tiết canh, gỏi cá, rau thủy sinh… là nguyên nhân chính gây ra các bệnh ký sinh trùng.

Bên cạnh đó, bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo là bệnh ký sinh trùng mới nổi trong những năm gần đây do thói quen nuôi thú cưng tăng lên ở giới trẻ. Bệnh gây ra các tổn thương ở gan, ở não, ở lách, thận và gây ra hiện tượng miễn dịch dị ứng, ngứa, nổi mẩn kéo dài.

Thống kê tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) cho thấy, chỉ riêng trong năm 2023, Bệnh viện đã tiếp nhận thăm khám, điều trị cho hơn 15 nghìn người nhiễm giun đũa chó mèo. Trong đó, nhiều người từng được chẩn đoán u, ung thư não, gan, phổi nhưng nguyên nhân chính xác lại là do ổ ấu trùng giun sán.

Một số thói quen dễ rước ký sinh trùng vào người

base64-1719574449604385568478.jpeg

Thói quen ăn uống, sinh hoạt gia tăng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng. Ảnh minh họa

Ăn tiết canh

Theo các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tiết canh là món ăn được chế biến từ máu sống nên không thể tiêu diệt hết vi khuẩn, ký sinh trùng, nhất là máu của lợn, gà, vịt, dê... đang nhiễm bệnh.

Vì vậy, nguy cơ nhiễm các loại ký sinh trùng như sán dây, sán não, giun sán... là rất lớn. Theo đó, trứng giun sán vào trong cơ thể phát triển thành ấu trùng. Ấu trùng sán có khả năng xuyên qua niêm mạc đường tiêu hóa, cư trú ở tất cả các hệ thống từ cơ vân đến cơ tim, cơ hoành. Ấu trùng sán chui lên não làm tổ, khiến người bệnh có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, nôn, có thể có các cơn co giật. 

Ăn gỏi, đồ tái, nem chua

Ký sinh trùng như sán dây thường ký sinh trong thịt nạc, nội tạng động vật. Vì vậy, các món từ thịt, nội tạng bò, lợn nếu không được nấu chín có nguy cơ cao nhiễm ký sinh trùng.

Trong khi đó, nhiều người có thói quen ăn thịt tái, nhất là thịt bò tái để giữ được độ ngọt của thịt. Điều này hoàn toàn khiến người dùng nhiễm ký sinh trùng như sán dải bò (sán xơ mít), sán lá gan nếu ăn phải thịt bò, lợn nhiễm sán. Các ký sinh trùng này có thể gây bệnh tại hệ tiêu hóa, ảnh hưởng đến ruột, gan và các cơ quan khác trong cơ thể.

Tương tự, nem chua cũng là món ăn không qua chế biến nhiệt mà "chín" do lên men. Do đó, nếu ăn phải nem chua chưa lên men đủ để tiêu diệt trứng, ấu trùng sán (nếu có) trong thịt lợn, người ăn vẫn có nguy cơ bị nhiễm ký sinh trùng.

Thói quen ăn rau sống

Rất nhiều chuyên gia đã cảnh báo, trong rau sống có chứa nhiều loại ký sinh trùng như giun kim, giun tóc, giun móc, trứng giun đũa chó, sán lá gan, ký sinh trùng amip gây bệnh lỵ... nhất là các loại rau trồng gần khu vực có nguồn nước, đất bị ô nhiễm.

Hơn nữa, các loại giun sán hoặc trứng của chúng và ký sinh trùng có trong rau sống thường có kích thước rất nhỏ, khó quan sát bằng mắt thường. Do đó, nếu như sơ chế không sạch sẽ, giun sán dễ xâm nhập vào cơ thể khi uống nước ép hoặc ăn sống trực tiếp. 

Ôm ấp và cho chó mèo liếm vào cơ thể

Theo các chuyên gia, sán chó, mèo thường ký sinh trong ruột non của chó, mèo nhiễm bệnh. Những đốt sán già chứa trứng đứt ra thành từng đốt hoặc từng đoạn ngắn rồi tự di chuyển ra môi trường bên ngoài theo đường hậu môn hoặc theo phân chó, mèo. Mỗi đốt sán sẽ phóng thích trứng ra môi trường, dính vào lông chó, mèo hay hậu môn.

Do đặc điểm của chó là có thói quen liếm khắp cơ thể, liếm vật dụng sinh hoạt hàng ngày và có thể liếm vào cơ thể con người nếu như ôm ấp và chơi với chó. Do đó, trứng sán chó vô tình có thể phát tán khắp nơi, gia tăng nguy cơ lây bệnh cho người nuôi.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, để phòng nhiễm ký sinh trùng, người dân cần ăn chín uống sôi, không ăn tiết canh hay đồ tái sống; giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh; vệ sinh tay đúng cách, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Với người nuôi thú cưng, cần tẩy sạch giun cho vật nuôi và đặc biệt là quản lý tốt phân từ chúng, bởi đây là nguồn chứa trứng giun đũa. Nếu vệ sinh không sạch sẽ, người nuôi rất dễ lây nhiễm bệnh.

avatar1704428203580-17044282039371151647990.jpgBất ngờ phát hiện 5000 ký sinh trùng trong người, đã ăn phổi và não khi đi khám xương khớp

Cho con đi khám xương khớp vì khó đi lại, bố mẹ Tiểu Minh “sốc nặng” khi biết có hơn 5000 ký sinh trùng đang sống trong cơ thể cậu bé.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022