Nội dung chính:
Bạch đậu khấu - gia vị đắt đỏ trên thế giới.
Tác dụng của bạch đậu khấu.
Gia vị đắt thứ 3 thế giới
Bạch đậu khấu được trồng ở nhiều quốc gia, trong đó có cả Việt Nam. Bạch đậu khấu là gia vị sử dụng từ rất lâu trên thế giới. Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cho biết, bạch đậu khấu là loại gia vị đắt đỏ thứ 3 trên thế giới, đứng sau nhụy hoa nghệ tây và vani.
Hiện, Việt Nam đang là một trong những nước cung ứng bạch đậu khấu cho nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 2.501 tấn bạch đậu khấu và nhục đậu khấu, kim ngạch đạt 20 triệu USD, báo Kinh tế đô thị đưa tin. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng xuất khẩu giảm 4,8%, trong khi kim ngạch tăng 3,1%.
Hiện có khoảng 30 thị trường nhập khẩu bạch đậu khấu và nhục đậu khấu từ Việt Nam, trong đó, Hà Lan, Mỹ và Anh là ba thị trường lớn nhất, chiếm lần lượt 31%, 15% và 11,2%.
Tác dụng của bạch đậu khấu
Theo tài liệu "Cây thuốc bài thuốc và Biệt dược" của dược sĩ Phạm Thiệp – dược sĩ Lê Văn Thuần – dược sĩ Bùi Xuân Chương, bạch đậu khấu có tên khoa học là Amomum cardamomum L. họ gừng (Zingiberaceae). Bạch đậu khấu còn có các tên gọi khác như: Đậu khấu, viên đậu khấu.
Quả bạch đậu khấu chứa tinh dầu, trong đó có: cineol, camphen, p.cymen, α – humulen, limonen, α – pinen, terpinen và terpineol.
Bạch đậu khấu (Ảnh minh họa).
Bạch đậu khấu có tác dụng tăng cường nhu động ruột, gia tăng sự phân tiết dịch vị, ức chế sự lên men bất thường ở ruột và chống nôn.
Ngoài ra, bạch đậu khấu còn có tác dụng chống nấm, hạ sốt, giãn cơ trơn và hạ huyết áp.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, một thìa bạch đậu khấu xay chứa 18 calo, 0,4g chất béo; 4g carbohydrate; 1,6g chất xơ; 0,6g protein; 65mg kali; 22mg canxi; 0,8mg sắt; 13mg magie; 10mg phốt pho.
Nhà khoa học Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng (Hội đông y Hà Nội) cho biết, tại một số nước như Thái Lan, Ấn Độ, bạch đậu khấu được sử dụng để điều trị sốt rét. Dầu bạch đậu khấu có tính kháng khuẩn, tốt cho tim mạch. Bạch đậu khấu tốt cho gan, có thể phòng ngừa ung thư.
Theo y học cổ truyền, bạch đậu khấu có vị cay, tính nóng, đi vào 3 kinh: phế, tỳ, vị. Bạch đậu khấu có tác dụng lưu thông khí (hành khí), hóa thấp, chống nôn, tiêu tích trệ sinh như: bụng trướng, ợ hơi đưa lên ngực, say rượu…
Ông Sáng cho biết, bạch đậu khấu chủ yếu được dùng để chữa rối loạn đường tiêu hóa như: kém ăn, khó tiêu, nôn mửa, đau chướng bụng do khí trệ, đầy hơi, đi ngoài, trẻ con trớ sữa. Ngoài ra, bạch đậu khấu còn được dùng làm thuốc điều kinh, hạ sốt, đôi khi được dùng để chữa lao có ho ra máu, thấp khớp, sốt rét, giải rượu. Liều dùng: 2-6g bạch đậu khấu/ngày.
Tuy nhiên, ông Sáng lưu ý những người thể nhiệt, đau bụng do các nguyên nhân khác (không phải đau chướng bụng do khí trệ) không được dùng bạch đậu khấu.
Một số bài thuốc từ bạch đậu khấu
Dưới đây là một số bài thuốc dùng bạch đậu khấu:
- Chữa chướng bụng do khí ứ trệ: bạch đậu khấu 5g, hậu phác 6g, vân mộc hương 3g, cam thảo 3g, sắc uống.
- Làm ấm dạ dày, chữa tiêu hóa kém, buồn nôn, ợ hơi trào ngược: bạch đậu khấu 20g tán bột. Mỗi lần uống 1-3g với nước ấm, có thể thêm vài lát gừng sống.
- Chữa nôn ọe: bạch đậu khấu, trần bì, hoắc hương, gừng sống, mỗi loại 5g, sắc uống.
- Chữa nôn mửa khi thai nghén: Bạch đậu khấu 3g, trúc nhự 9g, đại táo 3 quả, gừng tươi 3g. Gừng tươi giã nát, ép lấy nước. Các vị thuốc còn lại dùng nước sắc đến khi còn 50–60ml thì lọc lấy nước và uống với nước gừng.
- Chữa lợm giọng, buồn nôn: Nhấm hạt đậu khấu, nuốt nước.
- Giải rượu khi say: Bạch đậu khấu 5g, cam thảo 5g. Đem sắc lấy nước uống.
Ông Sáng cho hay, khi sử dụng bạch đậu khấu, mọi người cần lưu ý phải bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát để tránh bạch đậu khấu bị mốc hoặc bị mối mọt.