Ngày 1/10, ThS.BS Đoàn Văn Anh Vũ, Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, cho biết bệnh nhân trước đó thường đau mỏi vai gáy nhẹ nên bỏ qua, đồng thời cảm giác tê tay phải. Nay tình trạng nặng, bệnh nhân đến viện 175 khám, kết quả khảo sát hình ảnh học vùng cột sống cổ và đánh giá dẫn truyền thần kinh bằng điện cơ tại Đơn vị Sinh lý Thần kinh Lâm sàng cho thấy thoát vị đĩa đệm cột sống cổ kèm chèn ép rễ thần kinh.

Sau khi điều trị bằng thuốc và kết hợp giảm đau bằng máy kích thích từ trường xuyên sọ, các triệu chứng của bệnh nhân cải thiện nhanh chóng.

do-die-n-co-1727748267-1727748-8177-2975-1727748532.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=W0t4LNpin0x2GTDgAPZVvA

Bệnh nhân đo điện cơ tại Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: Lê Phương

Trung tá, Ths.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm Khoa Nội Thần kinh, cho biết nhiều người bệnh đau mỏi vai gáy song hiểu lầm là do trúng gió, thay đổi thời tiết nên không điều trị, lâu dần bệnh nặng hơn.

Thông thường, khi nhiệt độ thay đổi nhanh, áp thấp nhiệt đới, mưa bão hoặc gió lạnh tác động đột ngột, mọi người có thể gặp tình trạng "trúng gió". Trong đó, trúng gió là tên gọi theo Đông y, còn Tây y gọi là cảm mạo. Người bệnh trúng gió thường biểu hiện sốt hoặc ớn lạnh, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, đau vai gáy...

"Hầu hết triệu chứng trên không đặc trưng cho trúng gió mà có thể gặp trong rất nhiều bệnh cảnh khác", bác sĩ Nghĩa nói, dẫn trường hợp bệnh nhân trên đau mỏi vai gáy do thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Phát hiện sớm, điều trị hợp lý, người bệnh có thể cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như tránh các biến chứng nặng, tàn phế do tổn thương hệ thống thần kinh.

Triệu chứng bệnh lý thoát vị đĩa đệm cột sống cổ kéo dài hơn 10 ngày, trong khi triệu chứng trúng gió thường giảm dần và tự khỏi trong khoảng một tuần. Đau thoát vị không chỉ ở vùng cổ gáy mà lan ra các khu vực xung quanh như vai, cánh tay hoặc phía sau đầu. Ngoài ra, người bệnh còn tê bì hai tay, khó khăn trong việc cử động khi căng cơ hoặc vận động quá sức. Biểu hiện là tay cầm đồ vật không chắc.

Trường hợp nặng, người bệnh yếu liệt hai tay hoặc tứ chi, mất cảm giác tứ chi, khả năng phải phẫu thuật. Bệnh nhẹ, bác sĩ chỉ định điều trị bằng thuốc, phong bế thần kinh, sử dụng máy kích thích từ trường xuyên sọ, đông y cũng như vật lý trị liệu.

Phòng ngừa thoát vị đĩa đệm cột sống bằng cách duy trì tư thế đúng khi làm việc và sinh hoạt. Luôn ngồi thẳng lưng, giữ màn hình máy tính ngang tầm mắt và không cúi gập cổ quá mức. Sử dụng ghế có tựa lưng hỗ trợ và gối kê lưng nếu cần thiết. Tập thể dục và vận động thường xuyên.

Tập các bài giãn cơ, đặc biệt là vùng cổ, vai và lưng để tăng cường sự linh hoạt dẻo dai của cơ bắp. Các bài tập như yoga, bơi lội, đi bộ cũng rất hữu ích.

Thay đổi thói quen sinh hoạt, tránh ngồi hoặc đứng quá lâu một tư thế. Dùng gối ngủ có độ cao phù hợp và chất liệu êm ái, giữ cho cột sống cổ ở vị trí tự nhiên khi ngủ. Sử dụng các biện pháp thư giãn và điều trị tại nhà. Massage nhẹ nhàng vùng cổ vai gáy để giảm căng thẳng cơ bắp. Áp dụng liệu pháp nhiệt, như chườm ấm hoặc lạnh, để giảm đau và giãn cơ.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022