Mới đây, trở về nhà sau một cuộc nhậu "tới bến", ông T.V.N. (ở Hà Nội) bỗng đau bụng quằn quại, nôn và đại tiện ra máu. Tưởng bị ngộ độc thức ăn hoặc đau ruột thừa, người nhà đưa đi cấp cứu thì mới phát hiện ông bị biến cố dễ chết người.

Cuối năm đi... lọc máu

Tại bệnh viện (BV), kết quả xét nghiệm cho thấy ông N. bị viêm tụy cấp do bia rượu dồn dập quá đà khiến cơ thể mất kiểm soát, trong đó do hệ tiêu hóa quá tải không đào thải kịp. Dù được cấp cứu kịp thời nhưng sức khỏe ông N. hiện chưa thể tiên lượng điều gì, đang thở máy và lọc máu tích cực.

tuy-cap-binh-dan-17068793271252062265116-1706931579110-1706931579337847697855.jpg

Một ca viêm tụy cấp hoại tử được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bình Dân (TP HCM) Ảnh: BVCC

Một trường hợp khác là anh T.V.H. (37 tuổi), cũng vào viện cấp cứu khi cuối năm cận kề. Ngày thứ hai sau bữa tiệc tất niên cùng đội bóng, anh H. bị đau vùng thượng vị, sốt cao, bụng trướng căng, nôn ra máu. Vốn có tiền sử đau dạ dày nên lúc đầu vào BV bác sĩ nghi ngờ anh H. bị viêm dạ dày cấp. Tuy nhiên, các xét nghiệm chỉ ra anh bị viêm tụy cấp sau tiệc vui "tới bến" với quá nhiều rượu.

BV Bình Dân (TP HCM) mới đây cũng cứu kịp một nam bệnh nhân 48 tuổi ngã ngang, ngất xỉu khi vào cổng cấp cứu. Nam bệnh nhân đi làm ăn xa, dịp cuối năm tranh thủ về thăm quê với "chén chú, chén anh" trước khi trở lại làm việc. Các bác sĩ xác định bệnh nhân bị viêm tụy cấp hoại tử, xuất huyết mức độ nặng ở thể nguy hiểm. Điều trị, dẫn lưu ổ dịch hơn cả tháng bệnh nhân mới tạm qua nguy kịch.

  • Ăn gì giải rượu? Bác sĩ Anh mách 25 món vừa hiệu quả vừa dễ tìm, kiếm đâu cũng cóĐọc ngay

Năm nào cũng vậy, hễ vào dịp cận và sau Tết là số bệnh nhân (đa số nam giới) nhập viện do viêm tụy cấp tăng cao. Tại các BV trên địa bàn TP HCM, Hà Nội như Chợ Rẫy, Đại học Y Dược, Bình Dân, Nhân Dân 115, Bạch Mai, Việt Đức, Tâm Anh… thường tiếp nhận cấp cứu những ca bệnh hiểm này. Nhiều trường hợp viêm tụy cấp hoại tử rất nặng, tiên lượng dè dặt phải điều trị phối hợp nhiều chuyên khoa mới cứu được. Đã có nhiều trường hợp không qua khỏi sau chuỗi ngày hôn mê nằm lọc máu kéo dài xuyên Tết. Nhiều người tưởng do ngộ độc thực phẩm nên chủ quan khiến viêm tụy cấp biến chứng nặng nề.

GS-TS-BS Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - BV Bạch Mai, cho biết trước đây các bệnh nhân bị viêm tụy thường do sỏi mật. Hiện nay, nguyên nhân phổ biến là do uống bia rượu và ăn uống. Thức ăn dầu mỡ, giàu đạm gây rối loạn chuyển hóa, hàm lượng triglyceride tăng cao gây viêm tụy cấp. "Có những trường hợp viêm tụy cấp hoại tử, khi đó các men tụy tràn ra ngoài ổ bụng gây thủng, xuất huyết và hỏng nội tạng. Phải áp dụng nhiều kỹ thuật cao, điều trị trong nhiều ngày mới cứu sống được người bệnh" - bác sĩ Bình khuyến cáo.

Cảnh báo "bão ngầm" bên trong

TS-BS Nguyễn Tạ Quyết, Trưởng Khoa Gan - Mật - Tụy BV Bình Dân, cho biết viêm tụy có nhiều nguyên nhân, trong đó có 3 nhóm nguyên nhân thường gặp là do sỏi mật, do sử dụng nhiều rượu bia và tăng thành phần triglyceride trong máu (mỡ trong máu). Đa phần bệnh nhân viêm tụy ở mức độ nhẹ, chiếm 90%-95% các trường hợp và phản ứng viêm, triệu chứng tự thu xếp sau vài ngày đến 1 tuần. 5% còn lại là khá nguy hiểm, biến chứng nặng hoại tử, xuất huyết, phải săn sóc đặc biệt.

