Ngày 10/5, bác sĩ Trịnh Thế Sơn, Trưởng Khoa Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Mắt Hoa Lư, cho biết bệnh nhân từng phẫu thuật ba lần với các kỹ thuật cắt bè củng giác mạc, iStent, mổ phaco, nhưng tình trạng tăng nhãn áp tiếp tục tiếp triển. Việc sử dụng kéo dài nhiều loại thuốc điều trị gây những tác dụng phụ như đỏ mắt, cộm xốn, rậm lông mi, thâm quầng và lõm mắt.
Lần này, bệnh nhân được mổ theo phương pháp mới, đặt thiết bị dẫn lưu Paul Glaucoma Implant - như một "ống thoát nước" giúp thủy dịch thoát ra ngoài, hạ nhãn áp. Điều này góp phần bảo vệ đầu thần kinh và chức năng thị giác.
Sau mổ, sức khỏe mắt bệnh nhân hồi phục tốt, không còn đau nhức, không chảy nước mắt. Nhãn áp được kiểm soát ổn định, không ghi nhận biến chứng, người bệnh không cần phải sử dụng thêm thuốc hạ nhãn áp.

Các bác sĩ mổ mắt cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Glaucoma là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa không hồi phục trên toàn thế giới. Bệnh xảy ra khi áp lực trong mắt - hay còn gọi nhãn áp - tăng cao, gây tổn thương dần đến lớp sợi thần kinh thị giác, ảnh hưởng dẫn truyền hình ảnh từ mắt lên não.
Bệnh thường tiến triển rất âm thầm, nhiều người mắc bệnh không hề có triệu chứng trong giai đoạn đầu. Khi nhãn áp tăng cao kéo dài, vùng không gian mắt nhìn thấy bị thu hẹp dần, bệnh nhân có cảm giác như đang nhìn qua một đường hầm, thị lực suy giảm từ từ theo thời gian cho đến khi mù hoàn toàn.
Hiện nay, điều trị glaucoma chủ yếu tập trung vào mục tiêu hạ nhãn áp để làm chậm hoặc ngăn chặn tiến trình mất thị lực. Phương pháp điều trị bao gồm dùng thuốc nhỏ mắt, laser hoặc phẫu thuật. Tùy từng giai đoạn và mức độ nặng nhẹ, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp.
Đặt thiết bị dẫn lưu Paul Glaucoma Implant đang được nhiều trung tâm nhãn khoa lớn trên thế giới áp dụng. Thiết bị này làm từ chất liệu silicone, có khả năng kiểm soát nhãn áp ổn định lâu dài, ít phụ thuộc vào thuốc, đặc biệt hữu ích trong những trường hợp khó, như đã mổ nhiều lần hoặc không đáp ứng với các điều trị khác.
Theo bác sĩ Sơn, đây là một can thiệp phẫu thuật lớn, phức tạp và có chi phí cao (khoảng hơn 20 triệu đồng), nên không phải là lựa chọn đầu tiên trong điều trị. Một số bệnh nhân có thể kiểm soát nhãn áp ổn định chỉ nhờ dùng thuốc hoặc laser, nên không nhất thiết phải can thiệp sâu ngay từ đầu.
"Glaucoma là bệnh mạn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn, phẫu thuật đặt thiết bị giúp duy trì nhãn áp ở mức an toàn, ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng thêm, chứ không thể phục hồi thị lực đã mất", bác sĩ nói. Sau mổ, bệnh nhân vẫn cần được theo dõi định kỳ để kiểm tra nhãn áp, theo dõi hoạt động của thiết bị, trong một số trường hợp có thể vẫn cần dùng thêm thuốc nhỏ mắt hỗ trợ.
Lê Phương