Ngày 9/11, tiến sĩ, bác sĩ Ngô Anh Vinh, Phó trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết bệnh nhi kể lại được các học sinh khóa trên rủ rê sử dụng thuốc lá điện tử. Sau đó, trẻ lên mạng tìm thông tin và đặt mua sản phẩm về hút, gia đình không biết.
Sau hút, nam sinh xuất hiện cơn run tay chân, chóng mặt, khó thở và co giật, phải nhập viện. Các bác sĩ đã lấy mẫu thuốc lá điện tử trẻ sử dụng, gửi đến Viện Pháp Y Quốc Gia để xét nghiệm tìm độc chất. Kết quả có thành phần của một số chất gây nghiện trong thuốc và đây là nguyên nhân khiến bệnh nhi ngộ độc.
Sau điều trị ổn định, bác sĩ Vinh đã tư vấn cho gia đình về cách giám sát và quan tâm con để phòng ngừa hành vi tái sử dụng thuốc lá điện tử.
Không chỉ Bệnh viện Nhi Trung ương, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử, chủ yếu là người trẻ. Hầu hết trường hợp vào cấp cứu trong trạng thái kích thích, loạn thần, ảo giác hoặc suy hô hấp do ngộ độc các chất trong thuốc lá điện tử. Như bệnh nhân nữ 20 tuổi ở Hà Nội, đến cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, suy tim, tổn thương não lan tỏa, tổn thương gan... Nguyên nhân được xác định do bệnh nhân ngộ độc một chất ma túy thế hệ mới có trong sản phẩm.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết cô gái đang rất nguy kịch do tổn thương và suy nhiều cơ quan, trong đó nặng nhất là tổn thương não (lan tỏa tại tất cả vị trí). Trường hợp của bệnh nhân gần giống ca đột quỵ não nhưng nặng hơn rất nhiều.
"Tiên lượng điều trị và hồi phục của bệnh nhân là vô cùng dè dặt", ông Nguyên nói.
Các loại thuốc lá điện tử thiết kế đa dạng với hình dáng bắt mắt, thu hút giới trẻ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế, năm 2020 có 8,35% học sinh lớp 8-12 hút thuốc lá điện tử, tăng 40 lần so 2005. Thống kê này cũng cho thấy người trẻ (14-30 tuổi) đã sử dụng thuốc lá điện tử thì nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá thông thường cao hơn 4 lần (so với nhóm không dùng thuốc lá điện tử).
Thuốc lá điện tử có nhiều tên gọi khác nhau như vape, thuốc lá vaporizer, e-cigs, e-hookahs, bút vape... được thiết kế đa dạng. Hình dáng có thể giống điếu thuốc lá truyền thống hoặc bút, ổ đĩa, thỏi son, nên học sinh dễ dàng mang vào lớp mà không bị người lớn phát hiện.
Theo bác sĩ Vinh, sự mới lạ của thuốc lá điện tử với hương thơm hấp dẫn (kẹo, trái cây, socola..) cùng những lời quảng cáo không gây hại, sành điệu, hợp thời... đã đánh trúng tâm lý thích thể hiện của tuổi mới lớn và nhanh chóng xâm nhập vào trường học. Tuy nhiên, đa phần thuốc lá điện tử có chứa nicotine, là chất gây nghiện cao, độc hại, gây bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, ngộ độc và gây ung thư. Trong dung dịch thuốc lá điện tử còn có glycerin, propylene glycol và hương liệu (trên 15.500 loại). Ngoài ra, gần đây đã xuất hiện hiện tượng trộn ma túy vào thuốc lá điện tử, gây hậu quả khôn lường.
Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần chú ý các dấu hiệu ở trẻ như cử động chậm chạp, trạng thái lơ mơ... Đây là biểu hiện của nghiện thuốc lá điện tử, cần được can thiệp kịp thời. Mỗi gia đình cần giáo dục trẻ vị thành niên hiểu rõ nguy cơ và tác hại của thuốc lá điện tử, tránh xảy ra nhiều bệnh lý đáng tiếc.
Lê Nga