Theo ThS-BS Nguyễn Thanh Phương, Khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc - BV Bình Dân, tuyến tụy vừa có chức năng nội tiết (tiết ra nội tiết tố insulin và glucagon để giữ ổn định lượng đường trong máu) vừa là cơ quan ngoại tiết (tiết ra các men tiêu hóa thức ăn). Tình trạng viêm tụy xảy ra khi các men tiêu hóa được hoạt hóa trước khi được đổ vào ruột non. Lúc này men tụy sẽ tấn công chính tuyến tụy, gây tổn thương mô tụy, tụy bị hỏng hoàn toàn và đe dọa tính mạng người bệnh.

Hầu hết (80%) các trường hợp viêm tụy hoại tử nặng là nam giới, độ tuổi trung bình từ 30-40 tuổi, khởi phát đau sau khi uống rượu bia và thời gian chăm sóc đặc biệt kéo dài. Viêm tụy cấp cần được điều trị kịp thời vì có thể tạo ra "cơn bão cytokine" - phản ứng miễn dịch quá mức của cơ thể khi dịch tụy tràn ra ngoài tụy, đổ vào ổ bụng gây viêm phúc mạc, sốc nhiễm trùng… Chất độc cũng có thể đi vào máu gây hạ huyết áp, nhiễm trùng huyết, tổn thương các cơ quan bên ngoài ổ bụng. Viêm tụy cấp hoại tử thường có tiên lượng rất xấu, không ít người bệnh chịu biến chứng nặng nề, diễn tiến suy đa cơ quan và tỉ lệ tử vong cao khoảng 20%-50%.

GS Nguyễn Gia Bình cảnh báo nhiều người nghĩ uống rượu, bia ảnh hưởng đến gan gây ra ung thư gan hay bệnh dạ dày, ung thư dạ dày, các bệnh về thần kinh… nhưng họ lại không biết rằng viêm tụy cấp mới là tác hại đầu tiên nguy hiểm nhất do lạm dụng rượu, bia. "Triệu chứng của viêm tụy cấp nổi bật nhất là đau bụng, chủ yếu đau vùng thượng vị, đau dữ dội, đột ngột sau bữa ăn thịnh soạn với các món ăn chứa nhiều dầu mỡ, giàu đạm. Đau thường kéo dài, lan ra sau lưng hoặc hạ sườn 2 bên. Triệu chứng thứ hai là nôn và buồn nôn và thường xảy ra sau đau, nôn xong không đỡ hay hết đau; thường nôn ra dịch dạ dày, dịch mật, thể nặng có thể nôn ra dịch máu loãng" - GS Bình nói.

Các bác sĩ lưu ý đối với người đã bị viêm tụy cấp cần phải được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt vì "cơn bão cytokine". "Đáng ngại là bệnh lý này đôi khi diễn biến quá nhanh nên bệnh nhân vào viện khi đã nặng và có biến chứng vào các tạng. Đặc biệt, khi hoại tử tụy lan rộng thì tỉ lệ tử vong lại rất cao" - bác sĩ Bình cảnh báo.

"Khi gặp tình trạng đau bụng liên tục, đau từ cấp độ vừa cho đến đau nặng, người bệnh có thể nôn ói. Sau khi nôn ói không giảm đau nên đến ngay bệnh viện gần nhất để được xét nghiệm. Nếu trong tình trạng viêm tụy cấp, bệnh nhân sẽ được cấp cứu kịp thời, tránh để lại những hệ lụy về sau" - bác sĩ Quyết khuyến cáo. 

Dễ tái phát, nhập viện nhiều lần

Theo BS chuyên khoa I Huỳnh Văn Trung, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa BV Đa khoa Tâm Anh (TP HCM), viêm tụy cấp là một rối loạn nghiêm trọng, tùy thuộc nguyên nhân, tuổi tác và bệnh đi kèm. Hầu hết trường hợp tử vong là do suy đa cơ quan và hoại tử tụy nhiễm trùng. Sự hiện diện của bệnh đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì... cũng làm gia tăng đáng kể nguy cơ biến chứng và tử vong.

Theo các bác sĩ, ngay cả khi điều trị khỏi thì viêm tụy cấp cũng rất dễ tái phát, có những bệnh nhân một năm nhập viện 3-4 lần. Nếu tình trạng này tái diễn nhiều lần người bệnh dễ trở thành viêm tụy mãn, suy tụy...

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022